Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:22 (GMT +7)
Những quy định nổi bật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022
Thứ 7, 01/01/2022 | 14:48:12 [GMT +7] A A
Nhiều quy định mới được Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022, như tăng lương hưu, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế.
Bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế
Theo Nghị định 98/2021/NĐ-CP ban hành ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, việc quản lý giá trang thiết bị y tế theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường.
Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ trang thiết bị y tế bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán trang thiết bị y tế của cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế; thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác.
Công khai giá trúng thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập; không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Vi phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định 124/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trong đó, Nghị định 124/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 78a vi phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế vào sau Điều 78 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 15- 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện việc kê khai giá trang thiết bị y tế trước khi lưu hành tại Việt Nam; mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai hoặc mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.
Trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định 100/2021/NĐ-CP ban hành ngày 15/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê. Nghị định bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 13: Phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
Theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP ban hành ngày 7/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, từ ngày 1/1/2022 điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021. Nghị định 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/1/2022.
Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải ký quỹ 2 tỷ đồng
Theo Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ban hành ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực từ ngày 1/1/2022: Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) phải thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Đối với doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500 triệu đồng đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch bị phạt tới 500 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và đấu thầu là 300 triệu đồng; lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100 triệu đồng và lĩnh vực quy hoạch là 500 triệu đồng.
Phạt nặng người điều khiển xe ô tô đón trả khách trên đường cao tốc
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Nghị định 123/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trong đó, Nghị định bổ sung khoản 7a vào sau khoản 7 Điều 23 xử phạt người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự ô tô chở khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ như sau: Phạt tiền từ 10-12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc.
Bổ sung khoản 8a vào sau khoản 8 Điều 24 xử phạt người điều khiển ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ. Cụ thể, phạt tiền từ 10- 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi nhận, trả hàng trên đường cao tốc.
Phân biệt đối xử về giới trong lao động bị phạt tới 30 triệu đồng
Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Trong đó, Nghị định quy định, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới đối với cá nhân là 30 triệu đồng.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()