4
18
/
1100209
Những người gác chốt cầu Đá Vách, cầu Triều
longform

Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cầu Đá Vách (phường Mạo Khê) và cầu Triều (phường Hồng Phong) nằm trên địa bàn TX Đông Triều. Đây là 2 trong số 6 chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào tỉnh đặt tại TX Đông Triều. Khác với nhiều Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 lớn trên địa bàn tỉnh hoạt động liên tục từ khi có dịch Covid-19 (năm 2020), 2 chốt ở cầu Đá Vách và cầu Triều thành lập muộn hơn, hoạt động thì linh hoạt, tùy từng thời điểm. Những người làm nhiệm vụ ở chốt cũng phải kịp thời ứng biến nhanh với tình hình dịch bệnh, sự chỉ đạo mới của tỉnh. Với họ, không thể để phút giây nào mất cảnh giác, cho cơ hội dịch bệnh “lọt” vào địa bàn…

Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cầu Đá Vách và cầu Triều được thành lập và hoạt động từ tháng 1/2021 trong đợt bùng phát dịch tại Hải Dương, Bắc Giang và TX Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh và hoạt động liên tục đến ngày 24/3. Sau khi tình hình dịch bệnh của các địa phương giáp ranh được khống chế, chốt cầu Đá Vách, cầu Triều tạm dừng hoạt động.

Từ đầu tháng 5 đến nay, hoạt động tại 2 chốt liên tục điều điều chỉnh để đảm bảo phù hợp, thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh. Cụ thể, từ ngày 7/5-7/8, TX Đông Triều đã tái lập và hoạt động 6 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có chốt cầu Đá Vách, cầu Triều để kiểm soát người và phương tiện ra, vào địa bàn bằng đường bộ.

Chốt kiểm soát cầu Đá Vách, TX Đông Triều.

Đến ngày 8/8, 2 chốt lại “chuyển trạng thái”, thực hiện biện pháp hạn chế người, phương tiện theo hướng từ Hải Dương vào Quảng Ninh. Theo chỉ đạo của tỉnh, lực lượng 2 chốt không tiếp nhận người và phương tiện vào, trừ xe cấp cứu, xe của lực lượng công an, quân sự làm nhiệm vụ, xe chở trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, xe vận chuyển lương thực, thực phẩm thiết yếu và tiêu thụ nông sản có giấy xác nhận theo quy định, phải dán niêm phong cửa xe trước khi vào Đông Triều. 2 chốt thực hiện đóng cứng, không có người và phương tiện qua lại từ 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau.

Để tạo điều kiện cho người, phương tiện lưu thông, trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh, từ 6 giờ ngày 13/9, 2 chốt mở cửa trở lại, lực lượng làm nhiệm vụ ở đây cũng nhanh chóng vào “guồng quay”.

Quyết tâm làm nhiệm vụ với tinh thần, trách nhiệm cao nhất; mong mỏi quê hương, đất nước sớm bình yên, dịch bệnh bị đẩy lùi - Đó là mong mỏi chung, của tất cả những người thực hiện nhiệm vụ ở Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cầu Đá Vách và cầu Triều, khi chúng tôi hỏi chuyện họ. Dù mỗi người có hoàn cảnh sống, công việc khác nhau, thế nhưng khi làm nhiệm vụ ở chốt, họ dường như chỉ có một mong muốn, mục đích là cống hiến tận tâm, hết sức lực trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, nhân viên điều dưỡng thuộc Trung tâm y tế than khu vực Mạo Khê, một trong những người trực chốt cầu Đá Vách, chia sẻ: Hơn 4 tháng nay, kể từ thời điểm chốt kiểm soát phòng chống dịch cầu Đá Vách cùng các chốt khác trên địa bàn TX Đông Triều hoạt động trở lại, tôi cùng các đồng nghiệp không vắng mặt ngày nào, bất kể nắng mưa, kể cả khi chốt gần như không có người và phương tiện qua lại. Anh em bảo nhau, dù trong bất cứ tình hình nào cũng không thể lơ là cảnh giác. Vì chỉ một phút mất cảnh giác, chủ quan, không đảm bảo các nhiệm vụ được giao, cũng có thể dẫn đến nguy cơ dịch bệnh “lọt” vào địa bàn, gây nguy hiểm cho người dân. Trong thời điểm chốt đóng cứng, ở chốt vẫn duy trì lực lượng trực ca đêm là công an, quân sự, dân phòng. Đối với lực lượng y tế chúng tôi và thanh niên tình nguyện “dễ thở” hơn đôi chút vì không phải trực ca đêm.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, nhân viên điều dưỡng thuộc Trung tâm y tế than khu vực Mạo Khê, TX Đông Triều.

Từ khi chốt cầu Đá Vách mở cửa trở lại, cho phép người, phương tiện lưu thông. Cường độ của lực lượng làm việc tại chốt cũng tăng lên nhiều lần so với trước.

“Chúng tôi thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, kiểm soát người phương tiện, trong đó có nhiều nội dung chặt chẽ, mới hơn so với trước đây. Như, đối với người dân từ tỉnh Hải Dương, TP Hải Phòng khi vào địa bàn TX Đông Triều phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính tối đa 48 giờ kế từ giờ lấy mẫu và phải có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin; đồng thời, phải trực tiếp có mặt và làm thủ tục khai báo y tế tại chốt, trừ bệnh nhân, người già đi lại khó khăn, trẻ em dưới 5 tuổi; người qua chốt kiểm soát phải sử dụng ứng dụng Bluezone và quét mã QR Code;… Cũng người dân còn chưa chưa hiểu, to tiếng, thì anh em lại giải thích cho họ hiểu. Chúng tôi sẽ có những ngày rất bận rộn, nhưng anh em ai nấy rất vững tinh thần, sẵn sàng triển khai nhiệm vụ rồi” - Chị Hiền cho biết thêm.

Những khó khăn, vất vả không hề làm nao núng tinh thần của nữ nhân viên y tế.

Lắng nghe những chia sẻ gần gũi, đời thường của chị Hiền và nhiều anh em ở chốt cầu Đá Vách, chúng tôi càng cảm phục họ hơn. Gác lại công việc riêng, họ đều là chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cẩn thận sát khuẩn tay, tháo tấm chắn giọt bắn để nghỉ ngơi, sau một hồi kiểm soát giấy tờ y tế của lái xe vận tải hàng hóa và người qua chốt, chị Hiền chia sẻ thêm: “Tôi công tác ở Trung tâm y tế than khu vực Mạo Khê nhưng nhà riêng lại ở tận Cẩm Phả. Trước đây thì cứ cuối tuần hoặc ngoài ca trực sẽ tranh thủ về nhà. Nhưng từ khi nhận nhiệm vụ trực chốt Đá Vách hồi đâu tháng 5 đến nay tôi chưa về nhà. Cũng may sao nhà mẹ đẻ ở Đông Triều, tôi ở lại đây cũng rất thuận lợi. Ngoài nhiệm vụ trực chốt và nhiệm vụ chuyên môn trực luân phiên với các đồng nghiệp ở Trung tâm, tôi vẫn được về nhà, vẫn có người thân bên cạnh. Chốt cầu Đá Vách cũng không quá vất vả như nhiều chốt khác của Đông Triều và các địa phương khác trong tỉnh vì lưu lượng người và phương tiện qua lại không nhiều. Ngày mới nhận nhiệm vụ thì cũng lo, cũng sợ chứ. Chưa khi nào nghĩ mình sẽ phải đối mặt với khó khăn thử thách lớn như thế này, đặc biệt là việc phải xa chồng, xa con. Nhưng rồi cũng quen… Ít nhiều thì mình cũng cống hiến được một chút công sức cho trận chiến chống “giặc” Covid-19. Ở ngoài kia còn nhiều anh chị em khác vất vả lắm… Biền biệt xa nhà hàng tháng, thậm chí cả năm trời, xông pha ở tuyến đầu, ở điểm nóng, mình đã là gì đâu…

Nhân lúc không có phương tiện, cũng vào tầm cuối giờ chiều, chị Hiền vội vàng tìm chiếc điện thoại để gọi về cho chồng con ở nhà. Kể từ ngày chị nhận nhiệm vụ trực chốt, chồng chị làm ở Công ty Than Dương Huy – TKV vừa phải lo việc ca kíp, giữ vững nhịp sản xuất của đơn vị, vừa phải lo toan nhà cửa, cơm nước, thay vai trò làm mẹ chăm bẵm con cái từ bữa ăn đến giấc ngủ. Cậu con út mới 4 tuổi, ngày đi nhà trẻ, tối bố đón về, thời gian đầu còn nhớ mẹ, giờ đã quen, rất ngoan và nghe lời bố.

Chị Hiền gọi điện cho gia đình trong những phút thảnh thơi hiếm hoi.

Kể chuyện về các con, ánh mắt của người mẹ trẻ không tránh khỏi rưng rưng vì thương, vì nhớ. Quay lại bàn làm việc, nét cười lại ánh lên trong mắt chị Hiền. “Tôi cũng như anh chị em ở chốt Đá Vách chỉ mong sao dịch bệnh sớm được kiểm soát, cuộc sống quay lại nhịp bình thường, tất cả mọi người được khỏe mạnh, bình an. Còn ở đây, chắc chắn chúng tôi sẽ hết mình hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp sức cùng cả tỉnh bảo vệ vững chắc thành quả phòng chống dịch, giữ vùng xanh an toàn, giữ tỉnh được bình yên…”

Cách chốt Đá Vách khoảng 15km về phía Tây Bắc, nằm trên địa bàn phường Hồng Phong, chốt kiểm soát phòng chống dịch cầu Triều cũng là một cửa ngõ của Quảng Ninh với huyện Kinh Môn. Cùng với chốt Đá Vách, chốt cầu Triều cũng bắt đầu cho xe vận tải hàng hóa và người đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của tỉnh Quảng Ninh qua lại kể từ 6h ngày 13/9, sau 1 tháng thực hiện chủ trương tạm dừng tiếp nhận người và phương tiện theo hướng từ tỉnh Hải Dương vào tỉnh Quảng Ninh và đóng cứng từ 22h đến 04h sáng ngày hôm sau.

Hoàng hôn nhuộm đỏ rực chân trời phía tây, ánh đèn huỳnh quang lọt thỏm giữa cánh đồng thẳng cánh cò bay, các lực lượng trực chốt cầu Triều vẫn đang miệt mài làm nhiệm vụ. Lượng xe vận tải hàng hóa tăng lại đột biến sau khi chốt mở cửa khiến anh chị em trực chốt phải tăng cường quân số, tăng ca để đảm bảo xe cộ lưu thông không gặp ách tắc, nhưng vẫn phải đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu, quy định trong phòng chống dịch.

Hoàng hôn nhuộm đỏ chốt kiểm soát cầu Triều, TX Đông Triều.

Trung úy Phạm Xuân Hưng, Công an TX Đông Triều hoàn thành ca 1 lúc 14h chiều quyết định xung phong tăng thêm ca để cùng mọi người duy trì tốt trạng thái hoạt động của chốt. Mồ hôi thấm lưng áo, lấm tấm trên trán chàng thanh niên trẻ sinh năm 1995, nhưng Hưng không chậm trễ bất cứ một phút nào trong việc thực hiện nhiệm vụ. Ra hiệu dừng xe, hướng dẫn lái xe vào chốt khai báo, giải đáp thắc mắc, kiểm tra cabin, thùng xe, dán niêm phong cửa xe, ra hiệu cho xe đủ điều kiện qua chốt, vẫy xe tiếp theo vào khai báo… Vòng lặp của công việc tưởng chừng rất nhàm chán nhưng lại vô cùng quan trọng, được Hưng cùng lực lượng dân phòng, thanh niên tình nguyện thực hiện với sự tập trung tối đa.

Vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa trò chuyện với tôi, Trung úy trẻ Phạm Xuân Hưng “khoe”: “Nhà em ở bên kia, ngay Kinh Môn thôi, cách đúng cây cầu Triều này. Đi thêm mấy cây số nữa là đến! Thế mà bao nhiêu lâu nay em không về được nhà để thăm bố mẹ. Ít nhất là từ tháng 5 đến giờ khi Đông Triều tái lập các chốt kiểm soát. Trước đấy em có tranh thủ về được mấy ngày. Công việc trực chốt thì 100% quân số đơn vị luân phiên, còn công việc chuyên môn tại đơn vị bọn em vẫn phải thực hiện, nên không còn chút thời gian trống nào anh ạ. Cũng may là bố mẹ em ở nhà vẫn khỏe mạnh. Lúc nào rảnh em lại gọi điện video về nói chuyện, báo tình hình để bố mẹ yên tâm.”

Trung úy Phạm Xuân Hưng, Công an TX Đông Triều xung phong tăng thêm ca để cùng mọi người duy trì tốt trạng thái hoạt động của chốt.

Tốt nghiệp Đại học Phòng cháy Chữa cháy, chàng trai trẻ Phạm Xuân Hưng nhận lệnh điều động về công tác tại Công an TX Đông Triều. Cũng là điều may mắn khi đơn vị cách nhà không xa, chỉ khoảng nửa tiếng đi đường, ngoài giờ làm việc và trực đơn vị, Hưng vẫn hàng ngày về nhà với bố mẹ. Thế nhưng, kể từ khi dịch bệnh có những diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Hải Dương và TX Đông Triều hồi đầu năm 2021, Hưng cùng anh em đồng đội “cắm trại” tại đơn vị, dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu vừa rồi cũng không về được nhà để ăn Tết mà tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, Hưng tranh thủ cắt mấy ngày phép về qua nhà, rồi quay lại ngay nhận nhiệm vụ trực chốt hồi đầu tháng 5.

Gần như được phân công “cứng” tại chốt cầu Triều, Hưng rất vui và tự hào nhưng cũng không ít tâm tư. Vui, tự hào vì mình đã và đang từng ngày góp một phần nhỏ bé công sức giữ bình yên cho cả hai bên bờ sông Kinh Thầy, một bên là quê nhà, một bên là nơi mình cống hiến tuổi trẻ, sức lực để phụng sự Đảng và Tổ quốc, phục vụ nhân dân; còn tâm tư là những lúc hoàng hôn buông xuống, khói lam chiều bảng lảng, rồi màn đêm tĩnh mịch, nhìn qua phía bên kia sông, quê nhà, bố mẹ ở đó, gần nhưng cũng xa. Nỗi nhớ gia đình đành tạm gác lại…

"Là một chiến sĩ Công an Nhân dân, trách nhiệm là phụng sự Đảng và Tổ quốc, phục vụ Nhân dân."

“Là một chiến sĩ Công an Nhân dân, trách nhiệm là phụng sự Đảng và Tổ quốc, phục vụ Nhân dân anh ạ. Không có gì là khó khăn vất vả hết. Mưa nắng ngày đêm, các chị em thanh niên tình nguyện, nhân viên y tế, các bác dân quân tự vệ địa phương tuổi cũng đã cao còn không nề hà, chiến sĩ trẻ như em thì có là gì. Em cùng đồng chí đồng đội sẽ tiếp tục cống hiến hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân, của quê hương…” - Lời chia sẻ mộc mạc, quyết tâm mà cũng đầy tự hào của Hưng, khiến chúng tôi càng thêm tin tưởng vào thành trì mà Hưng cũng như hàng nghìn người đang tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh xây dựng nên luôn vững chãi.

Ngày mới nhận nhiệm vụ thì cũng lo, cũng sợ. Chưa khi nào nghĩ mình sẽ phải đối mặt với khó khăn thử thách lớn như thế này, đặc biệt là việc phải xa chồng, xa con. Rồi cũng có khi lo sợ không may mình bị lây dịch bệnh, có thể không được gặp mặt người thân yêu của mình thì sao?… Nhưng đó là những suy nghĩ thoáng qua, ở những ngày đầu thôi. Làm nhiệm vụ ở chốt, tôi cũng như anh em luôn phải thực hiện tốt quy trình, quy định trong công tác phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho chính mình, làm tốt nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát người, phương tiện qua lại đúng theo chỉ đạo của tỉnh trong từng giai đoạn.

Không chỉ có tôi, tất cả anh em ở chốt đều đã, đang gác những công việc riêng, gia đình riêng của mình, để tập trung cho công việc chung, cho “gia đình” chung của chúng ta là tỉnh Quảng Ninh thân yêu. Mong sao tỉnh Quảng Ninh luôn là “vùng xanh”, đất nước ta sớm vượt qua đại dịch, anh chị em làm nhiệm vụ ở tất cả các chốt đều đảm bảo sức khỏe thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Trung úy Phạm Xuân Hưng, Công an TX Đông Triều.

Trung úy Phạm Xuân Hưng, Công an TX Đông Triều: Từ tháng 5/2021 đến nay, tôi cùng nhiều cô, chú, anh, chị em đã làm nhiệm vụ ở Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cầu Triều. Nỗi nhớ nhà đôi khi vẫn len lỏi trong tâm trí. Rồi có cả những lo lắng, bất an khi không được gặp người thân, không được chăm sóc bố mẹ.

Hằng ngày trong những phút rảnh rỗi, tôi lại điện thoại về hỏi thăm tình hình sức khỏe mọi người trong gia đình, rồi cũng tranh thủ thông tin tình hình bản thân cho gia đình đỡ lo lắng. Cũng từ tình cảm với người thân, tôi càng thấy nhiệm vụ của mình ý nghĩa hơn và tự nhủ phải nỗ lực hơn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, để góp sức nhỏ bé chống dịch; dù khó khăn, vất vả cũng không từ nan.

Là một chiến sĩ Công an Nhân dân, trách nhiệm là phụng sự Đảng và Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tôi sẽ cùng đồng chí, đồng đội của mình sẽ tiếp tục cống hiến hết sức mình vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân, của quê hương, đất nước.


Chỉ đạo sản xuất: Hồng Nhung

Thực hiện: Minh Hà

Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang


Đêm trắng ở chốt cầu Bạch Đằng
Những đôi mắt quầng thâm, trũng sâu vì thiếu ngủ, những giọng nói khản đặc dưới lớp khẩu trang kia đã rất mệt mỏi...  
   
“Thành trì” ở cửa ngõ phía Tây
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trọng yếu nơi cửa ngõ phía Tây Quảng Ninh, những lực lượng làm nhiệm vụ nơi đây đã xây dựng một “thành trì” vững chắc.   
   
Ở lưng đèo Hạ My
Chốt liên ngành kiểm soát dịch Covid-19 trên Quốc lộ 279 nằm giữa đèo Hạ My - con đèo nối tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.   
   
Kề vai sát cánh, kiên cường bám trụ nơi bìa rừng
Những người trực chốt coi nhau là một gia đình, cùng ăn, cùng ở để cùng nỗ lực hết mình cho nhiệm vụ.   
   
Những người gác cửa biển
Các anh em tại Chốt kiểm soát này, hiểu rõ giá trị của “vùng xanh an toàn”, luôn sẵn sàng, quyết tâm bảo vệ, giữ vững thành quả này đến cùng”.   
   
"Ngôi nhà container" trên Quốc lộ 4B
Dù rộng chưa đầy 15m2, nhưng đây lại là nơi sinh hoạt luân phiên của gần 50 cán bộ, chiến sĩ trực chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ Quảng Ninh nối với tỉnh Lạng Sơn.    
   
Sức dân nơi chốt cửa ngõ Đá Bạc
Tại chốt gác này, ngoài các lực lượng chức năng, có các tình nguyện làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân làm thủ tục khai báo y tế và kiêm luôn phục vụ hậu cần.