Các giải thưởng thế giới ghi danh tên tuổi nhà khoa học Việt Nam vì nghiên cứu có tầm ảnh hưởng, được trích dẫn nhiều và đóng góp trong lĩnh vực họ đang theo đuổi.
Ba nhà khoa học vinh danh "ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc thế giới"
Tháng 11/2022 Website Research.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới đã công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học.
Trong danh sách "Rising Star", dành cho nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học có tên PGS Trần Xuân Bách, PGS.TS Lê Hoàng Sơn và TS Phùng Văn Phúc. Đây là lần đầu tiên bảng xếp hạng "Best Rising Stars of Science in the World" được công bố.
Trong đó, PGS Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội, là nhà khoa học của Việt Nam duy nhất có mặt trong top 10 nhà khoa học đầu bảng (xếp hạng 3), lĩnh vực Y học cộng đồng. Trần Xuân Bách trở thành Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 năm 2016. Ông có hơn 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế được đánh giá cao về khoa học sức khỏe toàn cầu.
PGS.TS Lê Hoàng Sơn, Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 190, được biết đến là nhà khoa học trẻ tài năng lĩnh vực khoa học máy tính với những công trình nghiên cứu ứng dụng cao, được các công ty công nghệ trong và ngoài nước đón nhận. Nhiều nghiên cứu ứng dụng thực tế như hệ thống 3D GIS trong thiết kế hạ tầng mạng viễn thông, xây dựng ứng dụng hiến máu trên Android, ứng dụng quản lí địa chính... Đặc biệt, có đến hơn nửa công trình nghiên cứu của ông được ứng dụng ở các nước đi đầu về khoa học công nghệ như Mỹ, Italy, Đức... PGS Sơn công bố hơn 180 công trình, bài báo trên các tạp chí nước ngoài trong danh mục ISI. Ông còn là gương mặt lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong 4 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021, 2022.
TS Phùng Văn Phúc, Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 958, lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ. PGS Phúc là nhà khoa học Việt quen thuộc trong các bảng xếp hạng thế giới, ông có 4 năm liền vào danh sách 100.000 nhà khoa học ảnh hưởngnhất thế giới.
35 người Việt vào top nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới
Năm 2022 số nhà khoa học Việt trong lọtdanh sách"100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng" là 35, tăng 6 người so với năm trước đó. Họ được lựa chọn dựa trên nhiều chỉ số, trong đó có tổng số trích dẫn nghiên cứu. Bảng xếp hạng được đưa ra bởi nhóm nhà khoa học của GS John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ), được xây dựng trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus.
Trong top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, Việt Nam có 2 nhà khoa học là PGS.TS Lê Hoàng Sơn và GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội). Hai người này đều lọt vào top 4 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 và 2022.
Danh sách năm nay có thêm nhiều gương mặt mới, như PGS. TS Trần Quang Trung (Đại học Quốc gia TP HCM, xếp hạng 47.614), TS Đào Văn Dương (Đại học Phenikaa, xếp hạng 61.711), TS Vương Quân Hoàng (Đại học Phenikaa, xếp hạng 61.452), TS Chu Đình Tới (Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 66.906).
Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới được UNESCO vinh danh
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân (42 tuổi) cùng với 14 nhà khoa học nữ trẻ xuất sắc đại diện cho 5 châu lục được nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới năm 2022. Giải thưởng danh giá này nằm trong khuôn khổ chương trình Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học, do Quỹ L’Oréal và UNESCO khởi xướng, vinh danh các nhà khoa học nữ trong các lĩnh vực Khoa học sự sống, môi trường, vật lý, toán học và khoa học máy tính.
PGS Vân có những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực pin nhiên liệu. Công trình của PGS Vân đã thay thế bạch kim trong pin nhiên liệu, giúp giảm giá thành mà pin có độ bền cao hơn. Nghiên cứu được đánh giá là giúp tối ưu hóa hoạt động của pin nhiên liệu để cải thiện hiệu suất và cho phép sản xuất năng lượng hydro bền vững, tránh việc đốt nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon.
Chị công bố 90 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, đạt nhiều giải thưởng khoa học công nghệ quốc gia và quốc tế uy tín. Năm 2019, PGS Vân được nhận giải Nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam 2019. Năm 2020, chị lọt vào top 23/100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á do tạp chí Asian Scientist bình chọn. Hiện chị đảm nhiệm vị trí giảng viên, Trưởng phòng khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Đại học Tài nguyên và môi trường TP HCM.
Người Việt duy nhất nhận Giải thưởng Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh
TS Nguyễn Huyền Đức (27 tuổi), Đại học Bristol (Anh), là một trong 10 nhân vật được vinh danh ở hạng mục Young Persons’ Achievement Award - giải thưởng thành tựu dành cho gương mặt trẻ - có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không vũ trụ 2022. TS Đức là người Việt duy nhất được vinh danh trong danh sách này.
TS Đức nhận bằng MEng (bằng kỹ thuật) năm 2019 và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Bristol hồi năm 2021. Anh tiếp tục đảm nhiệm vai trò nghiên cứu, giảng dạy tại trường cho đến nay và công bố 8 bài báo trên tạp chí khoa học thuộc nhóm Q1 (đều là tác giả đứng đầu) và 10 báo cáo hội nghị.
Hướng nghiên cứu chính của TS Đức là động lực học máy bay và điều khiển tự động trong sản xuất vật liệu tổng hợp sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ. Anh đặc biệt quan tâm đến phương pháp phân nhánh và ứng dụng hệ thống động lực giải quyết các vấn đề hàng không vũ trụ.
Giáo sư Việt được Hiệp hội Hoá học Hàng gia Anh vinh danh
GS Nguyễn Thị Kim Thanh, Đại học College London (UCL) là một trong ba nhà khoa học giành giải thưởng Interdisciplinary Prize 2022, ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Bà có những đóng góp liên ngành trong nghiên cứu cơ bản về tổng hợp hóa học, vật liệu nano từ tính và plasmonic cho các ứng dụng y sinh. Những nghiên cứu này có thể mang lại lợi ích trực tiếp trong nâng cao tuổi thọ của bệnh nhân ung thư.
GS Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại ĐHQG Hà Nội năm 1992. Bà được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học College London (UCL) từ năm 2013 và dẫn đầu nhóm nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp vật liệu nano cho ứng dụng y sinh. Năm 2019, GS Thanh nhận huy chương Rosalind Franklin cho những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn về nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano trong y sinh.
Ý kiến ()