Hầu hết thực phẩm đều có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến nên khi ăn nhà hàng, bạn nên cân nhắc trước khi quyết định gọi món.
Món trang trí trong đồ uống
Các đồ uống như cocktail ở nhà hàng thường được trang trí thêm miếng trái cây, chiếc lá để bắt mắt. Tuy nhiên, theo nhà vi trùng học Canada Jason Tetro, chúng rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Hầu hết các món dùng trang trí này chỉ được bảo quản ở nhiệt độ phòng, được nhiều người xử lý liên tục nên nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh gây ảnh hưởng đến tiêu hóa, đường hô hấp rất cao.
Giáo sư Keith Warriner, khoa Khoa học thực phẩm tại đại học Guleph, Canada, cho biết đã thực hiện một số nghiên cứu nhỏ về đồ trang trí và nhận thấy quả anh đào và ô liu có lượng vi khuẩn cao nhất.
Giá sống
Giá là loại thực phẩm phổ biến trong món salad và có chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe, nhưng nếu không được xử lý đúng cách, chúng là nơi hoàn hảo cho sự phát triển của vi khuẩn. "Nếu trong quá trình chuẩn bị đồ ăn có lây lan vi khuẩn thì chúng sẽ phát triển nhiều mầm bệnh", Tetro nói.
Ngoài ra, môi trường để trồng giá đỗ nóng ẩm, dễ nhiễm hai loại khuẩn phổ biến là Salmonella và E.coli. Nhiều cơ sở trồng giá đỗ cũng phun thuốc kích thích để thu hoạch nhanh, khiến thực phẩm dễ bị nhiễm hóa chất.
Nước ép
Sẽ không có vấn đề gì nếu bạn uống nước ép ở một quán giải khát. Tuy nhiên khi vào nhà hàng, bạn không nên chọn loại đồ uống này, vì rất khó xác định loại nước đó được chế biến từ khi nào.
Theo giáo sư Warriner, nước trái cây chỉ an toàn khi được chế biến từ những nguyên liệu tốt và được dùng trong vòng 24 giờ. Hơn nữa, nếu nước trái cây để ở nhiệt độ phòng hơn bốn giờ, chúng có thể là nơi sản sinh của vi khuẩn.
Buffet
Đây là bữa ăn tuyệt vời cho gia đình khi được thỏa sức lựa chọn món ăn với giá cố định. Các món buffet thường được phục vụ nhanh, nhưng vấn đề đáng lo ngại là việc chuẩn bị thực phẩm dễ lây nhiễm chéo.
Nếu vẫn muốn ăn buffet, phải đảm bảo món ăn được nấu chín.
Ăn cá vào ngày thứ 2
Đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain cho rằng không nên ăn cá vào thứ 2 vì các đầu bếp thường đặt hải sản vào thứ 5 để giao hàng vào thứ 6 với mục tiêu là bán trong thứ 6, thứ 7 và hy vọng những thực phẩm cuối cùng sẽ được phục vụ vào tối Chủ nhật.
Nhiều nơi không giao cá vào thứ 7, vì vậy món cá tối thứ 2 bạn ăn đã được đưa đến từ hôm thứ 6, nghĩa là khó thể tươi ngon như mong đợi.
Hơn nữa, nếu cá đến vào thứ 7 chăng nữa thì trong những cuối tuần bận rộn, tủ lạnh thường được mở liên tục để đầu bếp lấy nguyên liệu. Vì vậy, cá có thể tiếp xúc với nhiều loại thực phẩm khác như thịt bò, thịt gà và khó bảo quản ở nhiệt độ ổn định theo quy chuẩn để giữ được sự tươi ngon, an toàn.
Ý kiến ()