Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:48 (GMT +7)
Những hồi ức không bao giờ quên
Thứ 3, 25/07/2023 | 13:26:03 [GMT +7] A A
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của một thời bom đạn vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính đã từng vào sinh ra tử. Những thanh niên trẻ năm ấy với tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược đã sẵn sàng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc.
Nhớ lại ngày đầu nhập ngũ, CCB Đào Hồng Ngọc (trú tại tổ 8, khu 5, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) chia sẻ, ngày 10/7/1967 ông Ngọc khi ấy mới 18 tuổi làm đơn xung phong lên đường nhập ngũ và được điều vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Trong suốt hành trình vượt dãy Trường Sơn, ông Ngọc cùng các đồng đội phải đi bộ 6 tháng, vượt qua rất nhiều gian khổ. Vào tới Sài Gòn, tình hình chiến sự khi đó hết sức căng thẳng, Mỹ đổ quân dồn giữ Sài Gòn, buộc quân ta phải về miền Đông Nam Bộ củng cố, bổ sung lực lượng.
“Khó khăn nhất của ta là thiếu vũ khí, thiếu lương thực. Trên rừng chỉ có muối, còn lại thì bắt được con gì, ăn đó. Anh em từ miền Bắc vào nhiều người ốm đau do không hợp thời tiết” - ông Ngọc bảo.
Trận đánh đầu tiên của ông Ngọc và các đồng đội là tại Chi khu Bến Sỏi, Tây Ninh (sát sông Vàm Cỏ Tây). Với sự dũng cảm, mưu trí, kiên cường, Đại đội 1 của ông đã tiêu diệt được 3 đại đội ngụy quân.
“Chi khu Bến Sỏi là trường huấn luyện tân binh của địch, trong đó có khoảng 5 đại đội ngụy quân, với hệ thống phòng thủ kiên cố là đồn, lô cốt, xung quanh được rào 5 hàng dây thép gai. Phía trước là các trảng rộng (bãi trống), là nơi địch đổ quân. Trung đoàn 3 chúng tôi khi đó tập trung quân đánh chi khu này, cùng với các quân đoàn khác tiến đánh tại các chiến trường, nhằm phục vụ cho việc ký kết Hiệp định Pari. Đại đội 1 được giao làm mồi nhử để dụ địch ra đánh. Hôm đó là ngày 10/3/1969, đại đội tôi trước đó đã nghiên cứu địa hình, đặt mìn tại cửa phụ, khi địch đổ quân ra đây, bên ta chiếm ưu thế bất ngờ, cho nổ mìn tiêu diệt 1 đại đội địch. Sau khi bị tiêu diệt 1 đại đội, địch gọi máy bay đến ném bom, pháo binh hủy diệt toàn bộ khu vực dân xung quanh. Mặc dù diệt được 1 đại đội địch, nhưng quân mình cũng hy sinh rất nhiều” - ông Ngọc kể.
Sau yếu tố bất ngờ, quân địch đã có sự phòng bị, lần này 1 đại đội địch đi cửa chính ra, tập trung tại ngôi nhà 3 tầng phía trước. Thời điểm đó khoảng 1h chiều cùng ngày (cách trận đầu 4 tiếng), mặc dù đã bị thương, nhưng ông Ngọc vẫn cố nâng khẩu B41 hướng về ngôi nhà 3 tầng bóp cò. Sau tiếng súng của ông, xạ thủ Lưu cách đó khoảng 30m cũng nổ súng về phía ngôi nhà. Ngôi nhà đổ sập và chôn vùi luôn đại đội địch. Đại đội 1 có hơn 100 người cũng chỉ còn 9 tay súng.
Sau 2 trận chiến, địch quyết định mở lối phụ đưa 1 đại đội ra trảng phía trước. Ông Ngọc và các đồng đội khi ấy còn vũ khí gì thì dùng vũ khí đó. Cầm cự khoảng 1 tiếng đồng hồ, quân địch không thể tiến lên được. Sau đó, Trung đoàn đã cử 4 người tiếp viện và cấp thêm 1 súng trường. Khi xạ thủ của ta bắn hạ lính của địch trên tháp canh, đại đội địch không còn “tai mắt”, không thể tiến lên thêm nữa nên buộc phải quay lại đường vào. Lợi dụng tình hình, bộ đội ta tập trung truy kích.
Quân địch bị tiêu diệt 3 đại đội, nhưng ta cũng thiệt hại rất nhiều. Đại đội 1 có hơn 100 người, cuối cùng còn lại 7 tay súng. Sau trận chiến hôm đó, ông Ngọc bị thương nặng ở lưng, ngực, được đưa đi điều trị, rồi tiếp tục cùng đồng đội bổ sung vào các quân đoàn, tham gia nhiều trận đánh khác.
Hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu, CCB Đàm Quang Dược (thôn Núi Thành, xã Tiền An, TX Quảng Yên), thương binh hạng nặng 1/4 như trở lại những giây phút vào sinh ra tử cùng đồng đội. Nhập ngũ tháng 2/1968, ông Dược được biện chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 52, hoạt động ở vùng “đất lửa” Quảng Trị.
Đến tháng 10/1970, Trung đoàn 52 vào miền Tây Nam Bộ, sáp nhập vào Trung đoàn 46. Ông Dược và các đồng đội đã trải qua nhiều trận đánh khốc liệt, cam go. Mỗi một trận đánh, mỗi một bước đi đều gần với lằn ranh sinh - tử. Năm 1972, trong một lần đánh tập kích gần sân bay Pô-chen-tông (Campuchia) chống ngụy tràn, ông Dược bị thương gãy 2 đốt sống cổ, phải nằm liệt 6 tháng. Sau đó, được đoàn chuyên gia bác sỹ của Đức phẫu thuật lấy được mảnh đạn, qua thời gian trị liệu, cơ thể ông cũng dần hồi phục, nhưng tay và chân phải bị liệt hoàn toàn, không thể điều trị được nữa.
Cũng giống như ông Ngọc, ông Dược, trong cuộc chiến chống quân xâm lược giành độc lập dân tộc, hàng vạn thanh niên Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung nhập ngũ chi viện cho các chiến trường, chiến đấu kiên cường, lập công xuất sắc. Có những người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường; có những người may mắn trở về, nhưng lại phải chịu đựng nỗi đau do chất độc da cam, thân thể không còn lành lặn... Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) đang đến gần, xin chân thành cảm ơn những anh hùng, những thương binh, liệt sỹ đã hy sinh thân mình vì nền độc lập của dân tộc.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()