Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:23 (GMT +7)
Những người gác cho sự bình yên của Yên Tử
Chủ nhật, 16/10/2022 | 06:38:44 [GMT +7] A A
Yên Tử, khu di sản có lịch sử cả ngàn năm còn hiện hữu tới ngày nay đã và đang trở thành một điểm đến du lịch văn hoá tâm linh đầy sức hút với du khách bốn phương. Góp phần bảo vệ, gìn giữ giá trị di sản cho hôm nay có những người đang ngày đêm lặng thầm gác vì sự bình yên của Yên Tử…
Một thời chưa xa…
So với chỉ khoảng 20 năm trước thôi thì cơ sở hạ tầng giao thông ở Yên Tử giờ đây đã khác xa. Đường mở rộng thênh thang, trải nhựa êm ru, xe chạy từ quốc lộ 18A chỉ chừng chục phút là tới chân núi đã thay thế cho những cung đường gập ghềnh qua chín suối năm nào.
Đường hành hương bộ trên núi xưa phần lớn chưa được kè bậc đá, nhiều đoạn thắt “cổ chai”, vào ngày mưa thì trơn trượt, giờ đều có bậc kè đá chắc chắn, mở rộng khá dễ đi, chưa kể việc đi cáp treo lên các điểm chùa cũng vô cùng thuận tiện. Trước đây, khách hành hương về Yên Tử mùa hội xuân cũng “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, còn mùa khác thì vắng lặng, khác với hiện nay khách tới từ xa hơn và không chỉ mùa xuân mà dập dìu du khách muôn nơi suốt 4 mùa trong năm…
So sánh, nhắc nhớ lại ký ức ấy để biết rằng, những cán bộ, nhân viên Ban Quản lý di tích - danh thắng Yên Tử, Ban Quản lý rừng đặc dụng Yên Tử (nay hợp nhất là Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử) đã bám trụ ở non thiêng cách đây 30 năm phải chịu những thiệt thòi, vất vả ra sao. Tôi còn nhớ quãng đầu những năm 2000, phải đi bộ, leo núi “bở hơi tai” đến thực tế các trạm bảo vệ di tích của đơn vị. Lúc bước vào cửa trạm tại An Kỳ Sinh bất ngờ gặp nhân viên nơi đây đang nhặt rau muống chuẩn bị bữa cơm chiều, nhưng không phải nhặt lá, ngắt gốc lấy ngọn mà là lựa những gốc rau còn lại từ trưa xem có thể ăn lại hay không(?).
Anh Đào Hữu Hậu, Trưởng Phòng Quản lý và bảo vệ rừng (Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử), bảo: Xưa có khi cả tháng anh em mới xuống núi, ra ngoài trung tâm Uông Bí một lần, có gì cũng phải đợi mấy việc rồi tiện đi làm một thể. Khi ấy xe cộ thì hiếm, thô sơ, đường sá thì gập ghềnh, đi lại khó khăn, không bù cho bây giờ cần cái là có thể đi ngay rồi về ngay, vừa nhanh vừa tiện…
Khó khăn bộn bề
Không chỉ là điều kiện sống như vậy, cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ đối với họ một thời gian dài cũng có nhiều hạn chế, nhất là lực lượng bảo vệ rừng nơi đây.
Anh Phạm Văn Dược, nguyên Phó Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cũng là người gắn bó gần 20 năm với công tác bảo vệ rừng Yên Tử, kể: Đội bảo vệ rừng chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 10/1996 với trên 10 nhân viên. Khi ấy, cơ sở vật chất thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, môi trường sinh hoạt ăn ở không đảm bảo, đặc biệt nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của anh em được lấy trực tiếp từ khe suối chảy ra không qua xử lý rất độc hại, tiềm tàng nguy cơ bệnh tật. Mà thực tế thì anh em ở trạm là chủ yếu, lúc mới thành lập hầu như không được nghỉ, sau này thì một tháng cũng chỉ được về nhà với gia đình nhiều nhất là 4 ngày, tới gần đây thì mới nâng lên 8 ngày…
Sinh hoạt như vậy nhưng công việc khi ấy nặng nề, nguy hiểm, ngày đêm phải đối mặt với lâm tặc, với các đối tượng xâm hại rừng, với rắn, rết, vắt và nhiều nguy hiểm khác trong quá trình đi rừng…
Nằm xen giữa bạt ngàn rừng xanh Yên Tử, các di tích nơi đây cũng mặc nhiên trải qua những thăng trầm của lịch sử, từ chiến tranh, sự lãng quên trong công tác bảo tồn do điều kiện kinh tế khó khăn. Cùng với sự tàn phá của thiên tai, địch họa, sự xâm hại của con người, nhiều điểm di tích nơi đây từng bị xuống cấp nghiêm trọng và trở thành phế tích.
Theo báo cáo của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều ngôi chùa như Vân Tiêu, Bảo Sái, Cầm Thực chỉ còn trơ nền móng. Các chùa Một Mái, Hoa Yên, Long Động (chùa Lân), Bí Thượng, Suối Tắm chỉ là những ngôi nhà cấp bốn, móng nền lún sụt, tường nhiều chỗ nứt vỡ. Tường lăng quanh Tháp Tổ nhiều chỗ nứt, sạt lún. Nhiều ngôi tháp đổ xiêu vẹo. Những gốc tùng cổ mục ruỗng bởi thời gian, có cây bị gió bão làm cho gãy gục…
Nỗ lực không mỏi...
Đối mặt với bộn bề khó khăn, thiếu thốn khi ấy, những người gác Yên Tử đã nỗ lực không mệt mỏi để tháo gỡ dần, giải quyết tốt các phần việc với khối lượng công việc rất lớn so với biên chế lúc bấy giờ. Cho đến nay, theo đánh giá của đơn vị trong 30 năm qua, họ đã nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ hơn 800 hiện vật có giá trị, gắn liền với tiến trình lịch sử và sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm và Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành 12 đợt nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, phát hiện nhiều di vật, giúp “giải mã” nhiều vấn đề về lịch sử, văn hoá quan trọng. Cùng với đó tham mưu tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của khu di tích.
Để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đơn vị cũng đã thi công hàng trăm hạng mục công trình xây dựng, tôn tạo các di tích tại Yên Tử; đồng thời nâng cấp, mở rộng đường hành hương trên núi. Phối hợp xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp để tuyên truyền, quảng bá về Yên Tử; tổ chức nhiều hoạt động văn hoá - tín ngưỡng - tôn giáo đặc sắc, quy củ, thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo nhân dân và du khách.
Đồng thời phối hợp thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT, ATGT, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, quản lý các hoạt động dịch vụ. Qua đó giữ gìn không gian linh thiêng, môi trường văn hóa, văn minh tại khu di tích để có thể đón tiếp an toàn, chu đáo gần 20 triệu lượt du khách thập phương trong 30 năm qua.
Từ thực trạng rừng Yên Tử bị xâm hại rất phức tạp khi trước, các giải pháp hiệu quả đã được các lực lượng, trong đó có những người làm công tác bảo vệ rừng và di tích nơi đây làm nòng cốt, triển khai hiệu quả, như: Di dời các hộ dân sống, canh tác trong rừng ra ngoài, vận động, tuyên truyền, xử lý các trường hợp vi phạm, tạo sinh kế mới cho người dân, ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng…
Họ cũng chính là những người khuyến khích người dân địa phương tham gia, gắn trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng cư dân trong việc quản lý, bảo vệ di tích, bảo vệ rừng để tạo nên hiệu quả bền vững, lâu dài. Qua đó đã góp phần giữ được màu xanh và sự nguyên vẹn của hệ sinh thái rừng quốc gia Yên Tử với gần 2.800ha được bảo vệ nghiêm ngặt thời gian qua.
Những bước chân thầm lặng
Sự hiện diện của họ đôi khi lại rất lặng thầm, đó là trong công tác cứu hộ, cứu nạn trong khu di tích. Yên Tử là vùng rừng núi rộng lớn, có nhiều vách đá dốc và cả vực sâu nguy hiểm, mặc dù đã có những cảnh báo, lắp đặt rào chắn nhưng không ít du khách vì chủ quan hoặc vô tình mà gặp nạn, rơi xuống vách đá.
Tôi còn nhớ vụ việc từ cách đây tầm chục năm, một thanh niên đã rơi xuống vách núi và bị thương. Từ thông tin báo mất liên lạc với khách của chủ nhà trọ nơi thanh niên nghỉ trọ qua đêm tại khu vực bến xe Giải Oan, các cán bộ, nhân viên nơi đây đã luồn lách tìm kiếm trong rừng và đưa được du khách này xuống núi an toàn. Gần đây nhất, bà Nguyễn Thị Bích Liên ở Hà Nội, sau khi rơi xuống vực sâu 7 ngày, cũng đã được nhân viên của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử phát hiện, tiến hành cứu hộ thành công…
Cùng với sự lan tỏa các giá trị di sản, sức hút của Yên Tử với du khách bốn phương, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cũng như đời sống của lực lượng bảo vệ di tích và rừng nơi đây từ vô số khó khăn ban đầu nay cũng đã được cải thiện nhiều hơn. Các trạm bảo vệ được đầu tư xây dựng khang trang, khép kín, đường sá được cứng hoá, đi lại dễ dàng. Các công trình đầu tư cho rừng quốc gia giúp ngăn chặn triệt để việc xâm hại rừng…
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho hay, từ năm 2016, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, đơn vị khai thác các dịch vụ tại Yên Tử, đã thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Đây là nguồn thu chủ yếu và được để lại chi trả cho nhân công của lực lượng bảo vệ rừng theo mức lương cơ bản tối thiểu vùng. Đơn vị hiện cũng đang được trích lại 40% nguồn thu phí tham quan Yên Tử hàng năm. Khi có dịch Covid-19 thì những nguồn thu này bị ảnh hưởng không nhỏ, giờ đây dịch đã được kiểm soát tốt, nếu mức thu này vẫn duy trì sẽ đảm bảo ổn định nhiệm vụ chi thường xuyên và các hoạt động chuyên môn của đơn vị…
Vậy là, những điều kiện chưa phải đã cao, đã tương xứng. Có thể, họ vẫn còn bao nỗi băn khoăn, trăn trở giữa đời thường nhưng tôi tin rằng, màu áo xanh của những người gác Yên Tử sẽ vẫn ngày đêm lặng lẽ hoà vào bạt ngàn xanh của rừng, của mỗi mái chùa trầm mặc nơi đây như một phần không thể thiếu, không thể lãng quên…
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()