Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 18:19 (GMT +7)
Những người không nên ăn măng tươi
Thứ 7, 18/03/2023 | 16:57:03 [GMT +7] A A
Măng là món ăn nhiều người yêu thích, tuy nhiên cũng có những người không nên ăn măng tươi.
Măng tươi là thực phẩm quen thuộc và được rất nhiều người yêu thích. Nhưng có một số người được khuyến cáo không nên ăn măng tươi. Dưới đây là những người không nên ăn măng tươi.
Những người không nên ăn măng tươi
Phụ nữ đang mang thai
Trong măng chứa độc tố glucozit, thành phần này sẽ sản sinh ra acid xyanhydric. Sau khi đi vào dạ dày, glucozit sẽ bị phân huỷ dưới tác động của men tiêu hoá, chất chua trong dạ dày và cuối cùng acid xyanhyfric sẽ bị đẩy ra ngoài dưới dạng dịch nôn (tức là cơ thể không chịu nổi chất độc).
Đã có nhiều trường hợp bà bầu bị ngộ độc măng và gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
Người có bệnh về đường tiêu hóa
Trả lời Vietnamnet, tiến sĩ Phạm Việt Hoàng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Hà Nội, cho biết người có bệnh đường tiêu hóa ăn măng sẽ gây khó chịu, làm tổn hại dạ dày và thực quản.
Những người đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản cũng không nên sử dụng loại thực phẩm này.
Những người sử dụng thuốc aspirin thường xuyên
Những người đang phải sử dụng thuốc aspirin thường xuyên nếu ăn măng sẽ gây kích ứng đường tiêu hoá, làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
Người bị bệnh gút
Khi bị bệnh gút, bạn cần thật cẩn trọng với chế độ ăn uống bởi vì có thể làm tăng lượng acid uric trong máu, làm bệnh trở nên nặng hơn. Những loại thực phẩm tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tre, măng trúc, măng tây,... sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric có trong cơ thể.
Trẻ em
Axit oxalic trong măng tươi sẽ làm ảnh hưởng đến việc hấp thu và tận dụng canxi, kẽm của cơ thể. Vì thế, trẻ em đang ở trong giai đoạn phát triển không nên ăn măng quá nhiều để tránh bị thiếu canxi, kẽm dẫn đến chậm phát triển.
Người bị bệnh thận
Bệnh thận đôi khi cũng là do vi khuẩn streptocoques gây nên nhưng thông thường là do những bệnh khác gây ảnh hưởng đến thành mạch máu, làm tổn hại đến thận như bệnh cao huyết áp và bệnh đái tháo đường.
Nếu bạn đang mắc bệnh thận, chế độ ăn uống cần đặc biệt lưu ý. Măng tây, măng tre là thực phẩm giàu canxi không có lợi cho bệnh thận mãn tính và suy thận. Đặc biệt, axit oxalic kết hợp cùng với canxi còn có thể tạo ra sỏi thận.
Trong măng chứa độc tố cyanide nên không tốt cho sức khoẻ nếu như bạn không biết chế biến đúng cách.
Ăn măng đúng cách
Nếu bạn không thuộc những nhóm người trên thì vẫn có thể ăn măng nhưng cần ăn đúng cách để đảm bảo sức khỏe.
Theo thông tin trên Báo Sức khỏe & Đời sống, măng giàu chất xơ, chứa phytosterol là chất có khả năng ngăn chặn cholesterol xấu và cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch. Trong măng tre có chứa các chất dinh dưỡng chính như protein, carbohydrate, axít amin, khoáng chất, đường, các muối vô cơ.
Vì vậy, để thưởng thức món măng ngon và an toàn, cần biết cách chọn măng, sơ chế, chế biến đúng cách.
Măng ngon, măng không hóa chất thường có màu hơi thâm đen hoặc vàng tươi rất nhạt do chỉ ngâm muối, trong khi măng ngâm hóa chất có màu trắng phau, hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng, trông bóng rất bắt mắt. Măng không ngâm hoá chất sẽ có mùi chua tự nhiên, không có mùi hắc.
Sơ chế măng là khâu quan trọng để tẩy chất độc tự nhiên trong măng, hãy rửa và ngâm măng trong nước muối hoặc nước vo gạo khoảng 30 - 45 phút, sau đó luộc ít nhất 2- 3 lần nước trong vòng 15 - 20 phút. Trong quá trình luộc, nên mở vung để chất độc bay hơi.
Dù là măng tươi hay măng khô cũng không vội vàng bỏ qua các thao tác cần thiết trên để loại bỏ chất độc. Với món măng ngâm dấm ớt, tốt nhất là bạn tự chế biến để bảo đảm măng đã được sơ chế cẩn thận. Nếu mua ngoài hàng, hãy cẩn thận lựa chọn sản phẩm có nhãn mác.
Ngoài ra, người khoẻ cũng không nên ăn măng thường xuyên và không nên ăn vào lúc đói hoặc ăn quá nhiều.
Theo Vtc
Liên kết website
Ý kiến ()