Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:40 (GMT +7)
Những khu chợ đêm rực rỡ nhất thế giới
Thứ 3, 17/05/2022 | 10:55:38 [GMT +7] A A
Chợ đêm là một sự kết hợp hoàn hảo giữa hương vị thơm ngon, màu sắc tươi sáng và âm thanh xôn xao - một ô cửa sổ hấp dẫn mở ra nền văn hóa và lịch sử của một vùng đất.
Những khu chợ bắt đầu ở Trung Quốc trong thời trung cổ đã nhanh chóng được truyền bá rộng rãi sang nhiều quốc gia khác như Thái Lan và Đài Loan, và đặc biệt phát triển rực rỡ sau Thế chiến thứ hai.
Vào những năm 80 và 90, các khu chợ dần trở nên thương mại hóa và ít còn giữ lại nét đặc sắc của những khu chợ ẩm thực đường phố truyền thống.
Ngày nay, các khu chợ đêm trên khắp châu Á – và cả những nơi khác trên thế giới – đều đã trở thành những trung tâm văn hóa đa dạng pha trộn giữa cái cũ và mới, quốc tế và địa phương, một hiện tượng văn hóa toàn cầu thực sự.
Trung Quốc
Trung Quốc, được cho là quê hương của những khu chợ đêm dưới triều đại nhà Đường. Thủ đô Bắc Kinh là nơi có những khu chợ đêm cực sầm uất và hào nhoáng như chợ đêm Nanluoguxiang, một con ngõ (được người dân địa phương gọi là Hutong) với các cửa hàng và nhà hàng hiện đại. Hoặc chợ đêm Shuang'an, nơi có tất cả mọi thứ mà bạn có thể cần.
Nét đặc sắc của các khu chợ đêm chính là ‘xiaochi’, hay còn được hiểu là ‘bữa ăn nhỏ’ trong tiếng Quan Thoại. Những bữa ăn nhẹ như súp hoặc bánh bao, cùng các món cơm, có nguồn gốc từ các món ăn truyền thống trong một bữa cơm Trung Quốc điển hình, và thường được phục vụ mang đi.
Thái Lan
Thái Lan được coi là một trong những khu chợ đêm ồn ào và náo nhiệt nhất thế giới. Patpong tại thủ đô Bangkok, một khu chợ đêm kiêm phố đèn đỏ khét tiếng, được lấy tên từ một gia đình người Hoa đầu tiên sinh sống ở khu vực này.
Vào những năm 60, Patpong đã phát triển mạnh mẽ với các quán bar và nhà hàng, một khu ‘R&R stop’ cho các sĩ quan quân đội Mỹ đóng quân trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Các khu chợ đêm của Thái Lan rất đa dạng phong cách, từ những con phố đi bộ truyền thống như ở Chiang Mai và Phuket, đến những dải đường hiện đại sầm uất như khu chợ Greenway ở Hat Yai hay Cicada ở Hua Hin.
Tuy nhiên, trung tâm của tất cả các khu chợ đêm sẽ luôn là ‘Chatuchak’, phiên chợ đêm cuối tuần ngoài trời lớn nhất thế giới ở thủ đô Bangkok. Mê cung này bán bất cứ thứ gì trên đời và mọi thứ mà một người có thể nghĩ đến, bao gồm đồ nội thất, vật nuôi, quần áo cũ và nhiều hơn thế nữa.
Malaysia
Ở Malaysia (cũng như Indonesia và Singapore), chợ đêm được gọi là ‘pasar malam’. Khi hoàng hôn buông xuống, những khu chợ nhỏ ngoài trời sẽ thường được lấp đầy với một loạt các gian hàng bán quần áo, những món ăn tự nấu và đồ trang trí, phục vụ chủ yếu cư dân tại các khu vực lân cận. ‘Pasar malam’ thường diễn ra vào cùng một thời điểm hàng tuần.
Đài Loan
Đài Loan có thể được coi là tâm điểm của văn hóa chợ đêm châu Á, với hơn 700 khu chợ đêm quy tụ trên cùng một hòn đảo nhỏ.
Chợ đêm ở Đài Loan thực sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là với những người lao động nước ngoài, nhờ tất cả các hoạt động kinh doanh sau chiến tranh. Các chợ đêm tại thủ đô Đài Bắc rất đa dạng và được xem là khá hoành tráng, như khu chợ Shilin nổi tiếng có từ năm 1899.
Indonesia
‘Pasar malam’ tại Indonesia thường xoay vòng qua nhiều cộng đồng khác nhau khắp mọi ngóc ngách, từ đường phố đến những cánh đồng trống hoặc quảng trường thành phố (được người dân địa phương gọi là alun-alun).
Nhiều chợ đêm truyền thống được tổ chức vào các ngày lễ của người Hồi giáo, như lễ hội Sekaten hàng năm kỷ niệm sinh nhật của nhà tiên tri Muhammad. Tại các thành phố của Java như Yogyakarta và Surakarta, các khu chợ đêm sẽ kéo dài một tuần, có các cuộc diễu hành cùng các trò chơi trong công viên giải trí, cùng với tất cả các loại đồ ngọt và đồ ăn nhẹ địa phương.
Singapore
Những khu chợ đêm tại Singapore thường trông giống như nhiều gánh bán hàng rong gộp lại, và đôi khi được mô tả là một ‘phòng ăn cộng đồng’ tập hợp tất cả mọi người lại với nhau.
Tương phản với những siêu đô thị lấp lánh của thành phố, những khu ăn uống tại chợ đêm, trong số đó nổi tiếng nhất là Trung tâm ẩm thực đường phố Adam và Amoy, lại gắn liền với hình ảnh những chiếc bát nhựa, cuộn khăn giấy và những chiếc ghế đẩu ngoằn ngoèo phục vụ mì Hokkien và laksa.
Bên cạnh ẩm thực, các quầy hàng rong thường cũng sẽ bán đồ cũ như quần áo, đồ lưu niệm và đồ điện tử, chủ yếu là tại các khu vực như Khu Phố Tàu, Khu Tiểu Ấn và Khu Phố Ả Rập.
Ấn Độ
Những khu chợ đêm với lịch sử hàng thế kỷ của Ấn Độ là một trong những địa điểm sầm uất nhất với những cơ thể quay cuồng, tiếng nhạc pop Hindi bùng nổ, dầu nóng bay từ các chậu karahi và cách những người bán hàng tìm kiếm sự chú ý của người mua bằng mọi cách có thể.
Sự đa dạng về văn hóa, dân tộc và ngôn ngữ đáng kinh ngạc của Ấn Độ đồng nghĩa rằng đặc điểm của mỗi khu chợ đêm có thể khác nhau tùy thuộc vào khu vực, nhưng quần áo, phụ kiện, gia vị và rất nhiều món ăn nhẹ địa phương thường sẽ là những món hàng tiêu chuẩn.
Ở thủ đô New Delhi, Mangal Bazaar và Buddh Bazar Mandawali là những khu chợ đêm nhộn nhịp điển hình giữa những con phố nhỏ, với vô số các loại vải dày dặn và thực phẩm tươi ngon, cùng những cửa hàng nhỏ hẹp ẩn chứa những kho báu bất ngờ. Trong khi đó, khu chợ Khan lại cao cấp hơn và sẽ là nơi bạn có thể tìm thấy những món quà và đồ lưu niệm lâu đời.
Việt Nam
Các khu chợ đêm của Việt Nam luôn nổi tiếng với những sắc màu rực rỡ, dẫn đường đến các lều có mái che phục vụ đồ ăn nhẹ.
Nhiều chợ đêm Việt Nam được hình thành như những con phố đi bộ, thường dọc theo những con đường cạnh bãi biển hoặc trong những khu phố lịch sử của thành phố. Trong số đó, nổi tiếng nhất chính là chợ đêm ở khu phố cổ Hà Nội, bên cạnh đó là chợ đêm Nha Trang, Hạ Long, Hội An và Phú Quốc.
Hàn Quốc
Chợ đêm ở Hàn Quốc thường nằm trong những con hẻm nhỏ hoặc trải ngoài trời dọc theo các vỉa hè lớn.
Chợ đêm là một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc của thành phố Seoul không bao giờ ngủ, cũng như chợ quần áo nổi tiếng Dongdaemun. Mở cửa vào năm 1905, khu chợ này sau đó đã bị phá hủy trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên và được xây dựng trở lại thành một tòa nhà công nghiệp nhiều tầng giống như một trung tâm mua sắm dành cho hầu hết những người mua buôn.
Dongdaemun, cùng với nhiều chợ đêm của Seoul như Namdaemun, thường mở cửa vào khoảng giờ ăn tối và đóng cửa cùng lúc như nhiều câu lạc bộ đêm - vào khoảng 5 giờ sáng.
Theo Đại Đoàn Kết
Liên kết website
Ý kiến ()