Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:08 (GMT +7)
Những ngôi nhà cổ ở Trà Cổ
Chủ nhật, 21/03/2021 | 08:54:21 [GMT +7] A A
Theo con đường mưa bụi bay, chúng tôi đến thăm những ngôi nhà cổ nhuốm màu thời gian ở phường Trà Cổ (TP Móng Cái). Bên ấm trà nóng, nghe kể về truyền thống gìn giữ nền nếp gia phong đã trải qua hàng trăm năm, đắm mình trong không gian hoài cổ cùng những ký ức xa xăm của những ngày quá vãng, trong lòng mỗi chúng tôi không khỏi dâng lên chút tiếc nuối về một thời hoàng kim đã xa của vùng đất này.
Một miền văn hoá...
Trà Cổ chỉ là một trong 17 đơn vị xã, phường của Móng Cái, nhưng bán đảo này lại là nơi cất giấu những ký ức thiêng liêng và hào hùng của các thế hệ người Việt trên vùng biên viễn từ ngàn năm trước. Từ nhiều thế kỷ qua, nơi đây đã là chốn danh thắng thu hút khách phương xa khi sở hữu bãi biển dài 17km, một trong những bãi biển dài nhất Việt Nam. Chạy dọc theo bờ cát trắng mịn màng và làn nước trong xanh là hàng thùy dương lao xao trong gió. Quanh bãi biển Trà Cổ có nhiều kiến trúc cổ xinh đẹp như đền, đình Trà Cổ, chùa Xuân Lan, những nếp nhà cổ nép mình trong ồn ào phố thị. Và những công trình cổ kính ấy là minh chứng cho một giai đoạn phồn hoa, nhưng cũng nhiều thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử.
Một ngôi nhà cổ nằm bình yên trong lòng phố thị Trà Cổ. |
Những người Trà Cổ gốc Đồ Sơn chính là những cư dân người Việt đầu tiên đến khai phá miền đất địa đầu phía Đông Bắc của Việt Nam ngày nay, nơi có mũi Sa Vĩ là điểm đầu tiên trên hình chữ S của địa hình nước Việt. Khi đến đây lập nghiệp, những người gốc Đồ Sơn (Hải Phòng) đã mang theo nhiều nét văn hóa của quê hương mình. Họ được xem là một trong những cộng đồng dân cư người Việt mang bản sắc văn hóa Việt Nam đậm nét nhất trên vùng đất Quảng Ninh, đặc biệt là ở vùng đất nơi địa đầu biên giới như Móng Cái vốn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ văn hóa Trung Quốc qua hàng ngàn năm. Những đặc trưng văn hóa ấy là sự tổng hòa của nền văn hóa người Kinh từ hàng ngàn năm, phảng phất sự giao thoa của thời kỳ Pháp thuộc cùng với sự đổi mới và tiếp thu những đặc trưng văn hóa của thời kỳ mới từ nếp sinh hoạt, lề lối xã hội hay đặc trưng kiến trúc.
Cho đến nay, tại Trà Cổ vẫn còn khoảng hơn 10 căn nhà được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX, hầu hết đều thuộc khu Nam Thọ. Dù chưa được xếp hạng di tích song đây vẫn là những di sản văn hoá quý giá. Ý thức được giá trị của chúng, nhiều gia đình có điều kiện xây mới nhưng họ vẫn nâng niu, gìn giữ ngôi nhà cổ của tổ tiên để lại.
Trong chuyến công tác nơi vùng đất địa đầu Tổ quốc, tôi tìm về những căn nhà xưa cũ ấy. Đồng hành với tôi là ông Đoàn Như Vĩnh, nhà ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, nguyên là Chánh thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ. Hiện ông Vĩnh là Trưởng ban Pháp chế HĐND phường Trà Cổ, đồng thời cũng là một người có niềm đam mê tìm hiểu về những mốc son lịch sử của vùng đất này.
Giấy rách giữ lấy lề
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là căn nhà của bà Nguyễn Thị Mai. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1916 nằm nép mình giữa một vườn hoa trái. Dấu vết thời gian in hằn trên từng nếp mái ngói âm dương, từng cột trụ và những hoa văn, những thềm cửa đã hơn 100 năm tuổi. Ngôi nhà có hàng mái tam sơn cùng 2 trụ biểu, nét kiến trúc đặc trưng của hệ thống đền chùa truyền thống thời bấy giờ. Trên mỗi bệ cửa đều có những bức phù điêu đắp nổi. Ngôi nhà từng thuộc sở hữu của ông Trần Văn Dần (hay tên khác là Cựu Dần) - một thương nhân giàu có khoảng đầu những năm 20 của thế kỷ trước.
Căn nhà cổ của bà Nguyễn Thị Mai nằm giữa một vườn hoa lá. |
Bà Mai - người hiện nay sinh sống trong căn nhà này là cháu dâu của cụ Dần. Hơn nửa đời người sống trong căn nhà cổ, bà Mai vẫn gìn giữ nguyên vẹn những nét kiến trúc và cấu kiện cổ của căn nhà. “Đã có thời gian tôi suy nghĩ về việc đập đi rồi xây lại căn nhà mới vì nhà cũng cũ rồi nhưng nhìn từng bệ cửa, từng viên gạch, từng mái ngói lại không nỡ. Giờ phải tôn nền lên, sửa sang những chỗ mối mọt thì mới an tâm. 100 năm tuổi rồi, căn nhà là nơi hương hỏa của gia đình sao tôi nỡ bán đi” - bà Mai tâm sự khi dẫn chúng tôi đi tham quan căn nhà. Những nét hoa văn đã phủ rêu xanh rì, nhưng ẩn sâu trong đó có lẽ vẫn là những câu chuyện dài của lịch sử.
Rời nhà bà Mai, ông Vĩnh tiếp tục đưa tôi đến thăm từ đường của gia đình ông Nguyễn Văn Điển - căn nhà theo kiểu “hiên tây máng thượng” đặc trưng của những năm 20 thế kỷ trước. Ngôi nhà được xây dựng năm 1923 bởi cụ Nguyễn Hữu Lợi, Chánh tổng Trà Cổ khi ấy. Sinh thời, cụ Lợi có nhiều công lao với làng xã, được triều đình nhà Nguyễn ban phẩm "Hàn lâm đại chiếu". Kiến trúc, bài trí trong ngôi nhà vẫn được ông Điển sắp xếp như từ thời ban đầu. Nổi bật nhất là 2 bức đại tự, 1 bức ghi “Minh đức di hương” được làm từ năm 1921 sơn son thếp vàng với những nét chạm khắc tỉ mỉ. Bức còn lại ghi “Quốc sủng gia khánh” do một người bạn tên là Phú Mỹ hiệu là Trang Hạ ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông, Hà Nội) tặng cụ Lợi năm 1926. Đây có thể coi là những kỷ vật quý giá nhất cùng những kiến trúc của căn nhà này.
Tấm đại tự với dòng chữ "Quốc sủng gia khánh" được lập vào năm 1926. |
Được xây dựng vào thời Pháp thuộc, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, căn nhà dù vẫn mang kiến trúc Việt điển hình song đã được pha trộn những nét kiến trúc Pháp như những vòng hiên cong, thềm nhà để ngồi hóng mát. Nếu như bên trong ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Việt, thì bên ngoài lại mang hơi hướng phương Tây với thềm nhà được thiết kế theo mô tuýp Roman, đặc trưng với các đầu cột và hoa văn chạm nổi.
Chúng tôi tiếp tục đến với căn nhà được xây năm 1926, hiện là nơi thờ tự của gia đình ông Nguyễn Bỉnh Cơ. Mang đầy đủ đặc trưng của kiến trúc Pháp điển hình, căn nhà được xây với bậc tam cấp dẫn lên sảnh, hàng hiên rộng rãi với những mái vòm cong lợp ngói kiên cố. Những đặc điểm kiến trúc này vừa thừa hưởng văn hóa Pháp, vừa có khả năng thích nghi với các yếu tố điều kiện thời tiết và văn hóa bản địa. Bên trong căn nhà vẫn giữ nguyên những thiết kế từ xa xưa với lò sưởi, những hoa văn uốn lượn trên những mảng tường. Hệ thống cửa sổ, cửa chính được làm từ gỗ lim trong kính ngoài chớp, qua nhiều tháng năm vẫn im lìm chắc chắn, như những người canh gác cần mẫn chứng kiến những mưa nắng của đất trời.
Sự hấp dẫn, tính uyển chuyển, vẻ đẹp thẩm mĩ cao là những mĩ từ dành riêng cho công trình này. Căn nhà đồng thời cũng là minh chứng cho lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam, là thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại. Ông Cơ bồi hồi chia sẻ: “Tôi chỉ mong di nguyện khi xưa của ông nội tôi - người đã xây ngôi nhà này, sẽ được trọn vẹn. Đó là 50 năm sau hay bao lâu đi nữa nó vẫn đẹp, vẫn kiên cố, vẫn là nơi lưu giữ gia phong”.
Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Bỉnh Cơ được xây dựng từ năm 1926 mang nét kiến trúc Việt - Pháp. |
Cùng với những căn nhà của nhà bà Mai, nhà ông Điển, ông Cơ, nằm rải rác trong khu Nam Thọ vẫn còn những căn nhà cổ nằm xen kẽ với kiến trúc bản địa trên những cung đường rộng lớn với hàng cây xanh, hay nép mình trong những góc phố yên tĩnh. Cổ kính và trầm lắng, các kiến trúc cổ vẫn tồn tại vững chãi như một nét son của lịch sử, một khoảng lặng giữa lòng đô thị phồn hoa. Trà Cổ ngày nay đã trở thành vùng du lịch hấp dẫn với những điểm đến văn hóa, du lịch nổi tiếng. Song trên bước đường chuyển mình, những giá trị xưa cũ vẫn cần được gìn giữ và bảo tồn. Trong điều kiện còn nhiều hạn chế về chính sách quản lý, thiếu kỹ thuật và đặc biệt chưa thể huy động được những nguồn lực từ phía cộng đồng, rất khó để bảo tồn từng công trình riêng lẻ. Dấu ấn của kiến trúc và văn hóa cổ trong việc tạo lập bản sắc đô thị miền biên viễn là rất rõ ràng và có nhiều giá trị trong việc phát triển không gian đô thị về cả văn hóa, du lịch và kinh tế.
Những căn nhà cổ nằm xen kẽ với kiến trúc bản địa ở Trà Cổ. |
“Để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của những công trình cổ, không chỉ tập trung vào việc giữ gìn tính nguyên vẹn của những công trình kiến trúc, mà còn phải quan tâm giải quyết nhu cầu sống của người dân. Từ đó, mới có thể giữ gìn và phát huy những giá trị sinh hoạt văn hóa cộng đồng góp phần làm nên bản sắc của vùng đất Trà Cổ. Do đó việc nghiên cứu, đánh giá các giá trị của các công trình này nhằm gìn giữ bảo tồn và phát huy những đặc điểm kiến trúc, cảnh quan lâu đời trong phát triển bền vững, hướng đến một đô thị tôn trọng quá khứ, sống nhân văn và phát triển là rất cần thiết trong thời đại ngày nay.”- ông Nghiêm Trọng Luân, Phó Chủ tịch UBND phường Trà Cổ, khẳng định.
Mai Linh
Liên kết website
Ý kiến ()