Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:45 (GMT +7)
Những người nuôi giấc mơ con chữ ở vùng cao
Thứ 2, 18/03/2024 | 07:41:41 [GMT +7] A A
Không quản ngại khó khăn, vất vả, những thầy, cô giáo khi tới dạy ở trường vùng cao, vùng khó đều sẵn sàng hy sinh thầm lặng để cho con chữ được "nảy mầm", "sinh sôi", tận hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Mỗi ngày, các thầy, cô đều dành hết tình thương, sự quan tâm, chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh, vun đắp cho ước mơ trở thành những người có ích cho xã hội.
Hết lòng vì trẻ mầm non vùng cao
Được sự giới thiệu của Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, chúng tôi tới Điểm trường Phiêng Sáp, Trường Mầm non Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) để gặp cô giáo Ma Thị Thúy (SN 1993). Vượt qua những con dốc, những khúc cua ngoằn ngoèo, Điểm trường mầm non Phiêng Sáp đã dần hiện ra trước mắt. Từ xa, đã dễ dàng nghe thấy tiếng hát véo von của cô và trò, tiếng đọc chữ trong trẻo và cả tiếng khóc thút thít của những cô bé, cậu bé khi phải rời xa vòng tay của bố mẹ.
Cô giáo Ma Thị Thúy sinh ra và lớn lên ở thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu). Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (tỉnh Vĩnh Phúc), năm 2015 cô giáo Thúy tình nguyện về dạy học tại xã Đồng Tâm của huyện vùng cao biên giới Bình Liêu. Đến nay, cô giáo Thúy đã có 2 năm gắn bó với điểm trường Phiêng Sáp.
Điểm trường Phiêng Sáp chỉ có 2 phòng học. Lớp của cô giáo Thúy có 23 học sinh đều là người dân tộc Dao. Bằng tình yêu từ trái tim của người giáo viên trẻ, cô giáo Thuý luôn dành những ánh mắt trìu mến, cử chỉ ân cần, hành động âu yếm cho “đàn con thơ” của mình khi bón từng thìa cơm, ngụm nước, dạy hát cho trẻ.
Vừa bón cơm, vừa dạy trẻ tự xúc ăn, cô Thúy chia sẻ: Những lúc như thế này, tôi thấy giống như đang chăm chút cho chính những đứa con của mình. Giáo viên vùng cao không chỉ làm tốt trách nhiệm giảng dạy, mà còn kiêm nhiệm vô số công việc. Từ nấu ăn, quán xuyến, đến chăm sóc, giáo dục học sinh.
Hằng ngày gần gũi với trẻ em người dân tộc thiểu số, cô Thúy luôn hiểu được những khó khăn của các em. Hạn chế về ngôn ngữ giao tiếp, cuộc sống gia đình còn vất vả, đường đi học xa xôi, trắc trở... là những điều ngăn cản cơ hội học tập của trẻ em ở nơi này. Chính vì điều ấy, người giáo viên vùng cao Ma Thị Thúy luôn dành nhiều thời gian cho học sinh của mình. Bên cạnh việc chăm sóc, dạy học kiến thức trên lớp, cô giáo Thúy còn dạy kỹ năng sống, biểu diễn văn nghệ để nâng cao khả năng tự tin cho các em.
“Đường xa, mưa gió, hay những rào cản về ngôn ngữ không bao giờ khiến tôi cảm thấy khó khăn. Khó khăn nhất là tìm sự thông cảm, gắn kết với các gia đình để thuyết phục phụ huynh cho con em đi học. Vì thế, ngay từ những ngày đầu về nhận nhiệm vụ cho tới nay, tôi luôn nỗ lực, tìm mọi cách vận động để các gia đình đồng thuận đưa con em đến trường. Được nhìn thấy học sinh mỗi ngày vui vẻ, tung tăng đến trường là niềm hạnh phúc của người giáo viên như chúng tôi. Động lực lớn nhất để tôi cũng như nhiều giáo viên vùng cao khác lựa chọn cống hiến cho nơi đây là vì tương lai của trẻ em. Các em được đi học, phần nào được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các em vẫn cố gắng đi học đều, ngoan ngoãn, vâng lời thầy cô” - cô giáo Thúy chia sẻ.
Sự cố gắng, nỗ lực cống hiến bằng tình yêu nghề, nhiều năm liền cô giáo Thúy vinh dự đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, nhận được khen thưởng của các cấp.
Gác lại niềm riêng
Nghề giáo vốn là nghề nhiều hy sinh và cống hiến. Đặc biệt, với các thầy cô giáo vùng cao, nhiệm vụ của họ không chỉ đơn thuần là dạy học, mà còn là sứ mệnh vươn lên, vượt qua những khó khăn về địa lý, đời sống, văn hóa và gác lại cả gia đình riêng của mình để mang ước mơ đến với trẻ em miền sơn cước. Thầy giáo Trần Văn Nam, giáo viên Trường TH&THCS Vũ Oai (xã Vũ Oai, TP Hạ Long) là một trong số đó.
Vào nghề từ năm 2009, đến nay thầy giáo Nam đã có 16 năm gắn bó với học sinh vùng cao. Năm nay cũng là năm thứ 7 thầy giáo Nam giảng dạy tại Trường TH&THCS Vũ Oai (xã Vũ Oai) - một trong 4 xã thuộc vùng “đi nghĩa vụ” của giáo viên TP Hạ Long (cùng với Đồng Sơn, Đồng Lâm, Kỳ Thượng).
Trong ký ức của mình, thầy giáo Nam nhớ như in ngày đầu nhận quyết định về dạy học tại Trường TH&THCS Kỳ Thượng (TP Hạ Long) vào năm 2011. Lúc đó cơ sở vật chất ở đây vô cùng thiếu thốn, đời sống của người dân còn khó khăn, tỷ lệ học sinh đến lớp còn thấp... Để thay đổi nhận thức của người dân về việc cho con ra lớp, hằng ngày thầy giáo Nam phải chủ động đến từng hộ dân trò chuyện, vận động phụ huynh và học sinh.
Ngày nối ngày, thầy giáo Nam không bận tâm đếm chặng đường của mình đã lội qua bao nhiêu con suối, vượt bao nhiêu đồi dốc, mà chỉ mong muốn học sinh được tiếp cận với ánh sáng tri thức, vì thế thầy luôn nhẫn nại, bao dung, chăm sóc, giáo dục trẻ, tìm hiểu tập tục sinh hoạt của bà con để gần gũi hơn với học sinh ở Kỳ Thượng. “Tôi thuyết phục thông qua những câu chuyện thật, người thật bằng việc tìm hiểu, nói về những điển hình vượt khó vươn lên trong học tập và đã thành công, từ đó số phụ huynh cho con theo tôi đến lớp ngày một đông hơn” - thầy giáo Nam chia sẻ.
Bây giờ khi chuyển về Trường TH&THCS Vũ Oai, dù đã không còn khó khăn như trước, nhưng mong muốn nâng cao chất lượng học tập cho học sinh vẫn là điều mà thầy giáo Nam trăn trở, bởi học sinh người DTTS chiếm 70% học sinh toàn trường.
Không chỉ truyền dạy tình yêu, kiến thức cho học sinh, thầy giáo Nam còn dành thời gian tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh của từng học sinh, quan tâm, động viên, kịp thời giúp đỡ để các em có thể yên tâm tới trường. Qua đó, kịp thời giúp học sinh vượt qua khó khăn để đến lớp, để nhà trường là "ngôi nhà" ấm cúng đối với học sinh.
Trong quá trình công tác, thầy giáo Nam luôn nêu cao tinh thần tự học, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, cũng như chủ động lắng nghe, tiếp thu những góp ý của đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, thầy giáo Nam còn là một trong những giáo viên đi đầu trong việc ứng dụng KHCN, phương pháp dạy học mới vào giảng dạy, cũng như thường xuyên nghiên cứu, đề xuất sáng kiến kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, gắn lý thuyết với thực hành, nhằm thu hút học sinh.
Thầy giáo Nam có con nhỏ bị điếc bẩm sinh, 5 tuổi chưa biết nói, phải học trị liệu ngôn ngữ. Tạm gác lại những khó khăn riêng, người thầy ấy vẫn miệt mài gieo con chữ cho học sinh vùng cao. Thầy giáo Nam đã có nhiều năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp.
Quảng Ninh có nhiều trường vùng cao với các điểm trường lẻ. Những thầy cô giáo dạy ở các trường vùng khó, đi cắm bản, hay còn gọi là “đi nghĩa vụ” sẽ giúp cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao chuyển biến tích cực, duy trì và giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, mầm non 5 tuổi. Sự cống hiến của các giáo viên vùng cao không thể kể hết bằng lời, chỉ có tận mắt chứng kiến thì mới cảm nhận hết được sự hy sinh vì sự nghiệp “trồng người” ở những vùng cao, miền núi, biên giới đầy gian khó.
Nghề dạy học là nghề vinh quang, là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Còn đối với những giáo viên vùng cao sống xa gia đình, xa người thân, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, ngày nối ngày gắn bó với các thôn, bản để cho giấc mơ con chữ của học trò vùng cao được trọn vẹn. Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Điểm trường Ngàn Mèo Dưới, Trường Tiểu học Lục Hồn (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) chia sẻ: Lớp tôi dạy 100% học sinh là người DTTS. Trình độ tiếng Việt của các em còn hạn chế. Đa số học sinh nhà cách xa điểm trường, có em nhà cách điểm trường 2-3km, phải đi bộ trên những con đường đồi núi. Nhiều em thiếu đồ dùng đến lớp, tôi phải bỏ tiền mua cho. Với những gia đình đi làm xa, nhà không có xe máy, nhiều hôm tôi chủ động đi sớm đến nhà chở học sinh tới trường.
Những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười của trẻ thơ và niềm vui của các bậc phụ huynh vào giờ đón trẻ chính là động lực để những người thầy tiếp tục cống hiến cho vùng cao. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, biết bao thầy, cô giáo vùng cao của Quảng Ninh vẫn miệt mài bám trường, bám lớp, để “ươm” những mầm xanh trên núi, mang ánh sáng của Đảng đến với người dân.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()