Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:40 (GMT +7)
Những “họa sĩ tương lai” ở Quảng Yên
Thứ 4, 20/04/2022 | 13:44:11 [GMT +7] A A
Các thế hệ họa sĩ của Làng tranh Yên Hưng từng tự hào nhắc đến huyền thoại về cây bút thần trôi theo dòng sông Hồng rồi mắc lại bên sông Bạch Đằng, đã "phát tích" sinh ra nhiều họa sĩ tài năng cho vùng đất này. Và hôm nay, lớp họa sĩ nhí dường như cũng đang kế tục lớp cha anh mình phát huy truyền thống ấy...
Ngày 8/4/2022, tại Bảo tàng Bạch Đằng, Phòng Giáo dục - Đào tạo TX Quảng Yên đã tổ chức trưng bày và tổng kết trao giải cuộc thi “Họa sĩ tương lai” cấp thị xã năm học 2021-2022 dành cho học sinh khối trung học cơ sở trên địa bàn thị xã. Năm học 2021-2022, vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đầu năm 2022 học sinh trên địa bàn thị xã vẫn tiếp tục học online nhưng với sự quyết tâm vượt khó hơn một tháng của thầy và trò, cuộc thi vẫn diễn ra sôi động.
Cuộc thi “Họa sĩ tương lai” đã thu hút 20 nhà trường tham gia với 4.418 tác phẩm tranh dự thi của các em học sinh đang theo học tại các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn thị xã. Các trường đã tuyển chọn ra 301 tác phẩm gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Qua 2 vòng tuyển chọn, vòng sơ khảo và chung khảo, Ban Tổ chức đã chọn 150 bức tranh để trưng bày trong đó trao 65 giải thưởng bao gồm: 5 giải A, 10 giải B, 20 giải C, 30 giải khuyến khích. Các giải thưởng này được nhận giấy chứng nhận, tiền thưởng và được công nhận như một học sinh giỏi môn mỹ thuật. Ngoài ra, các tranh được trưng bày cũng được nhận giấy chứng nhận triển lãm từ Ban tổ chức.
Thông qua cuộc thi “Họa sĩ tương lai”, các em đã thể hiện rõ được chủ đề như: Các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, lễ hội, nét đẹp văn hóa cổ truyền và hiện đại của tỉnh Quảng Ninh; nét đẹp văn hiến, thanh lịch, văn minh của con người Quảng Ninh; mái trường thân yêu; gia đình, người thân, bạn bè; ca ngợi những nét đẹp trong phòng chống đại dịch Covid-19; các chủ đề bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, vì hòa bình...
Đây cũng là cơ hội để các em thể hiện mình với màu sắc, đường nét và các ý tưởng của riêng mình. Tranh luôn thể hiện sự thuần khiết, trong trẻo, vui tươi trong ý tưởng, bố cục cũng như màu sắc. Dù rơi vào hoàn cảnh nào đi nữa, các em vẫn hồn nhiên ngây thơ, yêu thương con người, loài vật, cây cỏ, hoa lá... Đây là đặc điểm nổi bật của tâm lý trẻ thơ. Chính nhờ những tâm lý đáng quý đó đã được các em mang vào tranh vẽ của mình khiến tranh các em luôn toát lên sự rạng rỡ, vui tươi, sống động và hết sức hồn nhiên.
Đào Huy Minh, học sinh lớp 9A Trường THCS Liên Hòa là người đã đạt 2 giải gồm 1 giải A và 1 giải B. Bức tranh đạt giải A của em có tên là “Nhà thờ Tranh Giang”. Đây là công trình kiến trúc được xây dựng bên bờ sông Chanh (một nhánh của sông Bạch Đằng huyền thoại) nơi có bến Ngự, bãi cọc Bạch Đằng, bến đò Rừng, miếu Vua Bà, đền thờ Trần Hưng Đạo... Bức tranh này Minh đã theo bố đi vẽ thực tế, với sự quan sát khá tinh tế và chắt lọc em đã đưa hình ảnh nhà thờ, dãy phố xen kẽ với hàng cây, cùng với đó cây cầu Sông Chanh cũng được em đưa vào làm cho bố cục chặt chẽ và tô thêm vẻ đẹp của bức tranh. Bức tranh được sử sụng chất liệu bột màu khá tốt, những mảng màu đặt cạnh nhau khá hợp lý làm cho bức tranh sinh động và để lại ấn tượng cho người xem.
Bùi Thị Kim Thư, học sinh lớp 8C, Trường THCS Sông Khoai cũng đã đạt 2 giải gồm 1 giải A và 1 giải B. Trong đó, bức tranh giải A có tên “Covid lùi xa”. Đây là đề tài phòng chống dịch Covid-19, là một chủ đề nóng trong suốt hơn hai năm qua. Khi mà đại dịch đang hoành hành trên khắp thế giới, Việt Nam là một đất nước cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Với thông điệp Covid lùi xa - bức tranh với các nhóm nhân vật được sắp xếp đều trên mặt tranh. Mỗi nhóm nhân vật là một câu chuyện, là một hành động về phòng chống dịch. Hình ảnh trái tim được đặt giữa cùng với màu sắc tươi sáng cũng chính là điểm nhấn bức tranh. Kim Thư như muốn gửi gắm tới tất cả mọi người thông điệp: Chung tay phòng chống dịch Covid-19 để mọi người sống bình an và hạnh phúc.
Đinh Thị Thùy Linh, lớp 8A, Trường THCS Sông Khoai cũng là học sinh đạt 1 giải A và 1 giải B. Trong đó, tác phẩm đạt giải A là “Bữa cơm nhà bạn” bố cục đẹp, có mảng chính, mảng phụ rõ ràng, những mảng màu như nhảy nhót tươi vui và vô cùng ấn tượng. Thùy Linh như muốn nói đến sự trải nghiệm cuộc sống cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt cùng với gia đình bạn để thấy sự thú vị của cuộc sống và những điều tốt đẹp của bạn bè dành cho nhau.
Em Lê Thị Hảo, lớp 9B, Trường TH&THCS Tiền Phong đạt 1 giải A bức tranh “Lễ hội Tiên Công” và 1 giải C bức tranh “Mỏ vàng đen Quảng Ninh”. Hảo chọn nội dung vùng đất và con người Quảng Ninh và đặc biệt là con người nơi vùng đảo Hà Nam với nhiều di tích lịch sử và lễ hội, trong đó có lễ hội tiêu biểu là Lễ hội Tiên Công - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một bức tranh nói đến vẻ đẹp văn hóa của làng quê đảo Hà Nam. Lê Thị Hảo đã tái hiện lại quang cảnh rước cụ thượng lên miếu đường bái yết Tiên Công. Ngoài ra trong tranh còn có các nhóm người vui chơi, đánh đu, đánh cờ, chọi gà... làm cho bức tranh thêm phần sinh động, màu sắc trong tranh cũng tươi vui, rực rỡ thể hiện được không khí của ngày tết, lễ hội và mùa xuân nơi vùng Hà Nam.
Một tác phẩm đạt giải A khác là “Chợ Rừng trong tôi” của em Lê Thị Quỳnh Anh, lớp 8C Trường THCS Lê Quý Đôn. Tranh có bố cục tự nhiên, chắc chắn toát lên được ý tưởng của tác giả, cảnh họp chợ nhưng không vẽ nhiều người vẫn diễn tả được khía cạnh sầm uất của chợ luôn hoạt động thường xuyên (hình mảng những mái ô đủ màu sắc thể hiện điều đó) màu chủ đạo ấm áp đã truyền cảm xúc tốt tình cảm của em tới người thưởng thức... Quỳnh Anh đã thể hiện được tình yêu với mảnh đất nơi mình sinh ra. Em sử dụng chất liệu màu nước khá chuyên nghiệp so với lứa tuổi. Hy vọng, đây là nhân tố hội họa mới trong tương lai.
Ngoài ra, còn nhiều bức tranh như: “Bác Hồ với thiếu nhi Quảng Ninh” của Bùi Kim Thư (Trường THCS Sông Khoai), “Hội miếu vua Bà” của Đặng Nguyễn Tuấn Kiệt (Trường THCS Yên Hải), “Lễ hội Bạch Đằng” của Vũ Thị Quỳnh Chi (Trường THCS Hà An), “Chúng em chăm sóc di tích lịch sử” của Dương Bích Ngà (Trường TH&THCS Cẩm La), “Đến thăm nhà người Mẹ Việt Nam anh hùng” của Đặng Gia Huy (Trường THCS Sông Khoai) và nhiều bức khác cũng cho người xem nhiều ấn tượng.
Với trẻ em, hội họa như một vùng đất màu mỡ để các em gieo hạt mầm xanh tươi mơ ước, là nơi các em bày tỏ những khát vọng thầm kín, những mơ ước xa xôi. Khi sáng tác tranh, trẻ không hề đặt nặng vấn đề ý tưởng bố cục, đường nét, hình khối, màu sắc. Khác với tranh thông thường, khi xem tranh thiếu nhi, chúng ta thấy các em vẽ tự nhiên như đang chơi đùa với hình và màu sắc. Do không bị ảnh hưởng bởi một tư tưởng và kỹ thuật hội họa nào nên các em không có sự băn khoăn chọn lựa về các hình thức để biểu đạt cảm xúc. Qua đó, cho thấy hội họa thực sự tạo nên sự thu hút với các họa sĩ nhí với những tác phẩm nổi bật, chủ đề mới lạ. Những bức tranh đầy cảm xúc, những nét vẽ ngây ngô, phối màu đầy nghệ thuật đã để lại ấn tượng tuyệt vời và cuốn hút người xem. Qua cuộc thi là cơ sở tìm kiếm các nhân tố để bồi dưỡng, phát triển, kế tiếp làm nòng cốt cho mĩ thuật Quảng Yên nói riêng và mĩ thuật Quảng Ninh nói chung.
Đào Thế Am
Liên kết website
Ý kiến ()