Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:54 (GMT +7)
Những lợi ích tuyệt vời của sữa chua
Thứ 3, 31/05/2022 | 14:12:31 [GMT +7] A A
Nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ sữa chua giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, bệnh đái tháo đường túyp 2 và có thể giúp giảm cân.
Sữa chua là một sản phẩm được chế biến từ sữa thông qua quá trình lên men lactose - một loại đường tự nhiên có trong sữa. Quá trình lên men này tạo ra acid lactic, chính là thành phần khiến protein trong sữa đông lại, tạo nên kết cấu đặc biệt và vị chua của sữa chua. Sữa chua được biết đến là một thức ăn thơm ngon, bổ dưỡng và ngày càng phổ biến hiện nay.
Trên thị trường có rất nhiều loại sữa chua, gồm những loại tách béo hay ít béo, sữa chua không đường hay ít đường, có đường. Một số sản phẩm còn được bổ sung thêm protein hoặc phối hợp các nguyên liệu khác như các loại hoa quả, nha đam, nếp cẩm… Bởi vậy thành phần dinh dưỡng trong sữa chua cũng thay đổi nhiều.
100g sữa chua có thể cung cấp 47-122 kcal, 3-6,5g protein, 0,2-3,8g chất béo. Sữa chua cũng là nguồn cung cấp canxi, vitamin D, magie, vitamin B12, B2, iod cho cơ thể. Ngoài ra sữa chua còn chứa nhiều loại lợi khuẩn có lợi cho sức khỏe đường ruột.
Sữa chua giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K, một nghiên cứu năm 2020 tiến hành theo dõi 32 năm trên hơn 80.000 phụ nữ cho thấy việc tiêu thụ hơn một khẩu phần sữa chua mỗi tuần giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng so với việc không sử dụng sữa chua. Việc tiêu thụ thường xuyên sữa chua kéo dài 16-20 năm giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.
Một nghiên cứu khác chỉ ra việc tiêu thụ sữa chua thường xuyên giúp làm giảm tỷ lệ HP (hyperplastic polyp) và AP (adenomatous polyp) là 2 loại polyp hay gặp ở đại trực tràng.
Sữa chua là một lựa chọn cho người không dung nạp lactose do thiếu men lactase. Biểu hiện là tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng sau khi sử dụng sữa. Tình trạng này khá thường gặp đặc biệt là ở những người lớn tuổi.
Thời kỳ nhũ nhi, cơ thể tổng hợp enzyme lactase để hấp thu lactose (loại đường có trong các loại sữa, trong đó có sữa mẹ). Tuy nhiên sau 2-3 tuổi, lactase thường bị giảm dần, dẫn đến kém dung nạp lactose. Trong sữa chua hàm lượng lactose đã giảm một phần do lên men.
Ngoài ra 2 loại vi khuẩn trong sữa chua là Streptococcus thermophilus và Lactobacillus delbrueckii subsp bulgarius sẽ tự tổng hợp lactase trong ruột non để sử dụng lactose, cũng giúp cơ thể chuyển hóa hấp thu lactose trong sữa chua. Từ đó giúp những người không dung nạp lactose có thể đưa sữa chua vào trong thực đơn. Nhưng cần chú ý trong chế biến sử dụng, tránh để chết các loại vi khuẩn có lợi trong đó.
Nhiều nghiên cứu dịch tễ và phân tích tổng hợp cho thấy ăn sữa chua giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường túyp 2. Mối liên hệ này rõ rệt hơn khi tiêu thụ trong thời gian dài. Một số cơ chế có thể là do các lợi khuẩn trong sữa chua giúp cải thiện mỡ máu và tình trạng chống oxy hóa, giảm lượng cholesterol.
Sữa chua cũng có thể giảm cân
Một số loại sữa chua có chứa các vi khuẩn sống hoặc men vi sinh đã được chứng minh làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, hạn chế tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh và làm giảm nguy cơ táo bón.
Việc sử dụng sữa chua thường xuyên giúp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nên sử dụng trung bình 100g sữa chua (tương ứng một hộp sữa chua) hàng ngày. Bảo quản sữa chua ở nhiệt độ lạnh để đảm chất lượng sữa chua tốt nhất.
Theo dantri.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()