Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:17 (GMT +7)
Những thầy giáo nặng lòng với con chữ nơi vùng cao
Thứ 2, 20/02/2023 | 10:05:43 [GMT +7] A A
Không quản ngại gian khổ, trèo đèo, băng rừng, lội suối gập ghềnh, ngày đêm bám bản vận động từng học sinh đến lớp... đó là những công việc thường nhật của nhiều thầy giáo vùng cao ở Quảng Ninh. Trong số đó có thầy giáo tình nguyện dành cả thanh xuân, hy sinh thầm lặng để cho con chữ được "nảy mầm", "sinh sôi" trên những vùng đất khó, đóng góp cho sự nghiệp trồng người.
Lớp mầm non đặc biệt
Lâu nay, nói đến cấp mầm non, chắc hẳn ai nấy cũng đều nghĩ đến hình ảnh thân quen các cô giáo khéo léo, hát hay, múa giỏi. Thế nhưng, được sự giới thiệu của Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, chúng tôi mới biết ở xã vùng cao Đồng Tâm có một lớp học đặc biệt của một người thầy đặc biệt. Đó là thầy giáo Ngô Văn Bằng (SN 1981), giáo viên điểm trường Nà Áng, Trường Mầm non Đồng Tâm, hằng ngày vẫn hết lòng dành tình yêu thương để chăm sóc, dạy dỗ trẻ.
Dù chỉ mới nghe qua câu chuyện về thầy Bằng, chúng tôi đã rất muốn được gặp người thầy đặc biệt ấy - giáo viên mầm non nam giới duy nhất tại huyện vùng cao Bình Liêu.
Xuất phát lúc 5h từ TP Hạ Long, khi tiết trời mùa đông vẫn còn lờ mờ sương, lạnh cắt da, cắt thịt, chúng tôi di chuyển khoảng 2 tiếng mới đến thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu). Để đến điểm trường Nà Áng, Trường Mầm non Đồng Tâm phải mất thêm 30 phút nữa đi bằng xe máy, qua con đường quanh co, uốn lượn, nhỏ hẹp.
Điểm trường Nà Áng hiện lên trước mắt chúng tôi không phải là cơ sở trường học riêng biệt, mà là nhà văn hóa thôn. Đón tiếp chúng tôi với nụ cười niềm nở, thầy Bằng nói: Điểm trường mới đang được xây rồi, nhưng chưa xong. 2 năm nay các con phải học nhờ nhà văn hóa của thôn, nhà vệ sinh không khép kín nên hơi bất tiện. Những hôm trời mưa, tôi phải cho trẻ đi vệ sinh vào bô tại lớp.
Vừa nói thầy Bằng vừa với tay rót ấm chè đặc mới pha còn bốc khói nghi ngút. Xã Đồng Tâm mùa này buổi sáng trời đặc quánh sương mù. Chỉ ngồi nói chuyện với chúng tôi được 5 phút, thầy Bằng đã phải ra sân để đón trẻ. Những trẻ mầm non ở đây dù đã quen với thời tiết khắc nghiệt, nhưng hai má lúc nào cũng đỏ hây hây, khô khan, nứt nẻ, trông rất đáng yêu, nhưng cũng rất đáng thương.
Dáng người cao ráo, thầy Bằng cứ luôn chân, luôn tay với đủ việc không tên, từ cử chỉ ân cần, âu yếm khi trẻ khóc, đến việc tự tay làm đồ chơi, cho trẻ tập thể dục, dạy học, vệ sinh, chăm sóc các bé từng bữa ăn, giấc ngủ… Lúc các con ngủ, thầy và các cô giáo ở đây mới được ăn cơm. Cứ như vậy, đến 17h thầy Bằng mới kết thúc một ngày làm việc.
Những công việc tưởng chừng chỉ các cô giáo mới có thể làm chu đáo, thì thầy Bằng đều làm được và làm tốt hơn chúng tôi nghĩ.
Thầy Bằng tâm sự: Tôi vào nghề từ năm 2006, gắn bó đến nay đã được 17 năm đều dạy ở Trường Mầm non Đồng Tâm. Quá trình công tác, tôi đã phải đi rất nhiều điểm trường xa xôi khó khăn như Ngàn Phe, Ngàn Vàng… Xác định làm nghề giáo viên mầm non, bản thân tôi không ngại việc chăm sóc, dạy múa hát cho trẻ, các cô giáo làm được, tôi cũng làm được. Dù công tác tại địa bàn khó khăn của huyện, giao thông đi lại cách trở, nhưng với tình yêu dành cho con trẻ, tôi vẫn kiên trì bám bản. Những nụ cười, sự phát triển của các bé mỗi ngày chính là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với nghề.
Người thân, bạn bè từng khuyên không nên chọn nghề sư phạm mầm non, bởi nghề vất vả, thu nhập thấp và đó là nghề dành cho nữ giới, nhưng đến nay sau hơn 17 năm trong nghề, thầy Bằng vẫn không ân hận với quyết định của mình. Bởi với thầy, khi thật tâm yêu nghề, mến trẻ thì không phân biệt giới tính, người thầy sẽ vừa là người mẹ, người cha, phụ huynh cũng an tâm khi đưa con tới trường.
Nhận xét về thầy Bằng, cô giáo Tô Thị Hoàng (điểm trường Nà Áng, Trường Mầm non Đồng Tâm), chia sẻ: Thầy Bằng là người hòa đồng, đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp. Thầy luôn tâm huyết với nghề, mến trẻ, đồng thời luôn chia sẻ khó khăn, động viên giáo viên trong trường. Dạy trẻ mầm non đối với giáo viên nữ đã vất vả rồi, nhưng là giáo viên nam còn khó khăn hơn. Thầy cũng là tấm gương để chúng tôi học hỏi.
Người thầy ở xã vùng cao Quảng Lâm
Ở Trường THCS Quảng Lâm (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà), gần 100% học sinh đều là người dân tộc thiểu số. Sự nhọc nhằn ở xã vùng cao này chỉ những con người gắn bó với nơi đây như quê hương thứ hai của mình mới có thể hiểu hết. Thế nhưng, vượt qua mọi khó khăn, thầy giáo Cao Xuân Hào (SN 1984), giáo viên Trường THCS Quảng Lâm vẫn đang từng ngày miệt mài gieo con chữ.
Khi những cơn mưa phùn của mùa xuân dày hơn, chúng tôi được theo chân thầy Hào đi từng hộ dân vận động học sinh quay trở lại học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đi cùng thầy Hào, chúng tôi hiểu thêm sự vất vả của các thầy cô giáo.
Xã Quảng Lâm rộng, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, nên có bản nằm cách xa trường tới 15km. Để đi tới từng hộ dân, chúng tôi phải đi qua những bạt ngàn hoang vu của rừng già, những con dốc đổ dài sỏi đá trơ ra rãnh đất khoét sâu do nước mưa xối để lại từ mùa mưa cũ, những con suối uốn lượn mùa khô thì trơ cằn sỏi đá, mùa mưa thì hoá thác lũ gầm gào.
Chiếc xe wave luôn trực chờ gầm máy đi ở số 1 để vượt qua những cung đường gập ghềnh. Đi qua hơn 15km đường đất vào những ngày mưa phùn, con đường như đổ cháo loãng chờ nắng lên hong.
Không muốn những đứa trẻ bị thiệt thòi về con chữ, thầy Hào thường xuyên đến các thôn, bản để vận động phụ huynh cho con ra lớp. Đến nhà không gặp, thầy lại lặn lội đi tìm xung quanh, rồi trở lại nhiều lần, động viên, tuyên truyền các chế độ chính sách mà học sinh được hưởng.
Dù đường xa, chân mỏi, mồ hôi luôn ướt áo, nhưng chưa bao giờ thầy Hào bỏ cuộc để học sinh không được đến lớp. Mưa dầm thấm lâu, thành quả của thầy chính là tỷ lệ chuyên cần và sĩ số của lớp luôn đảm bảo.
Đảm nhận giảng dạy môn Ngữ văn, Lịch sử, vẫn biết những khó khăn nơi vùng cao, đồ dùng dạy học còn hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều, nhưng thầy Hào luôn cố gắng để đưa những bài học sinh động, gần gũi, phong phú nhất đến với học sinh của mình. Khắc phục những khó khăn, thầy Hào đã tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Điển hình như sáng kiến "Nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử địa phương", sáng kiến này đã giúp cho học sinh Trường THCS Quảng Lâm hiểu rõ hơn về lịch sử huyện Đầm Hà, lịch sử tỉnh Quảng Ninh, qua đó hình thành niềm yêu thích môn Lịch sử, tự hào về quê hương, hun đúc tình yêu đất nước. Tỷ lệ học sinh thầy dạy đạt học lực khá, giỏi nhiều năm liền đều vượt chỉ tiêu đề ra, không có tỷ lệ học sinh yếu, kém bộ môn.
Với cương vị Tổ trưởng chuyên môn, thầy Hào thường xuyên triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn của tổ, hướng dẫn, giúp đỡ các đồng nghiệp trong tổ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; tích cực nghiên cứu các bài học, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh có hiệu quả.
Thầy giáo Cao Xuân Hào chia sẻ: Tôi công tác tại Trường THCS Quảng Lâm đã gần 6 năm. Những thành công của học trò chính là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn. Ở những vùng có điều kiện thuận lợi, thành tích học tập của các em là niềm vui của mỗi thầy cô giáo, thì ở vùng khó khăn niềm vui càng nhân lên bội phần.
Giờ đây, con đường trung tâm huyện Đầm Hà đi xã Quảng Lâm đang dần được hoàn thiện. Cùng với con đường, bằng tâm huyết của người thầy, hành trang tri thức của học sinh sẽ mở ra một tương lai mới giàu có, trù phú và hạnh phúc cho mảnh đất này.
Vượt qua những khó khăn, những người thầy ấy vẫn miệt mài bám trường, bám lớp, bám bản để “ươm” những mầm xanh trên núi. Những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười của học sinh và niềm vui của các phụ huynh chính là động lực để những người thầy tiếp tục cống hiến cho vùng cao, yêu thương những đứa trẻ và gây dựng nên một tương lai tươi sáng cho chính các em.
Lan Anh - Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()