Không khí oi ả của ngày hè ở Khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện (Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh) dường như nặng nề hơn, bởi ở đây, chúng tôi bắt gặp nhiều gương mặt ở độ tuổi 20 đẹp nhất cuộc đời. Đáng lẽ giờ này họ phải đang cùng bạn bè học tập, lao động, đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương, thì nay lại chôn vùi tuổi thanh xuân đằng sau những cánh cửa sắt của Bệnh viện để làm lại cuộc đời…
Khu điều trị đặc biệt tại Bệnh viện được khóa bằng nhiều lớp cửa sắt. |
Trước khi dẫn chúng tôi vào khu điều trị, Trưởng Khoa, bác sĩ CKI Cao Thị Xuân Thủy đã dặn dò về những tình huống sẽ gặp, thế nhưng khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác xót xa.
Ngồi trên lan can hành lang với khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, N.M.T. (TP Hạ Long) đã gây chú ý với chúng tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Gương mặt em tỉnh táo, tươi tắn, được các nhân viên y tế khen là chăm chỉ, hằng ngày đều chủ động quét sân. Đây đã là lần thứ 2 em trở lại Bệnh viện. Thời gian cộng lại cũng đã được 2,5 năm.
N.M.T. kể cho chúng tôi nghe cuộc đời của em. |
N.M.T. khá thoải mái khi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Vốn là học sinh có thành tích tốt ở một trường THPT có tiếng của tỉnh, T. đỗ Đại học Luật Hà Nội không mấy khó khăn. Cuộc sống sinh viên nhiều cám dỗ đã khiến cuộc đời T. rẽ sang một hướng khác. Trong một lần đi sinh nhật bạn, T. được bạn cho thử ma túy tổng hợp mà bản thân không hề hay biết. Thế rồi, T. nghiện lúc nào không hay. T. bắt đầu bỏ bê học hành, kết quả sa sút. Khi bố mẹ phát hiện thì T. đã bỏ học từ lúc nào.
Sau 3 năm điều trị tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, T. vẫn không lấy lại được sự tỉnh táo ngày nào, về nhà chưa được bao lâu lại "ngựa quen đường cũ", nghiện ngập càng nặng hơn. Lần này, điểm đến của T. là Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh. T. nói: “Em hoàn toàn tỉnh rồi, nhưng em muốn ở lại đây, ở đây vui và không bị kỳ thị...”. Câu nói của T. khiến ai nấy đều xót xa. Nhưng theo bác sĩ điều trị ở đây thì em vẫn rất mơ hồ, lúc tỉnh, lúc mê, tâm thần đã trở thành mãn tính, nên chẳng hẹn ngày về.
Mặc dù đã 10h, nhưng P.M.T (TP Uông Bí) vẫn còn đang say giấc nồng. P.M.T vào được mấy ngày, sau quá trình điều trị cắt cơn, giờ đã có thể ngủ ngon, tuy vẫn còn tình trạng mệt mỏi. Cuộc nói chuyện với bác sĩ bị ngắt quãng bởi những cơn ngáp liên tục của người nghiện. T. nói: “Em hay hút với nhóm bạn ở trường. Nhóm của em có khoảng 30 bạn, rủ nhau hút vào giờ ra chơi, giờ học nhóm, những ngày nghỉ học”.
Trước khi vào viện, T. đã nhiều ngày không ngủ, tính tình hung hãn, sẵn sàng đánh người thân, bạn bè. Nhiều lần Công an phường đến nhắc nhở, răn đe, nhưng T. vẫn chứng nào tật ấy, gần đây nhất, gia đình phải nhờ lực lượng Công an cưỡng chế đưa em vào Bệnh viện. Bắt đầu hút “cỏ Mỹ” từ lớp 6, đến nay, sau 4 năm hút liên tục, tần suất và số lượng T. sử dụng đã ở mức đáng báo động với 1 gói/ngày, khiến em rơi vào trạng thái không làm chủ được cảm xúc, hành vi của mình.
Cô gái N.Q.C. với những hình xăm trổ khắp người. |
Vào sâu trong khu điều trị đặc biệt (dành cho bệnh nhân mới, bệnh nhân nguy hiểm), qua một lớp cửa sắt khác luôn khóa chặt, đón chúng tôi là ánh mắt ám ảnh của một thanh niên mặc áo phông đen. Ở căn phòng trong cùng là N.Q.C, cô gái vừa tròn 20 tuổi, ngồi trên chiếc giường đơn độc. C. thu hút người khác bởi nét buồn in hằn trên gương mặt, trong ánh mắt, những hình xăm kín chân, tay, thậm chí cả ở cổ, ở ngực. Mỗi hình xăm đánh dấu một câu chuyện đầy đau khổ của em. Đó là những hình ảnh rối rắm không lối thoát. C. nói: “Em cảm thấy em là một người thất bại...”.
Bác sĩ điều trị cho em cho biết, C. vô cùng đáng thương. Em lớn lên trong những trận đòn roi của bố dành cho mẹ, thiếu đi hơi ấm của người cha và chứng kiến sự cực nhọc, tủi nhục của mẹ, C. bắt đầu chơi bời lêu lổng, hút các loại ma túy tổng hợp, rồi chọn xăm mình như một phương án để giải thoát bản thân. Ngày nhập viện, em mang theo vết tím bầm một bên mắt vì bị bạn trai bạo hành (bạn trai em cũng nghiện, bị bắt đúng ngày em nhập viện)...
Chúng tôi rời khu điều trị đặc biệt với nỗi băn khoăn không có lời giải. Chẳng biết cuộc đời những bạn trẻ này rồi sẽ đi đâu về đâu. Có những người ra viện chẳng bao lâu lại quay lại, có những người cứ ở mãi đây, chẳng hẹn ngày về, vì tâm thần đã thành mãn tính.
Khoa Rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện hiện điều trị nội trú cho hơn 50 bệnh nhân, trong đó đơn nguyên ma túy gần 40 người, đa phần là người trẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, cho biết: Bệnh nhân có xu hướng ngày càng trẻ, không phân biệt nam, nữ. Có những bệnh nhân cứ ra rồi lại vào. Điều khó khăn nhất trong quá trình điều trị của chúng tôi chính là sự hợp tác, quyết tâm của bệnh nhân.
Bệnh viện cũng đang gặp khó khăn về phác đồ điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu mới chỉ dừng lại ở điều trị triệu chứng, đa phần là dùng liệu pháp tâm lý. Nguy hiểm nhất là những người vốn có bệnh nền về rối loạn tâm thần nhưng không hề hay biết, khi gặp chất xúc tác là ma túy tổng hợp sẽ là căn nguyên khởi phát, thúc đẩy bệnh tâm thần vốn có. Lúc này, nguy cơ loạn thần, hoang tưởng, dẫn đến những hành động gây nguy hại cho bản thân và người khác sẽ có xu hướng tăng cao, mức độ càng nguy hiểm.
Vừa là bác sĩ điều trị, bác sĩ tâm lý, lại có lúc đóng vai trò như bảo mẫu, giáo viên mầm non, đó là đặc thù nghề nghiệp của những bác sĩ ở đây. Những gương mặt bệnh nhân ngây ngô, những câu hỏi quen thuộc “bác ơi, mai cho con ra viện nhé, con khỏe mạnh rồi” cứ lặp đi lặp lại. Phải kiên nhẫn lắm, bền bỉ, vững vàng lắm thì họ mới có thể gắn bó được với nơi đây. Họ còn phải tự bảo vệ mình trước sự tấn công của bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân mới nhập viện do cưỡng chế, những bệnh nhân đang điều trị nhưng chưa dứt điểm.
Bệnh nhân này đã từng tấn công nhân viên y tế. |
“Chúng tôi thường xuyên phải thu dao và các vật dụng sắc nhọn từ người nhà bệnh nhân, bởi chỉ cần sơ suất, rơi vào tay bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị biến thành vũ khí, cực kỳ nguy hiểm. Đồng nghiệp của tôi có người bị rạch dao lam vào đùi, có người nửa đêm bị tấn công, mà nếu không có các bệnh nhân ứng cứu, có thể gây hậu quả khôn lường. Có lần, chỉ với thanh treo đầu giường, một bệnh nhân đã tấn công, đòi ra ngoài, nếu không nhanh trí chạy được vào một phòng có khóa, chúng tôi chưa chắc có thể giữ được tính mạng” - bác sĩ Cao Thị Xuân Thủy tâm sự.
Sự hung hãn của bệnh nhân mới nhập viện do chưa dứt cảm giác phê ma túy đá tỷ lệ thuận với sự nguy hiểm mà các nhân viên y tế phải đối mặt. Thế nhưng, họ chỉ biết trông chờ vào chính bản thân mình, bởi Bệnh viện không có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp (do thiếu kinh phí). Cả Khoa có 16 bác sĩ, nhân viên y tế, trong đó chỉ có 3 nam. Họ cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù.
Bệnh nhân mới nhập viện, còn hung hãn do chưa tỉnh táo sau cơn loạn thần vì ma túy tổng hợp, phải bị còng tay vào 2 bên thành giường. |
Theo như Thượng tá Hoàng Văn Định, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh), có hiện tượng đối tượng lợi dụng chữa bệnh tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự vì buôn bán, sử dụng ma túy tổng hợp gây hậu quả. Xác định tình trạng nghiện ma túy tổng hợp hiện vẫn là một khó khăn, bởi phải qua quá trình theo dõi, quản lý; trong khi lực lượng công an không thể lưu giữ quá thời hạn xác minh, trừ khi đối tượng có liên quan đến hành vi phạm tội. Xác định tình trạng nghiện thường phải phụ thuộc vào bệnh viện. Công cụ hỗ trợ việc test ma túy tổng hợp chưa theo kịp với thị trường ma túy tổng hợp.
Tình trạng nghiện dẫn đến loạn thần, hoang tưởng đối với người trẻ đang hết sức đáng báo động, là tiếng chuông cảnh tỉnh với rất nhiều gia đình. Chỉ cần một phút lơ là, buông lỏng, phó mặc cho thầy cô, nhà trường, sẽ có nguy cơ phải ân hận cả đời khi tương lai của con mình không còn trọn vẹn.
Mặc dù công tác điều trị đối với bệnh nhân tâm thần do ma túy tổng hợp vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, những y, bác sĩ Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh vẫn dành hết tâm sức của mình để cứu chữa những số phận. Bằng tình yêu thương của những lương y, họ đã cảm hóa, giúp nhiều bệnh nhân làm lại cuộc đời. Rời cánh cổng bệnh viện để hòa mình vào cuộc sống, việc còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào suy nghĩ, nhận thức, sự trưởng thành của mỗi cá nhân và sự quan tâm của gia đình, xã hội.
Đồ họa: Đỗ Quang
Ý kiến ()