Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:36 (GMT +7)
Những quốc gia đã chọn nhân dân tệ trong giao dịch thương mại
Thứ 2, 15/05/2023 | 10:28:59 [GMT +7] A A
Nhiều quốc gia đã lựa chọn đồng nhân dân tệ trong giao dịch và thương mại. Nga, Iran, Brazil, Argentina cùng Bangladesh là những nước tiên phong trong diễn biến này.
Phần lớn thương mại toàn cầu sử dụng đồng USD, và điều này bắt nguồn từ sự kiện cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai. Năm 1944, đại diện của 44 quốc gia đã tề tựu tại Bretton Woods, New Hampshire (Mỹ) để tìm cách khôi phục nền kinh tế thế giới sau chiến tranh. Các đại diện nhất trí rằng Mỹ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ cố định giá trị của đồng USD với vàng và các quốc gia khác sẽ lần lượt ổn định đồng tiền của họ với đồng bạc xanh. Các quốc gia dự trữ USD để duy trì tỷ giá hối đoái của họ, khiến nó trở thành đồng tiền thống trị toàn cầu.
Thị trường tài chính sâu rộng và linh hoạt của Mỹ cùng các chuẩn mực quản trị tương đối minh bạch và sự ổn định của đồng USD đã đảm bảo rằng đồng tiền này vẫn chiếm ưu thế. Sự thống trị của đồng USD đã vượt qua các “cơn bão” Liên minh châu Âu (EU) ra mắt đồng euro năm 1999 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Ngày nay, gần 60% dự trữ ngoại hối do các ngân hàng trung ương trên thế giới duy trì là đồng USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chú ý đến thực tế trong năm 2000 tỷ lệ này là 70%. Theo họ, đó là sự thay đổi nhỏ trong trật tự tài chính toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì xung đột Ukraine đã khiến một số nhà lãnh đạo thế giới và doanh nhân nổi tiếng lên tiếng cảnh báo về quyền lực mà Washington nắm giữ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo về “đặc quyền ngoại giao của đồng USD”. Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 4 với tờ Politico, ông Macron nhận định châu Âu nên cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang chớp lấy cơ hội và trở thành thách thức với sự thống trị của đồng bạc xanh Mỹ.
Theo Bloomberg Intelligence ngày 26/4, tháng 3 vừa qua, đồng nhân dân tệ lần đầu tiên được sử dụng nhiều hơn USD trong các giao dịch xuyên biên giới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận điều này và vào tháng 4 nhận định với kênh CNN: “Có rủi ro khi chúng ta sử dụng trừng phạt tài chính liên kết vai trò của USD và qua thời gian nó có thể làm giảm vị trí của USD. Đó là công cụ hiệu quả. Tất nhiên, nó cũng khiến Trung Quốc, Nga hoặc Iran tìm thứ thay thế”. Nhưng bà Yellen cũng khẳng định rằng không dễ để tái tạo hệ thống sinh thái, ví dụ như cơ sở hạ tầng chi trả quốc tế, đã hỗ trợ đồng USD.
Dưới đây là 5 quốc gia đã lựa chọn nhân dân tệ cho giao dịch
Nga
Nền kinh tế Nga đac chịu nhiều tác động từ hàng loạt lệnh trừng phạt. Các ngân hàng Nga đã bị đẩy ra khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), một hệ thống thanh toán quốc tế. Vai trò trung tâm của SWIFT trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế thường được so sánh với Gmail trong lĩnh vực thư điện tử.
Bên cạnh đó, một nửa trong 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga đã bị đóng băng. Những điều này buộc Nga phải tìm tiền tệ thay thế để sử dụng trong giao dịch quốc tế.
Đồng nhân dân tệ trở thành ứng cử viên hàng đầu. Ngân hàng trung ương Nga vào hôm 10/4 cho biết nước này đã mua số nhân dân tệ trị giá 41,9 tỷ ruble (538 triệu USD) trong tháng 3, gấp 3 lần mức 11,6 tỷ ruble của tháng 2.
Cũng theo ngân hàng trung ương Nga, trên thị trường giao dịch ngoại tệ của nước này, giao dịch ruble-nhân dân tệ chiếm 39% tổng khối lượng, vượt qua mức 34% của ruble-USD.
Brazil
Tờ Business Insider (Mỹ) cho biết Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva là một trong những chính khách đề xướng về việc thiết lập đồng tiền thanh toán thương mại thay thế. Ông thậm chí kêu gọi các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi dịch chuyển khỏi đồng USD.
Ngân hàng trung ương Brazil đã nhanh chóng mua nhân dân tệ. Đến cuối năm 2022, nhân dân tệ vượt euro trở thành đồng tiền chiếm đa số thứ hai trong dự trữ ngoại hối của Brazil.
Theo thông báo của Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Brazil ngày 29/3, ngân hàng Banco BOCOM BBM của nước này đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc cho phép giao dịch trực tiếp đồng real và nhân dân tệ thay vì sử dụng USD là đồng tiền mặc định.
Cơ quan này nêu rõ mục đích nhằm “giảm chi phí của giao dịch thương mại" với hối đoái trực tiếp là giữa đồng real và nhân dân tệ.
Không chỉ có nhân dân tệ, Tổng thống Lula da Silva còn đề nghị các quốc gia BRICS thiết lập đồng tiền chung cho các giao dịch.
Bangladesh
Bangladesh trong tháng 4 nhất trí chi trả cho Nga chi phí xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân bằng đồng nhân dân tệ. Hãng Bloomberg (Mỹ) ngày 18/4 đưa tin Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nga (Rosatom) là đơn vị xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân tại Bangladesh. Ban đầu Rosatom yêu cầu trả bằng đồng ruble tuy nhiên sau đó hai quốc gia nhất trí sử dụng đồng nhân dân tệ.
Argentina
Argentina vào ngày 26/4 cho biết nước này sẽ chi trả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì USD. Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa đã xác nhận thông tin này.
Chương trình chi trả bằng nhân dân tệ bắt đầu từ tháng 4 với Argentina hướng đến thanh toán số hàng hóa nhập khẩu trị giá 1 tỷ USD từ Trung Quốc bằng nhân dân tệ. Sau đó, quốc gia Nam Mỹ này sẽ chi trả số hàng hóa nhập khẩu hàng tháng trị giá khoảng 790 triệu USD bằng nhân dân tệ.
Iran
Giống như Nga, các ngân hàng của Iran cũng bị cấm tham gia SWIFT từ năm 2018, buộc Tehran phải tìm hệ thống chi trả khác thay thế. Vào tháng 2, Iran và Trung Quốc đã thảo luận tăng cường sử dụng nhân dân tệ và đồng rial của Tehran cho thương mại song phương.
Theo baotintuc.vn
- Top 10 quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới
- Các quốc gia phải có trách nhiệm tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc
- Trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới có ý nghĩa như thế nào đối với Ấn Độ?
- Ảnh vệ tinh tiết lộ Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Nam Cực
- Quốc gia nào có tuổi thọ trung bình cao nhất và thấp nhất ở châu Âu?
Liên kết website
Ý kiến ()