Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:34 (GMT +7)
Những nghị quyết đưa Quảng Ninh cất cánh
Thứ 3, 18/05/2021 | 08:11:56 [GMT +7] A A
Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt 10,7%, GRDP bình quân đầu người đạt trên 6.700 USD; 4 năm liên tiếp giữ ngôi vị quán quân PCI... Những con số trên là kết quả từ sự đổi mới về tư duy hoạch định chính sách khoa học với tầm nhìn dài hạn, chú trọng đánh giá tác động đến đối tượng thụ hưởng, giải quyết có hiệu quả những vấn đề còn hạn chế của tỉnh thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh.
Nền tảng từ quy hoạch
Trong hành trình phát triển của mình, Quảng Ninh luôn xác định công tác quy hoạch luôn đi trước một bước. Thực hiện Chiến lược phát triển đất nước 10 năm (bổ sung, phát triển năm 2011), trong bối cảnh các quy định của pháp luật về công tác quy hoạch chưa rõ ràng, tỉnh đã quyết định thuê tư vấn nước ngoài thực hiện, đồng thời lập 7 quy hoạch chiến lược bằng nguồn vốn xã hội hóa. Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến và biểu quyết thông qua bằng nghị quyết của HĐND tỉnh.
Trên cơ sở đó, năm 2014, tỉnh đã công bố 7 quy hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030: Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch môi trường tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Quảng Ninh; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài năm 2050.
Các quy hoạch lần đầu tiên được các đơn vị tư vấn nước ngoài như Tập đoàn McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản) tư vấn xây dựng. Các quy hoạch bám sát không gian phát triển của tỉnh là “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”, đảm bảo tính liên kết để phát huy thế mạnh của từng địa phương, nêu bật thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Phát huy vai trò quyết định những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền, các quy hoạch đã được các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, tham gia có chất lượng, ban hành nghị quyết tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Với vai trò của mình, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quan trọng từ việc tạo cơ chế, xây dựng cho đến ban hành để có được 7 bản quy hoạch chiến lược vô cùng giá trị trong giai đoạn phát triển 5 năm (2015-2020), làm nền tảng cho những giai đoạn sau.
Gần 10 năm qua, 7 quy hoạch chiến lược đã thực sự là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển. Đồng thời, tổ chức không gian đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với vùng và tỉnh nhằm khai thác tối đa lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Cùng với 7 quy hoạch chiến lược, HĐND tỉnh đã nghiên cứu, xem xét, thông qua nhiều quy hoạch, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển ngành và địa phương, như: Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Đây là "sợi chỉ đỏ" tiếp tục được thể hiện trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo các phương án phát triển tối ưu, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, với mục tiêu phát triển bền vững dài hạn trên cả 3 trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường. Quy hoạch sẽ không chỉ tiếp tục tạo những bước đột phá trong quá trình phát triển, mà còn nhân lên niềm tin với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhất là nhân dân, bởi nhân dân sẽ tiếp tục giám sát việc xây dựng, triển khai, thực hiện các kế hoạch phát triển trên cơ sở quy hoạch được lập.
Của dân, do dân, vì dân
Phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng chính quyền thực sự “của dân, do dân, vì dân”, HĐND tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương của Tỉnh ủy về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Nhất là trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh khóa XIII đã ban hành nhiều nghị quyết xây dựng chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; được cán bộ, đảng viên và cử tri, nhân dân đồng tỉnh ủng hộ; tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của Quảng Ninh trong những năm tiếp theo.
Nghị quyết mang tính lịch sử quyết định đến sự phát triển của tỉnh cũng như mỗi địa phương đó là Nghị quyết số 208/NQ-HĐND ngày 26/10/20219 về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2021, trong đó có việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Cùng với đó, xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ các cấp trực thuộc đảm bảo phù hợp với đơn vị hành chính mới; hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến cử tri và thông qua HĐND các cấp… Cử tri, đại biểu HĐND các cấp hai địa phương đều đồng thuận, nhất trí, bỏ phiếu tán thành sáp nhập đạt tỷ lệ cao, qua đó thể hiện sự đúng đắn của chủ trương cũng như sự đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh.
Bà Lê Thị Nguyệt Minh (khu phố 1, phường Tuần Châu,TP Hạ Long) chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi, đồng tình với việc huyện Hoành Bồ sáp nhập với TP Hạ Long. Việc sáp nhập này đã tạo ra một vùng động lực mới, không gian phát triển mới, đảm bảo lợi ích của người dân của hai địa phương. Đồng thời, hình thành một đô thị có sự đa dạng độc đáo “có một, không hai” về cảnh quan, địa hình, du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021, 100% các đại biểu biểu quyết thống nhất thông qua nghị quyết sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển là dấu mốc mang tính lịch sử, liên quan chặt chẽ đến sự ổn định và phát triển của tỉnh cũng như của hai địa phương.
"Việc nhập toàn bộ địa giới hành chính của Hoành Bồ vào Hạ Long là kết quả của cả quá trình chuẩn bị trong nhiều năm qua, là giải pháp đột phá có ý nghĩa chiến lược; xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn khách quan, yêu cầu phát triển của tỉnh Quảng Ninh và của hai địa phương, phù hợp với các quy hoạch tổng thể, chiến lược của tỉnh, của vùng...", đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khoá XIII năm 2019.
Sự phát triển vượt bậc với những đổi thay mạnh mẽ của Quảng Ninh hôm nay không chỉ tại thành phố, đô thị..., mà còn lan tỏa tới khắp các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nâng cao đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) là nhiệm vụ mà Quảng Ninh chung tay thực hiện thông qua Chương trình 135 và những chương trình giảm nghèo khác.
Tuy nhiên, việc bố trí vốn đầu tư để đưa các xã, thôn thoát khỏi diện ĐBKK vẫn còn dàn trải khiến các vùng khó không có được sức bật mạnh mẽ. Năm 2005, Quảng Ninh có 27 xã thuộc diện ĐBKK, sau 10 năm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào khu vực này, đến năm 2015 tỉnh vẫn còn 22 xã và 11 thôn diện ĐBKK.
Với quyết tâm đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện ĐBKK, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII, đã thông qua Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 với 100% phiếu tán thành. Trong đó, bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực với tổng kinh phí 1.544 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế... cho các thôn xã diện ĐBKK.
Tại kỳ họp này, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Trong khi ngân sách trung ương còn hạn hẹp, tỉnh sẽ chủ động dồn lực để thực hiện mục tiêu này, tuy nhiên, đây là một việc khó, cần có quyết tâm chính trị từ tỉnh đến các thôn, bản. Do đó, các cấp ủy, chính quyền cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đặt quyết tâm cao nhất”.
Từ đó, công tác giảm nghèo đã có những chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn ở khu vực ĐBKK ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đến hết năm 2019, Quảng Ninh không còn xã, thôn nằm trong diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135, về đích trước 1 năm so với lộ trình đề ra.
Ông Trần Văn Dồn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Pạt (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) cho biết: Nếu không có nguồn lực đầu tư lớn của tỉnh, không biết đến khi nào người dân thôn Ngàn Pạt mới có được con đường như bây giờ.
Trước đây, nông sản sản xuất ra khó tiêu thụ, học sinh mưa lũ phải nghỉ học, bà con ốm đau phải khiêng cả nửa ngày mới đến trạm y tế. Con đường chính là động lực để người dân thôn tập trung sản xuất, vươn lên xóa nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nhờ đó, cả thôn nay đều sáng ánh điện, những ngôi nhà cao tầng đang đua nhau mọc lên.
Những kết quả đạt được lần nữa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của HĐND tỉnh - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Việc ban hành các nghị quyết với tư duy hoạch định khoa học, sát với tình hình thực tiễn, trên cơ sở kế thừa tư tuy của nhiệm kỳ trước đã làm căn cứ pháp lý cho các cấp, các ngành, địa phương nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai đồng bộ các giải pháp, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều thành quả quan trọng. Đồng thời, tạo nền tảng quan trọng cho giai đoạn tiếp theo với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()