Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:24 (GMT +7)
Những người phụ nữ "giữ hồn" dân tộc
Thứ 3, 08/03/2022 | 08:26:21 [GMT +7] A A
Không chỉ giỏi việc nước, đảm việc nhà, phụ nữ Quảng Ninh hôm nay còn đóng vai trò tích cực giữ gìn truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc, giữ và truyền lửa cho muôn đời sau.
Giữ gìn bản sắc dân tộc
Ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long) đến nay vẫn trường tồn nghề thêu trang phục truyền thống người Dao. Theo truyền thống, mỗi người phụ nữ Dao phải tự thêu trang phục cho riêng mình. Họ được dạy và rèn luyện để thuần thục và đam mê nghề thêu may trang phục dân tộc.
Học thêu từ năm 12 tuổi, hơn 60 năm nay, cây kim, sợi chỉ đã gắn bó với bà Lý Thị Mai như những vật bất ly thân. Dù hiện mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng bà Mai vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ đam mê ấy. Những đường kim, mũi chỉ khéo léo của người phụ nữ "thất thập cổ lai hy" đã tạo nên những nét thêu tinh tế, những sắc màu rất riêng của những chiếc khăn đội đầu, những bộ xiêm y sặc sỡ của phụ nữ Dao Thanh Y.
Ngày nay, phụ nữ Dao Thanh Y không còn thường xuyên mặc trang phục dân tộc, mà chỉ mặc trong những ngày lễ, tết, hội làng. Vì thế, không chỉ “giữ hồn” dân tộc qua từng nét thêu, để nghề thêu và trang phục truyền thống dân tộc không bị mai một, dần mất đi, bà Mai luôn tận tình dạy bảo, truyền lửa cho lớp trẻ. Thế hệ những người phụ nữ Dao Thanh Y mới, dù đã có nhiều thay đổi về trang phục hiện đại, vẫn luôn mê say với nghề thêu và trang phục cổ truyền người Dao.
Bà Mai chia sẻ: "Trước kia, không có dịch Covid-19, dịp hè xã thường tổ chức lớp học thêu cho học sinh trong xã. Những người có kinh nghiệm như chúng tôi lại tham gia dạy kỹ năng cho tụi trẻ. Nhiều cháu đam mê lắm, hết mấy tháng hè có thể tự thêu cho mình những sản phẩm đơn giản rồi. Chỉ cần chúng thích thú, chăm chỉ, là chúng tôi thấy có động lực để tiếp tục truyền dạy, để cái hồn của dân tộc mình không bị mất đi".
Phát triển nghề truyền thống
Nhắc đến vùng dân tộc thiểu số, không chỉ có trang phục truyền thống, mà còn có những nghề thủ công từ lâu đời, nay được bà con phát triển với các loại máy móc, công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế hiện nay.
Làm miến dong là một trong những nghề như thế. Cây dong rềng gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Sán Chỉ tại các huyện miền Đông của Quảng Ninh. Trước kia, người Sán Chỉ xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) trồng củ dong chỉ để bán cho thương lái, nay đã có cơ sở làm miến dong tại chỗ.
Miến dong Tiên Yên giờ đây đã có thương hiệu riêng, logo, do những người phụ nữ làm từ củ dong được trồng trên đất quê mình. Đi vào hoạt động được gần 20 năm, Cơ sở Sản xuất miến dong Hoàng Trọng Bảo (xã Đại Dực) được hình thành dựa trên sự liên kết của 4 hộ gia đình. Trong suốt khoảng thời gian ấy, những người phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng đã biết kết hợp hài hòa giữa các công nghệ chế biến mới với những bí quyết chế biến truyền thống, tạo ra sản phẩm không những giữ được chất lượng đặc trưng mà còn tăng thêm yếu tố thẩm mỹ, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chị Sằn Móc Nằm (thôn Khe Lục, xã Đại Dực), thành viên Cơ sở Sản xuất miến dong Hoàng Trọng Bảo, chia sẻ: "Ở mảnh đất này, củ dong đã tồn tại từ bao đời, bởi cũng chỉ có loại cây này sống được. Không làm miến dong, chúng tôi cũng chẳng biết làm gì ngoài thời gian đi rừng. Sau này, cũng mong đời con, đời cháu giữ được nghề của ông bà để lại".
Vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc Sán Chỉ, đây cũng là điển hình của mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi rất có hiệu quả ở xã vùng cao này.
Giữ gìn hạnh phúc gia đình
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Những người phụ nữ dù có làm công việc gì, giữ chức vụ gì trong xã hội, thì khi trở về gia đình vẫn luôn có vai trò vô cùng quan trọng, đó là “giữ lửa”, giữ gìn hạnh phúc cho “tổ ấm” của mình. Đó cũng là nét đẹp truyền thống cao quý của phụ nữ Việt.
Đã từ lâu, gia đình bà Nguyễn Hồng Lẫm (khu 1, phường Hồng Gai, TP Hạ Long) mới có cơ hội được quây quần bên nhau vui vẻ, đầm ấm trong một buổi chiều đầu năm. Dịch Covid-19 và những hối hả công việc của mỗi thành viên thường khiến những bữa ăn đoàn tụ gia đình dường như xa vời hơn.
Nhớ lại cái Tết vừa rồi, anh Trần Anh Đức (con trai bà Lẫm) cho biết: Đã từ rất lâu, cả gia đình chúng tôi mới có được một dịp như thế. Cả gia đình cùng nhau dọn dẹp, trang trí ban thờ gia tiên ngày Tết, nấu vài món ăn truyền thống và cùng nâng ly chúc mừng năm mới. Những điều tưởng chừng đơn giản ấy thôi, nhưng là một phần không nhỏ để vun đắp hạnh phúc gia đình.
Đó cũng là điều mà suốt hơn 20 năm qua, bà Nguyễn Hồng Lẫm luôn dạy bảo con cháu của mình, để những truyền thống quý báu của dân tộc không bị mai một theo thời gian.
"Chẳng cầu giàu sang, phú quý, tôi chỉ mong gia đình luôn mạnh khỏe, bình an. Nhà có 2 con trai, cũng vừa đón con dâu trưởng, tôi vẫn luôn nhắc nhở các con, dù có làm gì, ở đâu, cũng luôn phải nhớ cái gốc của gia đình, không quên những truyền thống đạo lý của dân tộc. Giữ gìn hạnh phúc gia đình, cũng chính là góp phần để xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn" - Bà Nguyễn Hồng Lẫm chia sẻ.
Trong cuộc sống tấp nập, hối hả của xã hội hiện đại, người phụ nữ ngày nay không chỉ có chức phận trong gian bếp chật hẹp với quan niệm “công, dung, ngôn, hạnh”, mà đã ở một vị thế khác.
Những người phụ nữ hôm nay ngày càng đẹp hơn, rạng rỡ hơn. Vẻ đẹp ấy càng hoàn hảo bởi từ hình thức, đến tri thức, văn hóa đều ngày càng hội tụ nơi những người phụ nữ Quảng Ninh và lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã hội. Các mẹ, các chị, các em gái hôm nay đã rất hiện đại, năng động, sáng tạo, vừa làm kinh tế giỏi, gánh vác việc xã hội, vừa là những sợi chỉ đỏ để giữ gìn những nét truyền thống văn hóa dân tộc, lưu giữ lại cho muôn đời sau.
Khánh Hằng
- Phát huy các nhà văn hóa cộng đồng trong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
- Tinh hoa văn hóa dân tộc qua những phong tục ngày Tết cổ truyền
- Khu Văn hóa - Thể thao dân tộc Tày xã Phong Dụ
- Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
- Ba Chẽ bảo tồn văn hóa dân tộc từ phong trào văn nghệ quần chúng
- Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Liên kết website
Ý kiến ()