Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:41 (GMT +7)
Những người làm tốt vai trò "dẫn đường"
Thứ 2, 01/08/2022 | 09:10:39 [GMT +7] A A
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định công tác tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng hùng mạnh cho cách mạng. Theo Người, yếu tố góp phần quan trọng làm nên thành công của công tác tuyên truyền chính là cán bộ tuyên truyền. Việc lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên để giáo dục là phương pháp tuyên truyền hiệu quả nhất. Thời gian qua, đội ngũ những giảng viên, tuyên truyền viên đã làm tốt vai trò “dẫn đường”, trở thành những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, đủ sức gách vác nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.
Giữ “lửa” tâm huyết trong giảng dạy lý luận chính trị
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp giảng viên trẻ Tô Thị Thanh Lê (SN 1987) là chị vô cùng cởi mở, khuôn mặt tươi sáng, nói chuyện thông minh. Trong chị luôn tràn đầy nhiệt huyết, sự tận tâm với công việc mình đang làm.
Năm 2021 chị là một trong 2 giảng viên của Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh được tặng danh hiệu Giảng viên dạy giỏi xuất sắc tại Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương lần thứ VII - Khu vực phía Bắc, nằm trong top 20 giảng viên đạt thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Chị chia sẻ: “Bản thân tôi và các thí sinh tham gia Hội thi với tinh thần giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng sư phạm, đồng thời là cơ hội để các giảng viên cập nhật cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy. Từ đó, các giảng viên chúng tôi không ngừng hoàn thiện bản thân để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”.
Nói về lý do tham gia công tác giảng dạy lý luận chính trị, chị cho biết, đối với chị nghề giáo vừa là niềm mơ ước, vừa là sự may mắn đối với chị. Những khát khao, niềm mơ ước của chị như những hạt giống đâm chồi nảy lộc khiến chị luôn thôi thúc mình phải cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Chị tâm niệm: “Dạy học không đơn thuần chỉ là truyền đạt kiến thức từ những giáo trình sẵn có đến học viên, mà phải là sự đào sâu, tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy để học viên có thể vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách hiệu quả”.
Thấm nhuần phương châm “Lý luận phải gắn liền với thực tiễn”, sau nhiều chuyến đi, nhiều chuyến công tác, những tư liệu thực tế, những tâm tư, tình cảm đã được chị đúc kết thành kinh nghiệm để đưa vào những bài giảng. Có lẽ cũng bởi vì thế mà những bài giảng của chị luôn được đánh giá cao, khiến nhiều học viên yêu thích.
“Đối với nhiều người, lý luận chính trị là một cái gì rất khô khan và khó hiểu. Nhưng đi sâu tìm hiểu, tôi càng say mê. Tôi luôn tìm cho mình những phương pháp mới, không ngừng trau dồi thêm kiến thức từ thực tế đời sống để truyền ngọn lửa nhiệt huyết, say mê đó đến cho mọi người” - Chị cho biết.
Là giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật, chị đang tham gia giảng dạy các chương trình trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và các lớp bồi dưỡng kỹ năng các chức danh cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh. Sự đa tài, nỗ lực và mẫn cán của người thầy đã tạo nên sức cuốn hút trong mỗi bài giảng của chị để chị trở thành một người truyền “lửa” đến các học viên.
Chị tâm sự: “Tôi luôn coi nghề giáo là cả một hành trình ý nghĩa mà tôi là người trải nghiệm. Chỉ khi mình có thêm kiến thức, có những trải nghiệm thú vị, khám phá bản thân để tìm ra phiên bản tốt nhất của chính mình thì bài giảng mới phong phú, có tính thực tiễn. Vì suy cho cùng, dạy học cũng là một nghệ thuật, người giảng viên là nghệ sĩ được đứng trên bục giảng, còn học viên chính là các khán giả của mình. Mình thấy vui, tự hào khi được được đứng ở vị trí đó và luôn coi đó là động lực cố gắng hoàn thiện bản thân để xứng đáng với những tình cảm mình nhận được”.
13 năm gắn bó với công tác giảng dạy, có rất nhiều những kỷ niệm đáng nhớ, trong đó khiến chị nhớ nhất là giúp đỡ một học viên tham tham gia Hội thi Học viên học giỏi lý luận chính trị năm 2019. Đó là một học viên nữ chăm chỉ, chịu khó nhưng lại nhút nhát, chưa từng nói trước đám đông. Chị đã đồng hành cùng học viên từ khâu lựa chọn chủ đề, viết bài thuyết trình cho đến quá trình tập luyện để thuyết trình thành công. Từ một người rụt rè, luôn lo sợ khi lên sân khấu sẽ quên bài, nhưng bằng sự giúp đỡ, động viên từ chị, học viên ấy đã tự tin hoàn thành xuất sắc phần thi của mình với điểm thuyết trình cao thứ 2/16 thí sinh tham gia phần thi này.
Chị kể: Sau khi hoàn thành bài thi, bạn ấy đã chạy vào sân khấu ôm chầm lấy tôi và nói: “Cô ơi em đã vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình rồi, em cảm ơn cô rất nhiều”. Sau đó mỗi năm cứ đến các ngày lễ, đặc biệt là ngày 20/11 bạn ấy đều gọi điện, nhắn tin chúc mừng tôi. Có lẽ đối với một người giảng viên, điều trân quý nhất chính là sự tôn trọng, là tình cảm mà các học viên dành cho mình.
Đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy
Luôn nỗ lực phát huy sức trẻ, sáng tạo, xung kích, kỷ luật cao trong mọi nhiệm vụ, đó là cách để đại úy Nguyễn Văn Hoàn (SN 1989) góp thêm những kinh nghiệm quý cho công tác phòng, chống tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.
Với cương vị là Phó Đội trưởng Đội Chuyên đề nghiệp vụ cơ bản và truy nã truy tìm (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh), đại úy Nguyễn Văn Hoàn quả thực bận rộn không ngừng trong suốt những ngày tháng 6 vừa qua. Bởi đây là dịp mà các hoạt động động được đẩy mạnh cao điểm hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2022. Đặc biệt, anh là một tuyên truyền viên rất hăng hái, trách nhiệm, đã tham gia liên tục các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy do Sở LĐ-TB&XH, Sở Tư pháp, Tỉnh Đoàn chủ trì tổ chức lần lượt tại khắp các địa phương trong tỉnh...
Anh cùng các ĐVTN trong Chi đoàn Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy triển khai hiệu quả mô hình tuyên truyền về tác hại của ma túy trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là với giới trẻ.
Khi được hỏi về “bí quyết” để làm tốt nhất công tác tuyên truyền, đại úy Nguyễn Văn Hoàn chia sẻ: Ngay từ đầu phải xác định, hiểu rõ về đối tượng cần tuyên truyền có nhu cầu, trình độ, quan điểm là gì? Từ đó tuyên truyền viên sẽ biết được mình cần lựa chọn phương pháp, nội dung tiếp cận cho phù hợp. Đơn cử như buổi tuyên truyền tại TP Cẩm Phả vào trung tuần tháng 6 vừa qua, người nghe chủ yếu là các ĐVTN, cán bộ, công chức, công nhân trẻ. Do đó nội dung trình bày cần rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Đặc biệt là đưa được ra những lập luận chặt chẽ, liên hệ tới những vụ việc thời sự đang được xã hội quan tâm thông qua những bằng chứng mạnh mẽ, như hình ảnh hiện trường, dụng cụ mẫu vật trực quan...
Những nội dung về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác này, như Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy..., đều được lồng ghép phù hợp với giao lưu, cùng thảo luận để tạo không khí tiếp thu sôi nổi, tránh việc ngồi nghe lý thuyết xuông dễ gây nhàm chán. Những liên hệ trải nghiệm thực tế từ những chuyến công tác đến tận những địa bàn phức tạp, đấu tranh mở rộng các chuyên án, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội về ma tuý... cũng đã giúp anh tạo được sự thu hút trong từng phút thuyết trình.
Anh tâm sự: "Dù đã nhiều năm làm nhiệm vụ của một tuyên truyền viên nhưng tôi luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để làm tốt hơn. Bởi thực tế, tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn liên tục tấn công vào đời sống xã hội, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, từng buổi tuyên truyền đều vô cùng đáng quý, nhất là với các buổi gặp gỡ với ĐVTN, học sinh sinh viên. Khi làm thật tốt, tôi sẽ góp phần thay đổi nhận thức và suy nghĩ của các em, trang bị tốt những kỹ năng phòng tránh đối với tệ nạn, tội phạm ma túy".
Từ những bài tuyên truyền miệng được xây dựng công phu, cho tới những bài viết có sức lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội; anh đã tạo được dấu ấn không nhỏ trong nhiệm vụ nâng cao nhận thức của người dân về tội phạm, tệ nạn ma túy. Anh làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ; sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Qua đó đã góp phần lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, anh chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh để tạo sự vào cuộc một cách đồng bộ, tổng lực trên mọi phương diện. Là một cộng tác viên tích cực, nhiều bài viết của anh về công tác phòng, chống ma túy đã được đăng tải và chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt loạt bài chuyên đề “Ma túy mới tấn công học đường: S.O.S” của anh đã đoạt giải nhất Giải báo chí Quảng Ninh năm 2016.
Đại úy Nguyễn Văn Hoàn rất tâm đắc với câu nói: “Chỉ cần bạn theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Với anh được khoác lên mình chiếc áo của lực lượng công an nhân dân để cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, góp phần đem lại bình yên cho nhân dân là một niềm vinh dự và tự hào rất lớn.
Vân Anh
- Tuyên truyền Luật Biên phòng cho cán bộ và nhân dân phường Trà Cổ
- PC Quảng Ninh tăng cường tuyên truyền đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM
- Nữ trưởng phòng duy nhất của Công an Quảng Ninh
- Trưởng Công an xã tận tụy vì dân
- Nữ chiến sĩ công an gương mẫu, nhiệt tình
Liên kết website
Ý kiến ()