Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:36 (GMT +7)
Những ngày ở Mỏ - Tập hồi ký của những chiến sĩ cách mạng tiền bối
Thứ 6, 20/01/2023 | 11:25:36 [GMT +7] A A
Những ngày này, quê hương Quảng Ninh náo nức chuẩn bị đón Tết Quý Mão 2023, chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 (1930-2023). Trong không khí mùa xuân của Đất Trời và mùa xuân của Đảng, tôi lại mở, đọc tập hồi ký “Những ngày ở Mỏ”.
Tập hồi ký “Những ngày ở Mỏ” do 3 tác giả: Thi Sảnh (Nguyễn Thanh Sỹ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin Quảng Ninh), Nguyễn Ngọc Chánh (Nhà báo), Tống Khắc Hài (Nhà nghiên cứu) ghi. Tập hồi ký do Ty Văn hóa Quảng Ninh xuất bản lần thứ 1 năm 1970, lần thứ 2 năm 1982. Tập hồi ký ghi lại sinh động, trung thực hoạt động của các chiến sĩ cách mạng ở Vùng mỏ từ năm 1916-1938, gồm các chiến sĩ cách mạng tiền bối Nguyễn Công Hòa, Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai, Nguyễn Văn Nhớn, Đinh Tiến Toán, Phạm Văn Cẩn, Nguyễn Văn Hoan, Minh Lãng, Nguyễn Văn Luyện, Đào Duy Kỳ.
Bồi hồi đọc từng trang hồi ký, bởi tất cả 10 chiến sĩ cách mạng tiền bối cùng 3 tác giả ghi chép đã về Thế giới khác từ lâu! Thế nhưng, hôm nay đọc từng trang hồi ký vẫn thấy hiển hiện cuộc đấu tranh hừng hực, sống động, bất khuất của tổ chức Đảng Cộng sản và thợ mỏ với bọn chủ mỏ, bọn tay sai của thực dân Pháp.
* Hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Nhớn “Chúng tôi vào Công hội Đỏ” (Nguyễn Ngọc Chánh ghi), có các kỷ niệm trong hoạt động cách mạng:
- “Năm 1916, tôi lên 7 tuổi. Tình cảnh ở thôn quê (Nam Định) không thể cứu sống người nghèo. Thần chết luôn luôn bám chặt mẹ con tôi thì thình lình bố tôi (từ Vùng mỏ) lại về. Bố tôi về, bố tôi im lặng dắt ba mẹ con tôi đến từ giã ông bà và đùm bọc nhau ra Mỏ”.
- “Tôi nhớ hôm kết nạp tôi (vào Công hội Đỏ), cả bốn chúng tôi đều giơ tay tuyên thệ là tuyệt đối trung thành với người nghèo, với tổ chức, nếu nhỡ bị địch bắt thì thà chết chứ không khai ra ai”.
- “Bọn lính đưa anh Lân (thành viên Công hội Đỏ ở Vùng mỏ) và chở đi mất tích. Sau này, lúc chúng tôi bị bắt đưa về Hỏa Lò Hà Nội có gặp các anh Trường Chinh, Ba Ngọ, Trịnh Đình Thảo... Hỏi về tin tức anh Lân thì các anh bảo rằng không thấy chúng đưa anh Lân về đây”.
* Hồi ký của đồng chí Đặng Châu Tuệ “Hạt giống Đỏ” (Thi Sảnh ghi) về hoạt động cách mạng ở Khu mỏ những năm 1928-1931:
- “Để mở rộng công tác tuyên truyền và giác ngộ thợ mỏ, (cuối năm 1928) chúng tôi quyết định ra tờ báo địa phương, lấy tên là tờ báo Than (Báo Than là tờ báo Đảng địa phương đầu tiên ở Việt Nam). Người viết bài là tôi, anh Đào tức Chu, anh Thái tức Thương. Phụ trách in là chị Vũ Thị Mai và anh Chu. “Trụ sở tòa báo” đặt tại ngõ nhỏ ở phố cũ (Cẩm Phả). Nội dung tờ báo phản ánh những cảnh áp bức, bất công diễn ra hàng ngày và kêu gọi thợ đoàn kết đấu tranh”.
- “Giữa mùa đông giá rét ấy (năm 1929) một tin làm cho anh em chúng tôi rất náo nức là Chi bộ thanh niên Mạo Khê sẽ được chuyển thành Cộng sản”.
- “Chi bộ Thanh niên (Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Khu mỏ Mạo khê) có năm đảng viên. Anh Phùng (đồng chí Nguyễn Văn Cừ) giới thiệu vắn tắt lý lịch của từng đảng viên và nhận xét từng người một. Anh Cảnh (đồng chí Nguyễn Đức Cảnh) thay mặt Thành ủy Hải Phòng công nhận Chi bộ thanh niên Mạo Khê từ đó (ngày 23/2/1930, sau 20 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng) chính thức trở thành Chi bộ cộng sản... Là đảng viên cộng sản tôi cảm thấy mình khác hẳn đi, bâng khuâng và xúc động lạ thường”.
* Hồi ký “Những ngày ở Mỏ” (Thi Sảnh ghi) về những hoạt động cách mạng của đồng chí Vũ Thị Mai
- “Trước khi ra mỏ, tôi được giác ngộ và hoạt động ở Hải Phòng. Một hôm, vào giữa năm 1928, anh Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư Thành ủy Hải Phòng lúc bấy giờ gặp tôi và hỏi:
- Chị có thể đi xa được không?
Hồi đó, tôi là một nữ sinh vừa mới lớn lên chưa đầy mười bẩy tuổi, chưa hề đi đâu xa khỏi Hải Phòng... Cầm chiếc vé tàu tôi mới hay rằng chuyến đi xa lần này là ra mỏ”.
- “Nhiệm vụ chính của tôi thời gian đầu là in báo Than và làm liên lạc giữa Hải Phòng và Cẩm Phả... Cứ mỗi lần trước hoặc sau mỗi đợt in báo Than là tôi lại phải về Hải Phòng, đến ngõ Cầu Đất gặp các đồng chí trong cơ quan liên lạc của Thành ủy Hải Phòng. Tôi nhận báo Búa Liềm, truyền đơn, chỉ thị, cả mực in và thạch các đồng chí cho để in báo Than. Để tránh con mắt theo dõi của mật thám, mỗi chuyến đi như vậy có lúc thì tôi “đóng vai” một người tiểu thương ra mỏ buôn bán, có lúc thì đóng vai một cô gái quê ra thăm bà con ở mỏ”...
Do khuôn khổ của bài báo có hạn nên tôi chỉ trích dẫn một số nội dung ngắn trong tập hồi ký. Tập hồi ký xuất bản lần thứ nhất đã hơn nửa thế kỷ. Hôm nay, đọc vẫn thấy hiện lên sự sống động cách đây một thế kỷ về cuộc sống của thợ mỏ, phong trào cách mạng ở Vùng mỏ, biết bao gian khổ, hy sinh của đồng chí, đồng bào, nhưng tuyệt đối tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết một lòng đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho đất nước.
Tập hồi ký dày 119 trang, khổ 13x19cm, là tài liệu quý giá của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, là di sản văn hóa phi vật thể rất cần tái bản nhiều lần để giáo dục các thế hệ đảng viên, thanh niên Quảng Ninh trong thời kỳ mới.
Lê Toán
Liên kết website
Ý kiến ()