Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:39 (GMT +7)
Những nhịp cầu nối mùa xuân
Thứ 5, 20/01/2022 | 09:03:58 [GMT +7] A A
Cầu Vân Đồn hoàn thành, đưa vào sử dụng (tháng 1/2005) sau gần 3 năm thi công, đã tạo sự phát triển bứt phá của huyện Vân Đồn. Năm 2022, cầu Vân Tiên - cầu vượt biển thứ hai trên địa bàn huyện, nằm trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, hoàn thành. Sự hội tụ của những công trình động lực như sân bay, cảng tàu, đường cao tốc..., Khu kinh tế Vân Đồn đang có những cơ hội để "cất cánh".
Hành trình nối những nhịp cầu
Từ Hạ Long, chúng tôi nhập làn cao tốc, chạy thẳng hướng Vân Đồn. Chỉ kịp ngắm cung đường xanh mát mắt, trò chuyện đôi ba câu, chưa đầy một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến Vân Đồn. Chạy xe qua cầu Vân Đồn, nhiều người kéo cửa kính xe để cảm nhận cái nồng nàn của nắng, gió và vị mặn mòi của biển... Những chuyến phà Tài Xá khi xưa len vào câu chuyện của chúng tôi.
Trước năm 2005, chưa có cầu, đến được huyện đảo Vân Đồn không dễ. Phà Tài Xá lúc bấy giờ nhỏ nhoi khi phải gồng gánh dòng người qua lại đông đúc. Vào mùa mưa bão, dòng nước đục ngầu cuộn chảy, chiếc phà chòng chành, nhiều người thấp thỏm nỗi lo trôi phà. Đi qua những tháng năm gian khó như vậy mới thấy khát vọng có một cây cầu nối huyện đảo Vân Đồn với TP Cẩm Phả của người dân lớn nhường nào.
Bên cốc trà mạn, ông Nguyễn Minh Trang, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, kể với chúng tôi: Thế hệ chúng tôi và cả nhiều thế hệ trước nữa, mỗi lần đi phà sang Cửa Ông, ai cũng ao ước có được cây cầu nối hai bờ Vân Đồn với Cẩm Phả để chấm dứt cảnh “ngày đàng, gang nước”. Có cây cầu mới giúp khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh của huyện đảo, mới tạo sự bứt phá cho Vân Đồn. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khi đó cũng rất đồng tình với ý tưởng của Vân Đồn. Để thực hiện được chủ trương và ý tưởng trên, huyện đã phối hợp với Sở GT-VT lo các bước đầu tư. Nhưng ở thời điểm năm 2001-2002 thì vốn ở đâu để làm cầu là câu hỏi lớn, khi nguồn thu của tỉnh, của huyện còn hạn hẹp, dân thì nghèo. Dự toán tổng kinh phí xây dựng cầu lên tới hơn 100 tỷ đồng, khiến cho kế hoạch làm cầu dường như rơi vào bế tắc. Rất may, nhờ chủ trương và cơ chế của tỉnh, huyện mạnh dạn vận động, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ và Ban Biên giới Chính phủ, cầu Vân Đồn đã được khởi công ngày 20/4/2002, hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1/2005. Cầu Vân Đồn có thể coi là công trình mang tầm chiến lược thứ hai sau điện lưới quốc gia sang đảo Cái Bầu. Sau này còn nhiều công trình quy mô, tầm vóc lớn hơn, nhưng ở thời điểm lúc bấy giờ, đưa được điện lưới quốc gia sang đảo, làm được cầu vượt biển nối đất liền với đảo có thể nói là kỳ tích, là phi thường.
Khi cầu đã thông, việc đi lại giữa Cẩm Phả với Vân Đồn thuận lợi đã nhanh chóng tạo điều kiện để kinh tế - xã hội của Vân Đồn phát triển mạnh mẽ. Sau khi có cầu, đầu tư vào du lịch, nuôi trồng thủy, hải sản ở Vân Đồn đã phát triển nhanh chóng. Có những doanh nghiệp đã đầu tư hàng triệu đô la cho nuôi trồng hải sản và du lịch. Khách du lịch đến Vân Đồn rồi đi tiếp ra các đảo Ngọc Vừng, Minh Châu, Cô Tô... cũng rất thuận lợi. Vân Đồn trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn không kém gì Hạ Long, Móng Cái.
Cây cầu vượt biển đầu tiên đã đưa Vân Đồn “thoát giấc ngủ đông” để vươn dậy mạnh mẽ. Vì vậy, cầu Vân Tiên hiện nay cũng như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chuẩn bị được đưa vào hoạt động, càng được kỳ vọng sẽ giúp kinh tế - xã hội của Vân Đồn cất cánh.
Cầu Vân Tiên hoàn thành cùng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái xuống còn khoảng 3 giờ; kết nối Khu kinh tế Vân Đồn với các Khu kinh tế trọng điểm, tạo thuận lợi giao thông đường bộ từ hướng Lạng Sơn đi Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long; phát huy công năng của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; rộng hơn là kết nối cửa ngõ giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Vân Đồn nói riêng, khu vực miền Đông của tỉnh nói chung; thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại các địa phương có tuyến cao tốc đi qua.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, dù việc thi công cầu Vân Tiên được các chuyên gia đánh giá là có độ khó cao do điều kiện địa hình, địa chất khu vực phức tạp, dòng nước thủy triều chảy siết, chênh lệch 3-5m, dưới đáy là tầng đá, chiều sâu mức nước trên 17m (tương đương cầu Bãi Cháy), nhưng tỉnh quyết tâm làm bằng được công trình động lực này. Vì vậy, ngoài 63km đoạn Tiên Yên - Móng Cái được đầu tư bằng hình thức BOT, tỉnh đã dành nguồn lực lớn từ tái cơ cấu đầu tư công, tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện 16km đoạn Vân Đồn - Tiên Yên; trong đó cầu Vân Tiên là một công trình rất quan trọng và là điểm nhấn của cả tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái về mỹ thuật, kỹ thuật, tiến độ và chất lượng.
Đón đầu vận hội mới
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số ngành kinh tế chủ lực của Vân Đồn như du lịch, dịch vụ, thủy sản... gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc gần như bị đình trệ hoàn toàn do việc giao thương, đi lại hạn chế. Vượt lên khó khăn bằng sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, Vân Đồn vẫn đạt được những kết quả hết sức tích cực, là một trong những địa phương của tỉnh có số thu ngân sách cao, đã hoàn thành vượt dự toán tỉnh giao cả thu NSNN trên địa bàn và thu cân đối ngân sách của huyện, xã. Tổng giá trị sản xuất trên 7.300 tỷ đồng, đạt 101% so với kịch bản đề ra. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 20,2%; trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng tăng cao nhất với 31,4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 12.300 tỷ đồng, gần đạt so với kịch bản.
Những thành quả đó là nền tảng quan trọng để Vân Đồn bứt tốc trong năm 2022, đón đầu những thời cơ, vận hội mới khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức đi vào khai thác. Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Hiện mỗi năm Vân Đồn xuất khẩu khoảng 100.000 tấn thủy sản. Khi cao tốc đi vào vận hành, thời gian kết nối với Cửa khẩu quốc tế Móng Cái nhanh hơn, thuận lợi hơn, thủy sản Vân Đồn sẽ đến được với nhiều thị trường hơn với sản lượng kỳ vọng tăng gấp nhiều lần. Cùng với đó, tại khu vực phía Bắc đảo Cái Bầu, các phân khu chức năng dịch vụ, du lịch đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Đường cao tốc sẽ giúp việc triển khai các dự án thuận lợi, nhanh chóng hơn, từ đó sớm đưa Vân Đồn phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm giải trí có Casino.
“Để người dân được thực sự thụ hưởng thành quả từ sự đầu tư của tỉnh, đón đầu hiệu quả những vận hội, thời cơ mới, năm 2022, Vân Đồn sẽ chủ động hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, với phương châm “Làm đúng - Làm nhanh - Làm tốt”. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch khai thông nguồn lực, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp về công tác GPMB, cấp phép, quy hoạch, đất đai, đánh giá tác động môi trường… Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, cấp huyện DDCI và thực hiện tốt công tác phát triển doanh nghiệp, phấn đấu tăng 5% doanh nghiệp thành lập mới” - Ông Đào Văn Vũ cho biết thêm.
Cùng với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân huyện cũng náo nức, phấn khởi chờ đón công trình động lực có ý nghĩa lịch sử với huyện sớm được khai thác. Những ngày chuẩn bị đón xuân mới, chúng tôi ghé thăm xưởng sản xuất mắm của Công ty CP Thủy sản Cái Rồng. Hàng chục công nhân đang đóng chai nước mắm thành phẩm để phục vụ cho đợt hàng Tết.
Anh Lê Thanh Cảnh, Phó Giám đốc Công ty, phấn khởi cho biết: “Năm nay lượng đơn đặt hàng Tết của Công ty đã tăng so với năm ngoái, gần như tất cả công nhân đều được huy động để đóng hàng Tết. Sau một năm kinh doanh ảm đạm vì tác động của dịch Covid-19, lượng đơn hàng mới tăng sẽ giúp chúng tôi lo được cái Tết đủ đầy hơn cho công nhân, những người đã gắn bó, chung sức cùng Công ty vượt qua khó khăn. Chúng tôi tin tưởng khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khi vào hoạt động, Công ty tiếp tục có những khởi sắc mới trong kinh doanh. Bởi giao thương thuận lợi hơn thì thị trường cũng được mở rộng, các chuyến hàng ra Móng Cái cũng nhiều hơn, do thời gian di chuyển ngắn lại. Để đón đầu cơ hội kinh doanh mới này, Công ty đã có kế hoạch tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới bao bì, mẫu mã để chinh phục được những thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống.
Mừng vui, phấn khởi và đầy hy vọng là cảm xúc chung của người dân Vân Đồn những ngày trước thềm xuân mới, trước vận hội mới của quê hương. Anh Đoàn Hữu Mộc, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 9 (thị trấn Cái Rồng), chia sẻ: “Khu dân cư nơi tôi ở đa phần là người tứ xứ, thoát ly gia đình tới đây lập nghiệp. Chẳng phải nơi sinh ra, nhưng đây chính là quê hương thứ hai mà chúng tôi gắn bó như máu thịt. Quê hương giờ đây giàu đẹp lắm, nhiều tiềm năng lắm, có sân bay, có đường cao tốc, có khu kinh tế đầy tiềm năng, thế nên cơ hội để làm giàu trên quê hương nào có quá khó đâu”, giọng anh hào sảng, đôi mắt ánh lên đầy tự hào về nơi đã cho anh một cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa.
Những cành đào phai Vân Đồn lại chuẩn bị cho cái Tết sắp tới. Cành đào Vân Đồn đi muôn nơi, mang sắc xuân cho mọi người.
Từ huyện đảo nghèo, xa xôi cách trở với đất liền, giờ đây Vân Đồn đã có cảng hàng không, đường cao tốc, những cây cầu vượt biển, trong tương lai gần, Vân Đồn sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế. Chắc chắn sẽ có thêm những mùa xuân mới vui tươi đến với nơi này.
Thu Hoài - Ngọc Ánh
Liên kết website
Ý kiến ()