Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:18 (GMT +7)
Phát huy vai trò "Cây cao bóng cả"
Chủ nhật, 29/09/2024 | 11:26:18 [GMT +7] A A
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của người cao tuổi, những “cây cao bóng cả”, những người “giữ hồn cho dân tộc” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống. Đất nước hoà bình, thống nhất và nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, vai trò của người cao tuổi càng có vai trò quan trọng. Một trong số đó là việc giữ gìn, trao truyền cho thế hệ trẻ các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”. Vì vậy, Người luôn luôn quan tâm, tôn trọng, yêu cầu chăm sóc người cao tuổi cũng như tổ chức cuộc sống cho người cao tuổi. Người cũng khẳng định về vai trò và ảnh hưởng của người cao tuổi: “Dẫu tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi nhưng mỗi lời các cụ nói ra có ảnh hưởng đến hưng bang, mỗi hành động của phụ lão ảnh hưởng đến việc dựng nước và giữ nước...”.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện theo đúng những mong mỏi của Người là quan tâm nhiều đến người cao tuổi. Bên cạnh Luật Người cao tuổi được Quốc hội thông qua năm 2009, các chế độ ưu tiên dành cho người cao tuổi ngày càng được xây dựng và chú ý thực hiện trong thực tế. Càng ngày, người cao tuổi càng có nhiều cơ hội hoạt động, tích cực xung kích, đi đầu, nêu gương để tạo sức lôi cuốn cho các tầng lớp khác trong xã hội.
Trên thực tế, hầu hết người cao tuổi ở nước ta nói chung, Quảng Ninh nói riêng đều trải qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trong thế kỷ 20; là những người lao động, quân nhân, cán bộ, những trí thức, văn nghệ sĩ... đã từng cống hiến sức mình, gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trải qua thời gian, họ vẫn luôn giữ được sự trung thành với cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống giản dị, tiếp tục cống hiến, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Tại Quảng Ninh, nhiều năm qua, vai trò của người cao tuổi đã được khẳng định qua việc người cao tuổi đã tham gia vào hầu khắp các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự… Đặc biệt, trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, người cao tuổi càng khẳng định được vai trò “tuổi cao, gương sáng” của mình. Năm 1999, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động trong toàn quốc phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", trong đó, các nội dung phong trào được triển khai gắn với các tiêu chí xây dựng "Gia đình văn hóa".
Cùng với nhân loại, đất nước ta phát triển sang thời đại công nghệ 4.0. Những cái mới tác động mạnh mẽ vào từng gia đình từ sinh hoạt (ăn, ở), quan hệ giữa các thành viên gia đình đến thói quen, sở thích của mỗi người nhưng vị trí, vai trò của người cao tuổi không thay đổi. Họ vẫn là những tấm gương cho con cháu noi theo, có tác động và ảnh hưởng nhiều tới sự hình thành nhân cách của người trẻ trong gia đình, dòng họ.
Thực tế, như tại Quảng Ninh, người cao tuổi chiếm vị trí chủ đạo trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Rất nhiều người cao tuổi giống như những “báu vật sống”, lưu giữ các tri thức dân gian, văn học dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ tục truyền thống… Nhiều người trong số họ là chủ nhiệm các câu lạc bộ, nhiệt tình “giữ lửa” trao truyền những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho lớp trẻ. Rất nhiều các lớp dạy thêu, dân ca đã được mở tại các địa phương. Những lễ hội văn hoá truyền thống được khôi phục sau nhiều năm mai một chính là nhờ có đóng góp rất lớn của người cao tuổi như thế.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()