Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:05 (GMT +7)
Những thợ lò thu nhập cao của TKV
Thứ 6, 19/07/2024 | 11:27:49 [GMT +7] A A
Tại các mỏ hầm lò ở vùng Quảng Ninh, danh sách những thợ mỏ lao động giỏi thu nhập cao ngày một nối dài hơn. Đó là những người sở hữu bảng thành tích lao động xuất sắc, thu nhập bình quân hàng năm từ 300-500 triệu đồng/năm. Những câu lạc bộ thợ mỏ thu nhập cao cũng là niềm tự hào của các đơn vị. Đây chính là tài sản quý, là nguồn nhân lực chất lượng cao, những người đóng góp vào sự phát triển bền vững của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và vùng mỏ Quảng Ninh.
25 năm làm nghề thợ lò, với anh Nguyễn Hồng Thắng, Công ty Than Hòn Gai, đó là một hành trình gian nan nhưng cũng rất đáng tự hào. Anh Thắng là một trong những thợ lò đầu tiên công tác tại xí nghiệp Than Giáp Khẩu, nay là khu Giáp Khẩu của Công ty Than Hòn Gai. Hiện nay, anh đang là tổ trưởng một tổ sản xuất của Phân xưởng số 2 và cũng là một trong số những thợ lò có thu nhập cao nhất đơn vị, bình quân trên 30 triệu đồng/tháng.
"Lợi thế lớn nhất mà tôi có được là kinh nghiệm nhiều năm làm nghề thợ lò, sự am hiểu đường lò, vỉa vách, địa chất. Điều này giúp tôi luôn chủ động trong công việc được giao, xử lý nhiều tình huống khó khăn phát sinh trong một ca sản xuất. Kinh nghiệm thôi chưa đủ, tôi luôn tự học hỏi, nâng cao kỹ thuật, tay nghề, vừa để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của một tổ trưởng sản xuất, vừa giúp đỡ, kèm cặp thêm nhiều công nhân mới" - Thợ lò Nguyễn Hồng Thắng chia sẻ.
Câu chuyện của thợ đào lò Thào A Thanh ở Công ty Xây lắp mỏ - TKV cũng khiến nhiều người ấn tượng. Anh Thanh sinh năm 1996, quê ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, là một thợ lò trẻ với 5 năm công tác.
5 năm trước, sau nhiều lần thay đổi công việc ở các địa phương như Sơn La, Điện Biên, Hà Nội, anh Thào A Thanh quyết định về Quảng Ninh ứng tuyển vào vị trí thợ lò của Công ty Xây lắp mỏ, với mong muốn ổn định cuộc sống. Giờ đây, nhìn lại những năm tháng đó, anh Thanh càng có thêm quyết tâm để gắn bó lâu dài với công việc này.
"Sau 5 năm làm nghề thợ lò, tôi đã mua được 4 mảnh đất ở quê Điện Biên, sửa được nhà và tậu được vài con trâu, bò. Tôi cũng đang tính đưa vợ con xuống Quảng Ninh để định cư lâu dài. Có như vậy, tôi mới chuyên tâm gắn bó với nghề thợ lò và Công ty Xây lắp mỏ" - anh Thào A Thanh cho biết.
Với một thợ lò, mức thu nhập hàng tháng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài những yếu tố chủ quan như sự chăm chỉ, đạt ngày công cao, vấn đề hạ tầng kỹ thuật công nghệ khai thác, điều kiện địa chất, khối lượng sản phẩm được giao hoàn thành trong ca, công tác tổ chức sản xuất cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến mức thu nhập của một thợ lò. Để đảm bảo bình quân thu nhập trong đơn vị duy trì ở mức cao, quản đốc phân xưởng cần tổ chức sản xuất và phân công lao động phù hợp, hiệu quả; phát huy tối đa năng lực của mỗi người.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng kỹ thuật khai thác mỏ của TKV, câu chuyện về những thợ lò có thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm, ngày càng phổ biến. Từ năm 2023 đến nay, vùng Quảng Ninh có thêm những danh sách thợ lò thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên và ngày một nối dài.
Điều kiện sản xuất tốt với những hạ tầng kỹ thuật công nghệ mới đã giúp thợ lò được làm việc ở môi trường bớt nặng nhọc, bớt độc hại và an toàn hơn. Máy móc, thiết bị cơ giới thay họ làm những công đoạn thủ công, thợ lò chỉ cần nắm vững kỹ thuật, làm chủ công nghệ, vận hành trơn tru là đã có ngày công năng suất cao. Năng suất cao sẽ quyết định giá trị sản phẩm họ làm ra trong một ca lao động. Chính vì vậy, điểm chung của những thợ lò giỏi, thu nhập cao thường là bản tính chăm chỉ, chịu khó học hỏi, làm việc đúng quy trình, không làm tắt, làm ẩu. Nhiều thợ lò đã bứt phá hơn với những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng hiệu quả trong sản xuất.
Ông Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2024, ở vùng Quảng Ninh có gần 14.000 công nhân đạt mức 1 triệu đồng/công/ca sản xuất. Như vậy, nếu làm đủ ngày công theo quy định, những thợ lò này đã đạt bình quân thu nhập từ 26 - 28 triệu đồng/người/tháng.
Nghề mỏ là nghề nặng nhọc, độc hại, vất vả, nhưng ở Quảng Ninh đây là nghề có thu nhập cao trong mặt bằng thu nhập của khối các ngành công nghiệp khai khoáng. Theo nghề mỏ, rất nhiều lao động, không chỉ riêng người Quảng Ninh, mà còn là người dân ở nhiều địa phương trong cả nước - đã thật sự đổi đời, có kinh tế, chăm lo được cho gia đình, xây được nhà mới, sắm sửa nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()