Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:45 (GMT +7)
Bình Liêu: Độc đáo phong tục đón Tết của người Tày
Thứ 7, 15/01/2022 | 10:31:42 [GMT +7] A A
Mùa xuân về với đồng bào người Tày Bình Liêu là những điệu hát then ngọt ngào, phong tục tập quán ngày Tết... trong niềm vui và ước nguyện về một năm mới nhiều may mắn, an lành.
Người Tày ở Bình Liêu chiếm trên 50% dân số của huyện. Theo phong tục bao đời, ngày 30 tháng Chạp, từ sáng sớm các gia đình dựng cây nêu, quét dọn nhà cửa, dán giấy đỏ lên bàn thờ, cửa chính, cửa bếp và chuồng trại, vật dụng, cây cối, sau đó tất bật sửa soạn mâm cơm cúng. Mọi công việc đều được làm nhanh chóng cho lễ cúng tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết. Khi nghi lễ cúng được hoàn tất, các thành viên trong gia đình quây quần thưởng thức bữa cơm tất niên với những sản vật của một năm đồng áng vất vả. Hương vị của những món ăn Tết dẻo ngọt, đậm đà như tấm lòng chân thật, mến khách của đồng bào vùng cao.
Đêm 30 Tết, trong không gian bập bùng ánh lửa, tiếng hát then - đàn tính ngân nga, các bà, các mẹ, các chị trong trang phục truyền thống tỉ mẩn chuẩn bị những lễ vật cho nghi lễ lấy nước - nghi lễ quan trọng nhất mỗi dịp đầu năm của người Tày, gồm: Xôi vàng, cành hoa dâu, vàng hương.
Sớm mùng 1 Tết, xóm làng không ai bảo ai đều dậy sớm, xuống suối để lấy nước mang về rửa mặt, chân tay. Bà Chu Bích Sen (thôn Nà Phạ 1, thị trấn Bình Liêu) chia sẻ: Tại điểm lấy nước, sau khi chọn được hướng nước chảy, cắm cành hoa dâu, cắm hương, người lấy nước sẽ nói “Lấy nước hướng Nam không làm cũng giàu có, lấy nước hướng Đông ăn sung mặc sướng”, rồi múc lấy nước để gánh về dùng. Người Tày quan niệm nước suối là thứ nước mát lành, trong sạch, đem về rửa mặt, chân tay thì cả năm sẽ được trong sạch và mát mẻ như suối đầu nguồn. Trên đường trở về nhà, người ta lấy vỏ cây dâu buộc lấy một số hòn đá, mang về theo mong ước nuôi được trâu bò đầy chuồng, lợn gà chật sân và xin một vài cành lộc nho nhỏ. Mọi người tin rằng tiền của theo đó mà về dồi dào.
Ngày xuân cũng là dịp để bà con dân tộc Tày cùng tham gia những sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng với các trò chơi dân gian, như ném còn, đánh cừ cáy, cừ pộc. Nếu trò ném còn khá phổ biến trong đời sống của bà con vùng cao, gửi gắm những ước mong về một năm mới ấm no an lành, thì cừ cáy, cừ pộc là một trò chơi đặc sắc riêng có của người Tày. Theo đó, trên thửa ruộng trống sau khi đã gặt, các đôi trai gái tụ tập, tìm cặp hoặc chia đội để cùng chuyền tay nhau quả cừ, bên nào làm rơi là bên đó bị thua. Sau mỗi cuộc chơi, chiếc cừ pộc, cừ cáy có thể là kỷ vật của đôi trai gái gửi lời hẹn ước hẹn mùa xuân sau gặp lại.
Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện, chia sẻ: Hòa nhịp với cuộc sống mới, đời sống người Tày ở Bình Liêu đã có nhiều đổi thay, nhưng những phong tục tập quán nói chung, văn hóa đón Tết truyền thống nói riêng của đồng bào vẫn được bảo tồn, gìn giữ. Từ đây, không ngừng giáo dục con cháu biết trân trọng, có trách nhiệm gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Mai Linh
Liên kết website
Ý kiến ()