Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:44 (GMT +7)
Những lễ hội đầu xuân du khách không thể bỏ qua
Chủ nhật, 21/01/2024 | 16:10:00 [GMT +7] A A
Quảng Ninh được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá với hàng trăm di tích, danh thắng, hàng chục lễ hội làng, hội chùa, trong đó có những lễ hội đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, nhiều lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân, rất thuận lợi để du khách trẩy hội xuân, tham quan, vãn cảnh.
Mỗi dịp tết đến, xuân về, khi hương vị tết vẫn còn nồng đượm thì ở Quảng Ninh đã có nhiều lễ hội được khai mở. Đầu tiên là lễ hội Tiên công diễn ra chính hội vào ngày 7 tháng Giêng hằng năm ở vùng Hà Nam (TX Quảng Yên). Theo lệ xưa, vào ngày này, những cụ già thọ 70, 80, 90 thuộc các dòng họ tiên công có công khẩn hoang, lập nên vùng đảo Hà Nam trù phú như ngày nay được con cháu rước lên miếu Tiên Công ở xã Cẩm La để tế tạ ơn tổ tiên, trời đất. Vào những ngày này, con cháu xa gần tụ về sum họp, chúc mừng ông bà, cha mẹ. Bởi thế, lễ hội Tiên công còn gọi là lễ hội rước người, là sự thể hiện đạo hiếu với ông bà, cha mẹ, biết ơn tổ tiên, là nét đẹp văn hoá truyền nối hàng trăm năm nay. Vào ngày chính hội, bên cạnh miếu Tiên Công còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian như tổ tôm điếm, đánh đu, bịt mắt đập niêu, thi kéo co, hát đối… bởi thế, ngoài người dân địa phương, lễ hội còn thu hút nhiều du khách gần xa tới xem, vui chơi.
Sau lễ hội Tiên công 3 ngày, là dịp khai hội xuân Yên Tử (ngày 10 tháng Giêng). Đây là lễ hội có quy mô tổ chức, thời gian diễn ra lớn nhất trong các lễ hội ở Quảng Ninh. Trong tiết trời se lạnh, mưa xuân giăng bụi, du khách tìm về Yên Tử không chỉ đi lễ cầu may, mà còn là dịp vui xuân, vãn cảnh cùng người thân, bạn bè. Cũng bởi vậy, lượng khách trẻ đến với Yên Tử nói riêng, các di tích đình, chùa nói chung ngày một chiếm xu thế. Non thiêng Yên Tử gồm hệ thống chùa, tháp phân bố từ đầu Dốc Đỏ tới xã Thượng Yên Công lên tới chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử. Tất cả đều gắn bó mật thiết với cuộc đời, sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông và sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử được xem như kinh đô Phật giáo Việt Nam thời Trần. Quần thể này cùng với các chùa, tháp liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Hải Dương, Bắc Giang đang được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Giao thông đi lại thuận tiện, hệ thống cáp treo được vận hành, di tích được trùng tu, tôn tạo và nhất là các giá trị lịch sử, văn hoá của Yên Tử được làm sáng tỏ, quảng bá là những yếu tố để nơi đây ngày càng thu hút đông du khách. Thời điểm những tháng mùa xuân, mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách về Yên Tử.
Diễn ra sau hội xuân Yên Tử gần 1 tháng (tức 3 tháng 2 âm lịch) nhưng đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) thờ danh tướng Trần Quốc Tảng thường thu hút du khách ngay từ những ngày áp Tết. Lượng khách đổ về đền vào những ngày cuối tuần thường tới hàng ngàn người. Trong số đó, có rất nhiều du khách đến từ các tỉnh xa. Khách viếng thăm đền thường kết hợp thăm đền Cặp Tiên (xã Đông Xá) và thăm chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn). Giống như hội xuân Yên Tử, lễ hội đền Cửa Ông diễn ra vài tháng mùa xuân, thường thu hút hàng triệu lượt khách viếng thăm.
Đi xa hơn một chút, dịp đầu xuân, du khách có thể tới thăm huyện Bình Liêu, dự lễ hội đình Lục Nà ở xã Lục Hồn được tổ chức chính hội vào ngày 16 tháng Giêng hằng năm. Đình Lục Nà thờ thành hoàng là Hoàng Cần, tương truyền là người có công đánh giặc cứu nước, bảo vệ dân làng. Vào ngày lễ hội, các gia đình, dòng họ, đoàn thể trong xã Lục Hồn lại soạn mâm cỗ dâng cúng thành hoàng. Sau đó, thường tổ chức thụ lộc ngay tại sân đình. Du khách không kể xa lạ sẽ được mời cùng thưởng thức. Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động như lễ rước thần, thi đánh quay, kéo co, bóng chuyền, đi cà kheo… Lễ hội đình Lục Nà là một trong những lễ hội văn hoá tiêu biểu không chỉ của người Tày mà còn là của đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu.
Ngoài các lễ hội tiêu biểu trên, dịp đầu xuân, du khách có thể dự các lễ hội rước “ông Bồ” - tức rước lợn tế tổ ở làng Đồn Sơn, xã Yên Đức (TX Đông Triều) diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng. Theo các bậc cao niên trong thôn thì lợn - "ông Bồ" từ vật nuôi bình thường của người nông dân, ở một thời khắc nhất định đã được gắn liền với các nghi thức của một nghi lễ truyền thống và trở nên linh thiêng bởi các yếu tố tâm linh. Ngoài ra, còn có nhiều hội đình, hội làng khác được tổ chức. Mỗi lễ hội lại có màu sắc văn hoá và sự hấp dẫn riêng.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()