Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:14 (GMT +7)
Những sai lầm cần tránh trong cách vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa
Thứ 3, 21/06/2022 | 11:13:13 [GMT +7] A A
Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng trong tai giữa. Bên cạnh việc điều trị, chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa cũng cần đúng cách.
Có nhiều loại viêm tai giữa: Cấp, bán cấp, mạn tính. Bên cạnh việc sử dụng thuốc thì việc thực hiện một số phương pháp điều trị khác là cần thiết, nhằm ngăn chặn những tai biến xấu có thể xảy ra với trẻ. Dưới đây là những sai lầm thường gặp trong khi vệ sinh tai cho trẻ mắc bệnh viêm tai giữa.
1. Cố gắng rửa tai khi trẻ mắc viêm tai giữa
Khi trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ nên vệ sinh tai cho trẻ sạch sẽ. Cha mẹ nên sử dụng khăn mềm lau xung quanh vành tai cho trẻ. Sau đó xoắn nhẹ góc khăn và lau nhẹ nhàng vào ống tai ngoài. Không nên cố gắng ngoáy sâu vào bên trong tai của trẻ. Chỉ vệ sinh phía ngoài vành tai khi thấy mủ và dịch ướt chảy ra, bằng cánh dùng gạc sạch hoặc tăm bông lau phía ngoài, không cần vệ sinh trong sâu vì nguy cơ đưa vi khuẩn từ ngoài vào.
Cần sử dụng thuốc nhỏ tai cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không nên cố gắng ngoáy rửa tai. Tại thời điểm phát hiện trẻ bị viêm tai giữa, không nên tự rửa tai cho trẻ tại nhà bằng bất cứ dung dịch gì, vì nguy cơ đưa vi trùng từ ngoài vào. Tuân thủ điều trị của bác sĩ và tái khám theo chỉ định.
2. Trẻ viêm tai không cần vệ sinh mũi họng
Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ viêm tai giữa không cần chú trọng đến việc vệ sinh mũi họng. Điều này không hẳn đúng. Khi trẻ mắc bệnh cần chú ý vệ sinh cho trẻ bằng cách súc họng, nhỏ mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Vì giữa mũi họng và tai có ống thông với nhau, nên vi khuẩn vùng mũi họng có thể qua đó lây lan sang vùng tai.
Cần chú ý, khi dùng dụng cụ hút mũi nên nhẹ nhàng và không lạm dụng nhiều. Tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ và tay người chăm sóc sau mỗi lần hút mũi cho trẻ.
"Trẻ viêm tai thì liên quan gì đến mũi", đó là điều nhiều cha mẹ nghĩ và điều này là sai lầm. Trên thực tế, trẻ mắc bệnh viêm tai giữa thường bị sau khi viêm mũi. Vì vậy, cần chú trọng vệ sinh mũi đúng cách cho trẻ. Thói quen khi xì mũi bằng cách bóp cả 2 lỗ mũi rồi xì mạnh cho dịch mũi chảy ra. Mũi và tai thông thương với nhau qua vòi nhĩ. Khi xì như vậy áp lực sẽ đẩy nước mũi cùng tác nhân gây bệnh vào tai gây viêm tai cho trẻ. Do đó, cần vệ sinh mũi, hướng dẫn trẻ xì mũi đúng cách. Theo đó là bịt một lỗ mũi và xì nhẹ qua lỗ còn lại. Chỉ được xì mũi khi hai hốc mũi thực sự thông thoáng. Có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý để làm loãng dịch mũi giúp trẻ dễ xì hơn.
3. Dùng oxy già và thuốc kháng sinh để nhỏ tai cho trẻ rất an toàn
Nhiều cha mẹ cho rằng khi trẻ bị viêm tai thì có thể nhỏ oxy già và điều này hoàn toàn không sao, rất an toàn với trẻ. Điều này không đúng, việc tự dùng oxy già để nhỏ tai cho trẻ có thể gây những tai biến đáng tiếc. Oxy già làm bong lớp biểu bì bảo vệ ống tai, làm chậm quá trình lành vết thương, gây chít hẹp ống tai. Ngoài oxy già, các loại nước nhỏ tai dân gian tự chế khác cũng có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Có trường hợp bố mẹ thấy con chảy nước ở tai nên nghiền thuốc kháng sinh rắc vào tai trẻ. Điều này rất nguy hiểm do tá dược trong thuốc sẽ gây bít tắc dẫn lưu dịch, khiến cho dịch viêm không chảy được ra ngoài, sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm, dẫn tới viêm tai xương chũm, thậm chí viêm não, màng não ở trẻ.
4. Viêm tai giữa ở trẻ không nguy hiểm, không cần nhập viện
Nhìn chung, nếu được điều trị kịp thời và chính xác, viêm tai giữa cấp sẽ khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng gì. Nhưng có một số trường hợp biến chứng viêm tai giữa gây hậu quả nặng nề, nếu độc lực của vi khuẩn, virus gây bệnh quá mạnh sẽ khiến màng nhĩ và các bộ phận trong tai giữa hoại tử nhanh chóng. Viêm tai giữa cấp điều trị không đúng hoặc không được điều trị sẽ dẫn tới viêm tai giữa mạn tính và các biến chứng.
Vì vậy, sau khi được chỉ định thuốc điều trị, cha mẹ nên tuân thủ tuyệt đối. Trong quá trình điều trị tại nhà, bệnh của trẻ không thuyên giảm hoặc nặng hơn, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Biểu hiện trẻ viêm tai giữa khi bệnh trở nặng là mức độ và tần suất đau tai ở trẻ tăng lên; Trẻ không có dấu hiệu hạ sốt, sốt cao liên tục dù có dùng thuốc hạ sốt; Trẻ quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn trong liên tục nhiều ngày; Trẻ nôn hoặc bị tiêu chảy kéo dài.
Tóm lại: Viêm tai giữa là một bệnh nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh được nếu trẻ có sức đề kháng tốt và được vệ sinh sạch sẽ hằng ngày. Khi trẻ có các triệu chứng nghi bị viêm tai giữa, cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Ngoài tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, phụ huynh cũng cần có các kiến thức về vệ sinh tai cho trẻ để có thể chăm sóc trẻ tại nhà.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()