Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:37 (GMT +7)
Những ngày "sống chậm" ở 244
Thứ 2, 26/07/2021 | 08:41:48 [GMT +7] A A
Vào khu cách ly tập trung phòng, chống Covid-19 là một trải nghiệm chắc không ai muốn, nhưng nhiều người đã, đang có những ngày như thế. Mỗi người trong số họ, ai cũng có suy nghĩ, có cảm nhận của riêng mình về hành trình đặc biệt ấy. Song, với những người thực hiện cách ly ở Trung đoàn 244 (Bộ CHQS tỉnh), họ đều có một tâm tư chung khi nhắc về khu cách ly, nơi họ xem như “ngôi nhà lớn” - nơi mọi người đã cùng nhau chung sức, đồng lòng để phòng, chống giặc Covid-19.
Chuyến hồi hương đặc biệt
Đúng 16h ngày 1/7, chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia VietnamAirline mang số hiệu VN5417Y đáp xuống Sân bay quốc tế Vân Đồn, đưa hàng trăm người từ Hàn Quốc trở về quê hương. Trong số đó có chị Nguyễn Thị Vân (quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) - người trở về thăm quê sau hơn 13 năm sinh sống ở xứ người.
Trong thâm tâm người phụ nữ ấy, có lẽ chưa từng nghĩ hay tưởng tượng được ngày về sau ngần ấy năm xa cách lại đặc biệt đến vậy. Không có những cái vẫy tay, những bó hoa tươi thắm chào đón, cũng không có cả những cái ôm, giọt nước mắt trong vòng tay người thân, gia đình. Thay vào đó là cảnh hàng trăm người mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang kín mít giống như chị, loay hoay thực hiện một loạt quy trình, thủ tục cần thiết trước khi rời sân bay, khởi hành đến khu cách ly đã được ấn định.
Dù hôm gặp chúng tôi, chị Vân đã có hơn 20 ngày sống tại khu cách ly tập trung của Trung đoàn 244. Nhưng cảm xúc ngày trở về ấy vẫn nguyên vẹn. Theo lời chị Vân kể, chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất núi Hồng, sông La nghèo khó. Học xong cấp 3, chị Vân thoát ly đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và lập gia đình ở xứ người. Kể từ ngày đi đã hơn 13 năm, nhưng chị chưa từng một lần về thăm quê, thăm gia đình. Nỗi nhớ mong quê nhà, người thân cũng vì thế luôn nặng trĩu trong lòng người con xa xứ.
Chị Vân kể: “Vợ chồng tôi đã lên kế hoạch sắp xếp công việc, tiền bạc để về Việt Nam trong một vài năm tới. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc và ngày càng diễn biến phức tạp, chúng tôi quyết định sẽ trở về sớm hơn. Tuy nhiên, cũng phải mất nhiều tháng chờ đợi do hoãn lịch bay, chúng tôi mới được lên máy bay trở về nhà. Sau khi xuống sân bay cũng không được gặp người thân, gia đình ngay, mà phải vào khu cách ly tập trung trong thời hạn 21 ngày”.
Để chuẩn bị cho hành trình đặc biệt này, chị Vân đã tìm hiểu khá kỹ các quy trình, quy định nghiêm ngặt sẽ phải thực hiện khi về Việt Nam. Việc phải vào khu cách ly tập trung là điều khiến chị Vân hoang mang, lo lắng hơn cả. “Trên mạng, mọi người chia sẻ khá nhiều những trải nghiệm trong khu cách ly, như: Nóng nực, đồ ăn không ngon... Tôi ở Hàn Quốc lâu năm nên nghe vậy thì cũng khá hoảng, không biết mình có chịu đựng nổi hay không?” - Chị Vân bộc bạch.
Ấy vậy, nhưng khi đặt chân đến Trung đoàn 244, cuộc sống nơi này lại khác xa với những gì chị Vân mường tượng. Đặc biệt, chỉ sau thời gian ngắn ở nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, những bất an, lo lắng trước đó đã hoàn toàn biến mất…
Nhật ký cách ly
Chuyến bay VN4317Y là chuyến bay thực sự đặc biệt không chỉ với những người trở về quê hương, mà còn đặc biệt ngay cả với lực lượng phục vụ cách ly tại Trung đoàn 244. Bởi trong số 142 người trên chuyến bay về cách ly tại doanh trại, có 24 trẻ em, cháu nhỏ nhất mới chỉ 8 tháng tuổi. Tuy đơn vị đã tiếp nhận rất nhiều đoàn đến thực hiện cách ly, nhưng duy chỉ có đoàn công dân này là nhiều trẻ em đến vậy.
Thiếu tá Bùi Minh Khoa, Chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn 244, là người trực tiếp phụ trách công tác phục vụ cách ly tập trung của đơn vị ngay từ những ngày đầu thành lập khu cách ly. Dù có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ này, song anh vẫn thẳng thắn: “Khi nhận được thông tin đón đoàn, chúng tôi khá bất ngờ và có phần nào lo lắng vì đoàn có nhiều trẻ em và còn rất nhỏ. Chúng tôi xác định ngay, xác định rõ nhiệm vụ cách ly lần này sẽ khó khăn hơn, cần sự cố gắng và tập trung cao nhất, hỗ trợ tối đa cho các công dân, đặc biệt là các cháu nhỏ”.
Gạt đi những bộn bề thường nhật, ngay từ khi đoàn công dân của chuyến bay về đến Trung đoàn, Thiếu tá Khoa đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng phối hợp triển khai những quy định, thủ tục một cách nhanh chóng. Tạo điều kiện cho các "công dân nhí" có thời gian nghỉ ngơi, tránh mệt mỏi quá lâu. Sau khi kiểm tra sơ bộ sức khỏe, đoàn được chia làm 2 tốp ở tại 2 khu nhà tách biệt dành riêng cho nam, nữ. Mỗi phòng có 3-4 người với đầy đủ điều kiện sinh hoạt, tiện ích cần thiết, kể cả wifi. Đặc biệt, số điện thoại nhân viên phục vụ sẽ hỗ trợ công dân 24/24h trong trường hợp cần thiết cũng được niêm yết cẩn thận.
Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng này đã khiến chị Vân và hầu hết công dân cách ly tập trung tại đây giải tỏa được những bất an, lo lắng, yên tâm trải nghiệm những ngày họ xem như là “sống chậm”... Chị Vân cho biết: “Khi xuống sân bay, tôi cảm thấy thời tiết khá oi nóng vì đây là thời điểm miền Bắc nắng nóng nhất trong năm. Thế nhưng ở đây rất mát mẻ. Bữa ăn có đủ các món nóng sốt và rất hợp khẩu vị”.
Bà Hoàng Thị Bích (quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - người ở cùng phòng với chị Vân cũng chia sẻ: “Cháu tôi còn nhỏ nên phải ăn cháo. Tôi cứ nghĩ trong khu cách ly không chuẩn bị được, thế mà vào đây có đầy đủ hết. Các anh nuôi còn thay đổi đa dạng các loại cháo, nên cháu ăn uống bình thường như ở nhà. Đặc biệt, nếu thiếu hay cần mua gì, mọi người ở đây đều giúp chúng tôi rất nhiệt tình”.
Cách ly... không cách lòng
Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại nhiều nước trên thế giới và có những ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam cũng là lúc các khu cách ly đón công dân Việt Nam du học và lao động, làm việc tại những khu vực có dịch về nước được thiết lập. Khu cách ly tập trung tại Trung đoàn 244 (Bộ CHQS tỉnh) là một trong số những cơ sở được ra đời cùng thời điểm. Từ đó đến nay, khu cách ly này đã tiếp nhận trên 3.600 lượt người; trong đó đã thực hiện hết thời gian cách ly là 3.495 người, còn đang cách ly 126 người.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, Trung đoàn đã tổ chức quán triệt cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ với những nội dung, biện pháp cụ thể; thành lập Ban tổ chức phòng chống dịch và Tổ đảm bảo vệ sinh phòng chống dịch. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng nhanh chóng được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo tốt mọi điều kiện phục vụ công dân cách ly. Mọi hoạt động đều hướng đến mục tiêu cao nhất là để khu cách ly trở thành “ngôi nhà lớn” - nơi mọi người cùng nhau chung sức, đồng lòng phòng, chống giặc Covid-19.
Theo Thượng tá Phạm Văn Nam, Chính ủy Trung đoàn 244, nhiều công dân khi mới đến khu cách ly rất hoang mang, lo lắng. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay, lo lắng đó là có cơ sở. Hiểu được tâm tư của người dân, Trung đoàn đã xác định rõ quan điểm cách ly nhưng không cách lòng. Trong quá trình thực hiện cách ly tập trung tại đơn vị, công dân sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về phòng chống dịch. Song cũng thường xuyên được cán bộ, chiến sĩ, nhân viên quan tâm sâu sát, hỗ trợ kịp thời, nhất là trong những trường hợp đặc biệt.
“Nhiều công dân khi mới vào đây chưa thực sự chấp hành, chia sẻ với điều kiện của đơn vị, còn đòi hỏi về cơ sở vật chất, cũng như điều kiện sinh hoạt cao hơn, còn gọi điện nhờ chuyển đồ ăn từ ngoài vào… Chúng tôi đã cử cán bộ vận động, tuyên truyền có tình, có lý để công dân hiểu, từ đó chấp hành nghiêm túc trong thời gian cách ly. Cũng có trường hợp cha, mẹ mất, đơn vị linh động lập ban thờ ở phòng kế bên để công dân có cơ hội được bái vọng thân sinh. Hay như những trường hợp khó khăn về kinh tế cũng được đơn vị quyên góp cán bộ, chiến sĩ, nhân viên với mức 100.000 đồng/người nhằm hỗ trợ chi trả kinh phí cách ly và tiền xe trở về quê hương” - Thượng tá Nam cho biết.
Chính những hành động ân cần, ấm áp đó của các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Trung đoàn 244 đã chạm đến trái tim của những người thực hiện cách ly tập trung tại đây. Tình cảm của các quân nhân đã khiến họ có những cái nhìn khác về khu cách ly tập trung, về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, về tình quân dân. Như lời lưu bút của công dân Phan Hoài Nam (cách ly tại phòng 106): “Thật cảm động khi trời lạnh, các chú bộ đội đã đến từng phòng hỏi han xem bà con có đủ ấm không để bổ sung thêm chăn ấm. Chỉ những cử chỉ ân cần như vậy đã xua tan cái lạnh thấu xương của mùa đông giá rét”.
Hay như lời nhắn nhủ của công dân Vũ Minh Dũng (phòng 30): “…Đây là một kỷ niệm mà chúng tôi lần đầu được trải qua và có lẽ sẽ theo chúng tôi trong các chặng đường của cuộc sống. Một trải nghiệm, một kỷ niệm để chúng tôi có thể hiểu rõ hơn về hình ảnh của những người chiến sĩ, Bộ đội Cụ Hồ, sự gắn kết giữa quân và dân, sự gắn kết giữa tất cả mọi người, tất cả dân tộc…”.
Hơn tất cả, trong khó khăn vất vả, những dòng tâm sự trong lưu bút của các công dân chắc chắn sẽ là sự động viên, khích lệ tinh thần cho các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Trung đoàn 244. Sự động viên ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()