Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:48 (GMT +7)
Những ngày tác nghiệp trong đại dịch Covid-19
Thứ 4, 10/01/2024 | 07:59:33 [GMT +7] A A
Chống dịch Covid-19 là cuộc chiến "vô tiền, khoáng hậu". Trong cuộc chiến đó, đội ngũ những người làm báo của Trung tâm Truyền thông tỉnh không ngại khó, ngại khổ, có mặt trên tuyến đầu, bám sát diễn biến của dịch bệnh, thông tin kịp thời, nhanh chóng, chính xác tới mọi người dân. Với mỗi phóng viên, biên tập viên, quay phim của trung tâm, chắc chắn đó là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời làm báo của mình.
Xông pha vào "điểm nóng"
Dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào những ngày trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 với một vài ca mắc rồi đến những ca mắc bệnh đầu tiên tại Quảng Ninh. Đó là thời điểm bắt đầu một cuộc chiến mà ít ai hình dung được sức tàn phá của nó. Khi đó, những thông tin về Covid-19 vẫn là dấu hỏi chấm rất lớn với các nhà khoa học, chuyên gia và y, bác sĩ. Để cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về dịch Covid-19, nhằm vừa chủ động phòng chống, vừa tránh gây hoang mang cho người dân, các phóng viên, biên tập viên, quay phim của Trung tâm Truyền thông tỉnh luôn sẵn sàng xông pha vào “điểm nóng”.
Theo dõi lĩnh vực y tế, phóng viên Nguyễn Trang (Phòng Thời sự, Trung tâm Truyền thông tỉnh) có mặt ở hầu hết các điểm nóng khi dịch Covid-19 xuất hiện. Phóng viên Nguyễn Trang chia sẻ: Mặc dù đã có 10 năm làm báo, nhưng những ngày tháng cùng đồng nghiệp chống dịch Covid-19 với tôi không bao giờ quên. Đó là những ngày cơ quan là nhà, bệnh viện là chiến trường. Do thường xuyên có mặt tại “điểm nóng” như bệnh viện, khu cách ly, địa phương bùng phát dịch... nên tôi và các đồng nghiệp luôn thấp thỏm lo âu. Lo lắng là thế, nhưng khi lãnh đạo cơ quan và phòng có chỉ đạo, chúng tôi lập tức lên đường. Bởi hơn bao giờ hết, chúng tôi đều ý thức rằng những thông tin được mình thực hiện, đăng tải trên các hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh có ý nghĩa như thế nào trong cuộc chiến này.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 không chỉ mang lại cho chúng tôi những kỷ niệm không thể nào quên, mà còn là bài học từ thực tiễn đòi hỏi linh hoạt trong cách tác nghiệp. Nhiều cuộc phỏng vấn, phóng viên phải đứng từ xa vài mét. Nhiều nhân vật chỉ có thể tiếp cận thông tin thông qua những cuộc điện thoại tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi. Nhiều khách mời đã xuất hiện một cách khác biệt bằng cách trả lời qua video call, hoặc họ tự quay clip. Ấn tượng hơn cả, trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi thấy các lực lượng y tế, quân đội, công an và cán bộ thôn, khu phố không chỉ có “tinh thần thép”, mà còn sẵn sàng đánh đổi sự an toàn, sức khỏe và gia đình để ngăn chặn dịch bệnh. Bởi vậy, trước đại cuộc đó, những người làm nghề như chúng tôi không có lý do gì để đứng ngoài cuộc.
Đối với phóng viên Minh Đức (Phòng Thời sự, Trung tâm Truyền thông tỉnh), kỷ niệm của những ngày chống dịch Covid-19 là những “đêm trắng” cùng đồng nghiệp. Những đêm trắng đó không chỉ chuyển tải mạch thông tin nhanh chóng, liên tục, chính xác toàn cảnh về dịch Covid-19, mà còn khắc họa rõ nét sự hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu.
Phóng viên Minh Đức chia sẻ: Khi dịch Covid-19 bùng phát, chốt kiểm soát trạm thu phí cầu Bạch Đằng được thiết lập. Chốt cầu Bạch Đằng là cửa ngõ quan trọng nhất của Quảng Ninh, bởi nơi đây mỗi ngày có hàng nghìn người, phương tiện ra, vào tỉnh. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, nhân viên của các lực lượng công an, quân sự, giao thông, y tế, thanh niên tình nguyện trực chốt luôn phải làm việc với áp lực rất lớn. Họ đã có nhiều ngày làm việc dưới cái nắng bỏng rát, dưới những cơn mưa xối xả và cả những đêm dài không ngủ để bảo vệ địa bàn an toàn. Tôi đã gặp họ trong những chuyến tác nghiệp, biết công việc của lực lượng trực tại chốt rất vất vả, căng thẳng và áp lực, cũng biết những đôi mắt quầng thâm, trũng sâu vì thiếu ngủ, những giọng nói khản đặc dưới lớp khẩu trang kia đã rất mệt mỏi khi lịch phân công trực, làm việc của họ dày đặc và liên tục do cuộc chiến chống giặc Covid-19 vẫn còn dài…
Chứng kiến toàn bộ để ghi lại, khắc họa và thể hiện tác phẩm "Đêm trắng ở cầu Bạch Đằng", tác phẩm ghi trọn vẹn 1 đêm trắng tại chốt để cho độc giả thấy được công việc vất vả, căng thẳng và áp lực của hơn 30 cán bộ, chiến sỹ, tình nguyện viên đang đứng đằng sau sự an toàn của người dân. Để từ đó, mỗi đọc giả thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những hy sinh thầm lặng của họ.
Thay đổi phương thức phù hợp với thực tế
Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã dành thời lượng lớn để thông tin về đại dịch này. Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phát huy vai trò là cơ quan báo chí truyền thông chính thống của tỉnh, chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ, vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chổng dịch Covid-19.
Tất cả mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch, khuyến cáo, diễn biến tình hình dịch bệnh... đều được trung tâm tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ trên tất cả các hạ tầng, góp phần quan trọng trong việc định hướng dư luận, giúp người dân có cái nhìn chính xác, không hoang mang, chủ quan, thờ ơ trước tình hình dịch bệnh; đồng thời, nhân lên niềm tin của nhân dân về hoạt động phòng, chống dịch của cấp uỷ, chính quyền.
Cùng với đó, trung tâm cũng tích cực tuyên truyền việc đảm bảo an toàn cho học sinh; các trường học triển khai phương án dạy học trực tuyến cho học sinh đang cách ly, tăng tỷ lệ tầm soát Covid-19 trong học sinh, giáo viên; các địa phương quyết tâm hoàn thành tiêm chủng cho trẻ em trước năm học mới; đảm bảo các điều kiện và tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; phản ánh việc điều trị, đảm bảo mọi F0 đều được chăm sóc y tế đầy đủ; lộ trình mở cửa trở lại có kiểm soát hoạt động du lịch, dịch vụ, lễ hội đảm bảo an toàn, hiệu quả…
Trong đó, năm 2022, trung tâm đã xuất bản ấn phẩm báo Quảng Ninh xuân Nhâm Dần 2022 có chủ đề “Kỷ luật và đồng tâm - Văn hoá người Quảng Ninh” với 80 trang được chia làm 4 phần. Đáng chú ý, phần 2 có chủ đề “Văn hoá người Quảng Ninh trong đại dịch” với các tác phẩm tuyên truyền về chặng đường phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, đặc biệt là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trước cơn bão biến thể của virus với quyết tâm “Chúng ta nhất định sẽ thắng” để nhân dân có được một “Hạnh phúc ở vùng xanh”.
Đặc biệt, đầu năm 2022 là thời điểm số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh tăng đột biến do chuyển các biện pháp giãn cách, phong tỏa sang giai đoạn áp dụng biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Trong đó, không ít cán bộ, phóng viên, nhân viên của trung tâm đã mắc Covid-19. Thực tế này đòi hỏi phải thay đổi phương thức tổ chức sản xuất phù hợp với thực tế. Việc áp dụng công nghệ thông tin được tận dụng tối đa.
Nhà báo Phạm Hải, Phó Trưởng phòng Chuyên đề (Trung tâm Truyền thông tỉnh), cho biết: Phòng Chuyên đề thực hiện nhiệm vụ tổ chức sản xuất gần 40 chuyên đề hằng tháng. Sau khi chuyển sang giai đoạn mới, nhiều lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, quay phim đã mắc Covid-19, nên phải thực hiện cách ly tại nhà. Thời điểm đó, chúng tôi đã áp dụng linh hoạt cách thức tổ chức sản xuất. Đồng thời, thực hiện duyệt tác phẩm qua zalo, google drive, họp giao ban qua phần mềm zoom, trao đổi công việc qua zalo. Nhờ đó, các chuyên đề vẫn được duy trì đảm bảo thông tin kịp thời tới người dân.
Đại dịch qua đi để lại cho mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, quay phim và nhân viên Trung tâm Truyền thông tỉnh những thước phim không thể nào quên. Những thực tiễn trong cuộc chiến chống dịch sẽ là bài học kinh nghiệm để không ngừng nâng cao công tác thông tin tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu của phát triển, góp phần quan trọng vào kinh tế - xã hội địa phương.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()