Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:37 (GMT +7)
Những loại cây gia vị trồng tại nhà vừa đẹp, vừa có thể làm thuốc chữa bệnh
Thứ 7, 30/01/2021 | 12:16:37 [GMT +7] A A
Bạn biết không, nhiều loại cây gia vị được trồng tại nhà không những có hương vị rất đậm đà và thơm ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh nữa đấy!
Cây gia vị góp phần tăng vị ngon cho các món ăn hàng ngày. Không chỉ thế, một số loại còn có thêm nhiều công dụng khác như đuổi muỗi, chữa bệnh… Ảnh đồ họa: P.Công |
Mùi tàu
Mùi tàu còn gọi là ngò gai, ngò tàu, vị the, tính ấm, mùi thơm hắc, khử thấp nhiệt, thanh uế, mạnh tì vị, kích thích tiêu hoá...
Trong tự nhiên, mùi tàu là loại cây mọc hoang và thấy nhiều ở những cùng đồi núi. Cây có tuổi thọ vài năm, cao khoảng 50cm. Lá được mọc từ sát gốc và có phiến mỏng.
Không chỉ là một loại rau thơm được nhiều người yêu thích, mùi tàu (ngò gai) còn có rất nhiều tác dụng chữa bệnh. Rau mùi tàu có khá nhiều công dụng như giảm đau, chữa hôi miệng, trị đau bụng, tiêu chảy, rối loại tiêu hóa, trị cảm cúm...
Tía tô
Tía tô còn gọi là tử tô, xích tô, bạch tô. Toàn cây dùng làm thuốc chữa bệnh. Lá tía tô vị cay, tính ấm, làm ra mồ hôi, tiêu đờm. Quả tác dụng khử đờm, hen suyễn, tê thấp. Hạt chữa táo bón, mộng tinh...
Theo Đông y, tía tô có tính ấm, vị cay, đi vào 3 kinh phế, tâm, tỳ, không độc. Có tác dụng trị cảm mạo, hạt làm trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai. Tía tô là vị thuốc xếp vào loại làm cho tiết mồ hôi, thuộc các trường hợp bệnh do cảm lạnh, cần chữa bằng cách cho ra mồ hôi, khỏi sốt.
Rau mùi
Rau mùi còn được gọi là ngò ta, hương tuy, vị cay, tính ấm, không độc. Cây thuốc này giúp tiêu thức ăn, trị phong tà, thông đại tiểu tiện, trị các chứng đậu, sởi khó mọc, phá mụn độc.
Người bị kiết lị, dùng một vốc hạt mùi sao vàng, tán nhỏ. Khi dùng, lấy ra 7 đến 8g pha với nước, ngày uống 2 lần. Nếu lị ra máu thì uống với nước đường, lị đàm thì uống với nước gừng.
Người bị loét niêm mạc lưỡi, dùng rau mùi kết hợp với rau húng chanh. Tất cả ngâm với nước muối pha loãng rồi nhai kỹ, nuốt lấy nước từ từ.
Cây gừng
Gừng là cây được trồng hầu như mọi nơi ở nước ta. Ngoài làm gia vị trong chế biến thực phẩm, nó còn là vị thuốc đa công dụng trong Đông y. Tất cả bộ phận của cây gừng đều được dùng làm thuốc, củ gừng được sử dụng dưới dạng tươi và khô.
Gừng chống buồn nôn, đặc biệt rất hữu hiệu cho các bà bầu trong giai đoạn ốm nghén. Vị thuốc này còn giúp giảm đau và sưng ở những người bị viêm khớp, chống chứng đau nửa đầu nhờ cơ chế chẹn chất gây viêm prostaglandin.
Gừng còn hỗ trợ hoạt động của đường tiêu hóa, thúc đẩy dịch tiêu hóa và trung hòa axit cũng như làm giảm co thắt ruột. Lưu ý: Người bị bệnh về gan, dạ dày, trĩ... không nên dùng gừng.
Cây tỏi
Công dụng của tỏi thì rất nhiều người đã biết: Làm gia vị trong nhiều món ăn, bên cạnh đó tỏi còn là một cây thuốc quý. Phòng chống ung thư, bệnh tim mạch, tăng cường hệ đường huyết, miễn dịch. Bên cạnh đó, tỏi còn có công dụng xua đuổi côn trùng.
Tỏi là loài thực vật thuộc họ Hành và cũng sinh trưởng tốt trong môi trường nóng và ẩm, đây là cây rất hợp với thời tiết nước ta
Cây rau má
Rau má là loại dược thảo có tính hàn (lạnh), tân (cay), khổ (đắng) có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc… Uống nước rau má xay hoặc sinh tố rau má giúp đẹp da, thanh nhiệt cơ thể. Đây là công dụng thường thấy ở rau má được nhiều người biết đến.
Ngoài ra, nước sắc lá rau má có tác dụng hạ huyết áp, là thuốc bổ dưỡng để có sức khỏe tốt (tăng trí nhớ, thị lực). Thuốc đắp từ lá cũng được dùng để điều trị những chỗ đau, hạ sốt. Được dùng trong điều trị các chứng phù; viêm thanh quản, tĩnh mạch, phế quản; các bệnh trĩ, phong, eczema hay vẩy nến; giải ngộ độc sắn và lợi tiểu.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()