Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:59 (GMT +7)
Những người muôn năm cũ
Thứ 5, 08/02/2024 | 13:04:44 [GMT +7] A A
"Người tốt, việc tốt" bị khiếu nại
Câu chuyện dưới đây diễn ra vào đầu năm 1994. Sở dĩ người viết bài này nhớ được thời gian bởi nó tiếp ngay sau Hội thảo các báo Đảng phía Bắc, tổ chức tại tỉnh Lai Châu, mở đợt tuyên truyền Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954-1994). Ở sự kiện ấy, đoàn đại biểu Báo Quảng Ninh gồm: Tổng Biên tập Nguyễn Viết Khai (1942-2023), hai nhà báo Phùng Ngọc Dũng, Vũ Ngọc Cầm và lái xe Bùi Mạnh Tuấn. Tham luận của Báo Quảng Ninh “Báo chí phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến” do ông Nguyễn Viết Khai đăng đàn được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhiều đoàn đề nghị Ban Tổ chức Hội thảo dành thời gian cho họ phỏng vấn, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của Quảng Ninh.
Hôm ấy, tôi đi xe khách, công việc tại Hà Nội. Ngồi hàng ghế ngay phía trên tôi là hai phụ nữ; một người chừng 60 tuổi; người kia ít hơn khoảng chục tuổi. Đầu mùa xuân, trời mát mẻ, nhưng bà cao tuổi đội mũ bông, choàng khăn len. Chuyện trò trao đổi giữa họ cho biết người thân đưa bệnh nhân lên Hà Nội khám bệnh.
Anh lái xe Đức Lương (đã đổi tên) là người rất khó đoán tuổi. Suốt dọc đường, từ Hòn Gai tới Nhà máy điện Uông Bí, anh chỉ ra lời duy nhất nhắc nhở một hành khách bỏ hút thuốc lá.
Xe lăn bánh qua Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chừng 5, 6 cây số, bỗng có tiếng gọi giật giọng từ hàng ghế phía trên: “Bác tài ơi, chị tôi sốt cao!”. Anh lái xe lập tức giảm tốc, từ từ áp xe vào lề đường. Đoạn anh sờ trán người bệnh, rồi hướng về phía hành khách: “Bà đây sốt rất cao! Xe phải quay lại Bệnh viện. Chậm ít phút để cấp cứu người bệnh, mong bà con thông cảm!”. Hành khách không một ai eo xèo, nét mặt mọi người đầy vẻ lo lắng, sẻ chia.
Xe dừng cổng Bệnh viện, bác tài dặn anh lơ xe ở lại, rồi nhanh chóng cùng hai cô gái hỗ trợ người ốm vào nơi cấp cứu. Chưa đầy 10 phút sau xe lại tiếp tục hành trình. Sau này tôi được anh phụ xe thông tin, bác tài còn biếu tiền người bệnh và hẹn đón đưa họ lên Hà Nội.
Với nội dung trên, tôi viết báo ở mục “Người tốt, việc tốt”. Tuy nhiên, tờ báo vừa ra mắt bạn đọc hôm trước thì sáng hôm sau mẹ vợ của bác tài đã đến tòa soạn yêu cầu được gặp đích danh Tổng Biên tập và tác giả bài báo. Trước mặt hai chúng tôi, bà cho rằng chàng rể của mình không xứng đáng được khen trên báo như thế (!?). Vì sao? Bà bảo anh Đức Lương “lăng nhăng, lít nhít”, đang có ý định chia tay con gái bà. Đáp lại “ấm ức” của vị khách, ông Viết Khai và tôi, trước hết chia sẻ nhằm “hạ hỏa” cơn nóng giận của người đối diện. Sau đó chúng tôi đưa ra chính kiến, nói gọn là tách bạch “chuyện gì ra chuyện nấy”. Dần dần xem chừng vị khách hiểu đôi điều, không căng thẳng như trước. Đến giờ nghỉ, ông Tổng Biên tập nhã nhặn mời khách dùng bữa trưa, nhưng bà ta từ chối. Ông Viết Khai cảm ơn bà, mong muốn bà tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng tờ báo nâng cao chất lượng. Rồi ông gọi lái xe đưa bà về.
Cuộc giao ban đầu tuần, ông Viết Khai tóm lược “vụ khiếu nại” nêu trên, khẳng định bài báo của tôi không sai sót. Qua đó ông nhắc nhở đội ngũ phóng viên: Bạn đọc có niềm tin rất lớn vào báo chí; kỳ vọng rất nhiều vào tác phẩm của các nhà báo. Vì vậy, những người làm báo không ngừng trau dồi nghiệp vụ, nâng cao năng lực, xứng đáng với niềm tin yêu của độc giả.
Tác phẩm từ đời thường
Cố nhà văn, nhà báo Lý Biên Cương, tên khai sinh Nguyễn Sỹ Hộ (1941-2010); nguyên quán huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Trước khi là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, Phó Tổng Biên tập Báo Hạ Long, ông là phóng viên Báo Vùng mỏ, báo Quảng Ninh (1961-1987).
Ngay sau khi nghỉ hưu năm 2001, ông Lý Biên Cương đảm trách chuyên mục “Trước Đèn” trên báo Quảng Ninh cuối tuần (QNCT). Ngày ấy, người viết bài này là Trưởng Ban Báo QNCT, nên nhiều dịp gặp gỡ, chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời với ông. Anh em đồng nghiệp thường gọi ông với biệt danh yêu mến, vui vui: “Cụ Lý”, “Cụ Trước Đèn”.
Một buổi chiều, thời tiết ẩm ương hành hạ đôi chân đau khớp rệu rã, “Cụ Lý” cố gắng cà nhắc ra khỏi ngôi nhà phía sau trụ sở Tỉnh ủy Quảng Ninh. Dừng bước nghỉ trước Công ty In Quảng Ninh, tác giả truyện ngắn “Bây giờ ta lại nói về nhau” bỗng được chàng trai tên Hiệp, bảo vệ của Công ty, gọi mời: “Ông Cương ơi, cháu vừa thay ca. Ông vào đây cháu tẩm quất miễn phí cho!”. “Cụ Trước Đèn” như được gãi đúng chỗ ngứa, sà vào ngay. Và giữa họ có cuộc đối thoại:
- Viết văn, viết báo có khó không ông?
- Cũng khó mà cũng dễ, cậu ạ!
- Ông hay viết về chuyện gì ạ?
- Tớ viết về cuộc sống hằng ngày!... Nhà cậu ở đâu?
- Nhà cháu ở chợ Cột 5!
- Tớ mới nghe nói ở chợ Cột 5 có người tình nguyện chăm sóc một cụ bà nằm liệt nhiều năm, cậu biết ai không?
- Cháu... cháu không biết!
Thế rồi chỉ tuần lễ sau, dù đang đau chân, ông Lý Biên Cương vẫn lọ mọ đi tìm hiểu, cho ra tác phẩm “Người tốt quanh ta”. Đó chính là câu chuyện về “anh tẩm quất” khiêm nhường, xoa bóp cho tác giả bữa trước. Chuyện rằng, anh lính biên phòng Huỳnh Thuận Hiệp, sinh năm 1962, sau 3 năm quân ngũ, ra quân năm 1988; trú tại tổ 8, khu phố 1, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, làm nhân viên bảo vệ Công ty In Quảng Ninh. Vợ anh có người họ bên ngoại là cụ Nguyễn Thị Nhỡ, 75 tuổi, cựu công nhân Sở Điện lực Quảng Ninh. Chồng qua đời đã lâu, lại chẳng có con cái, cụ Nhỡ đơn thân, bị tai biến, nằm liệt giường trong ngôi nhà tập thể 25m2. Thương cảm hoàn cảnh quá éo le của cụ Nhỡ, anh Hiệp cùng vợ, dù vất vả nuôi hai con thơ, đã tận tâm chăm sóc cụ, từ bữa ăn, giấc ngủ đến chạy chữa thuốc men suốt 5 năm liền.
Từ câu chuyện bình dị, hết sức đời thường, song dưới ngòi bút của nhà văn, nhà báo Lý Biên Cương không dệt gấm, thêu hoa cũng dư sức lung linh khơi dậy lòng trắc ẩn, "thương người như thể thương thân", lan tỏa tấm lòng thiện nguyện.
Giải cứu cộng tác viên
Cố nhà văn, nhà báo Tô Ngọc Hiến, tên khai sinh Bùi Thượng Hiến (1942-1998); nguyên quán huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định. Học hết THPT, ông đi làm thợ ở Cẩm Phả, viết văn. Sau đó ông làm ở Báo Quảng Ninh. Tham gia BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa III.
Khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, một buổi tối ông Tô Ngọc Hiến đường đột đến nhà tôi. Là phóng viên Ban Kinh tế (Báo Quảng Ninh), nhà ở Cẩm Phả, ông hay lui tới mấy doanh nghiệp gần nhà tôi tại khu tập thể 5 tầng, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long.
Khác với những lần trước, bữa ấy ông hầm hập gõ cửa rồi bước vào đầy vẻ giận dữ như báo bão. Tôi đang định lấy nước mời thì tác giả truyện “Người kiểm tu” kéo tay tôi ngăn lại, bộc trực: “Khỏi phải nước non gì! Ông ngồi xuống đây với Hiến một lát; xe Hiến bám càng đang đợi dưới kia!”. Rồi vị khách dồn hỏi cứ như người lấy cung, còn tôi là tội phạm:
- Ông biết CTV Trần Ngọc (đã đổi tên) chứ?
- Biết, tôi biết.
- Hồi làm báo Công an, ông có nhớ thiếu tá Nguyễn Thành cùng ngành? Ông ấy bảo đã đôi ba lần đàm đạo thơ phú cùng ông.
- Có, mình nhớ! Ông ta có cái răng khểnh và rất hay hát chèo.
- Chính xác!
- Lại xảy ra chuyện liên quan đến pháp luật à?
Chuyện của ông Tô Ngọc Hiến tóm tắt như sau:
Được CTV Trần Ngọc cung cấp thông tin, qua sàng lọc và điều tra kỹ, ông Tô Ngọc Hiến viết bài phê bình một đơn vị cỡ “cá mập” thiếu quan tâm chăm lo đời sống người lao động, trong đó có chi tiết không nâng bậc lương cho nhóm người không phải “cạ”, dù họ chẳng mắc mớ kỷ luật gì. Bài báo của ông được đông đảo dư luận hưởng ứng, đồng tình. “Nghe nhạc hiệu đoán chương trình”, ông giám đốc đơn vị bị chê không mấy khó khăn để tìm ra “nội gián” cung cấp tài liệu cho tác giả để trừng phạt "kẻ phản nghịch”. Ông ta điều chuyển anh Trần Ngọc đang làm tốt chức trách Phó trưởng Phòng Tổ chức sang làm Phó trưởng Phòng Bảo vệ. Khiếu nại ư? Có mà “khiếu nại củ khoai!”. Người ta có cả trăm ngàn lý do “chính đáng” để bảo vệ quyết định của mình, như “phòng bảo vệ đang mất đoàn kết, cần bổ sung một người có năng lực đến ổn định”; hoặc “đây là sang ngang, vẫn giữ nguyên chức vụ phó trưởng phòng...”. Tuy nhiên, chẳng ai tin lối bao che ngụy biện đó; đến con nít cũng biết anh Trần Ngọc bị trù dập.
Không thể để một CTV lâu năm, tích cực, trung thực, dũng cảm bị chèn ép, ông Hiến đề xuất với Ban Biên tập Báo Quảng Ninh để ông và tôi kết hợp với thiếu tá Nguyễn Thành (bạn thân của vị giám đốc đơn vị K) "giải cứu" CTV. Thế rồi, chỉ chưa đầy tháng sau, sau khi đi thẩm tra, đơn vị K đã tiếp nhận anh Trần Ngọc và sắp xếp công việc phù hợp nguyện vọng.
Phùng Ngọc Dũng
Liên kết website
Ý kiến ()