Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:42 (GMT +7)
SEA Games 31 và những kỳ vọng của thể thao Vùng mỏ
Thứ 7, 30/04/2022 | 10:10:01 [GMT +7] A A
Xuất thân từ những gia đình thợ mỏ, hoặc ở vùng nông thôn, nhưng các VĐV của Vùng mỏ đều có điểm chung là tài năng, giàu nghị lực, từng đem vinh quang về cho quê hương, đất nước. Trước kỳ SEA Games 31 - sự kiện thể thao lớn ngay tại sân nhà, những gương mặt sáng giá này lại một lần nữa có cơ hội chứng minh sự nỗ lực vượt mình, với hy vọng tiếp tục viết nên những kỳ tích, làm rạng danh thể thao Vùng mỏ.
Quyết tâm đổi màu huy chương
Là VĐV trẻ đầy hứa hẹn, Ngô Đình Chuyền đang nỗ lực hết mình cải thiện thành tích trong đợt tập huấn ở nước ngoài, hướng tới đổi màu huy chương tại SEA Games 31 trên sân nhà.
Sinh năm 2001 tại Phong Cốc (TX Quảng Yên), Ngô Đình Chuyền được HLV Nguyễn Duy Long phát hiện và huấn luyện từ nhỏ. Thể hình lý tưởng với chiều cao 1m82, sải tay dài, đam mê bơi lội, Ngô Đình Chuyền được HLV dìu dắt, gọt giũa thành một "kình ngư" giàu thành tích bậc nhất ở các giải trẻ, giải vô địch quốc gia; một VĐV sáng giá ở cự ly 50m, 200m và 400m.
Ở tầm châu lục, Chuyền khẳng mình với HCĐ, HCB tại các kỳ SEA Games 29, 30. Khát khao đổi màu huy chương ở SEA Games 31 trên sân nhà càng được tiếp sức khi Chuyền được đi tập huấn với đội tuyển quốc gia (ĐTQG) tại Hungary đầu năm 2022. Đây là bù đắp cần thiết, kịp thời, bởi trong 2 năm gần đây, Chuyền nhỡ các chuyến tập huấn nước ngoài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù đã có chủ trương trước đó.
Với sở trường bứt tốc, nhiều khả năng Chuyền sẽ được Ban huấn luyện ĐTQG xếp thi đấu ở nội dung sở trường 100 và 200m. Ở cự ly này, Chuyền chỉ thua sát nút một Hoàng Quý Phước đẳng cấp nhưng đã bước sang tuổi 29. Với khả năng bức tốc quãng ngắn, Chuyền còn có cơ hội góp sức trong nội dung tiếp sức 4x200m, nội dung Việt Nam đang khát khao đổi màu huy chương. Ở nội dung này, Việt Nam có nhiều gương mặt sáng giá như: Quý Phước, Huy Hoàng... trong khi đó đương kim vô địch Singapore đang có nguy cơ vắng 2 VĐV trụ cột do phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tất cả nỗ lực của Ngô Đình Chuyền sẽ được thể hiện qua kỳ sát hạch tiền SEA Games sắp tới của môn bơi lặn, để từ đó Ban huấn luyện tìm ra những gương mặt xứng đáng tham gia tranh tài.
Cung thủ tuổi trăng tròn
Không xuất thân từ gia đình có truyền thống về thể thao, song cung thủ Lê Phạm Ngọc Anh đã được lựa chọn tham dự SEA Games - giải đấu hội tụ các VĐV tài năng, giàu kinh nghiệm nhất khu vực, khi chỉ mới 19 tuổi.
Lê Phạm Ngọc Anh (SN 2003) trưởng thành từ gia đình điển hình của Vùng mỏ, có bố là công nhân, mẹ làm cấp dưỡng. Ngọc Anh được HLV Đặng Thị Nhàn phát hiện, bồi dưỡng từ khi học lớp 7. Tuy nhiên, mọi chuyện không thật suôn sẻ bởi ngón tay cong, cánh tay ngắn khiến Ngọc Anh nhiều lần bị dây cung bật vào, gây chấn thương. "Cây cung rất nặng, lực bật mạnh, thường xuyên gặp chấn thương kiểu này rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý, nhụt chí tiến thủ, thậm chí khiến cung thủ nản" - HLV Đặng Thị Nhàn chia sẻ.
Nhờ nỗ lực cá nhân, sự chấn chỉnh kỹ thuật của HLV và trang bị mới đã giúp Ngọc Anh vượt qua, vững tâm thi đấu. Ở cung thủ này, tài năng, sự đam mê và nghị lực là tố chất nổi bật giúp em tiến bộ, đặc biệt khi Ngọc Anh được tập huấn cùng Đội tuyển trẻ quốc gia năm 2016. Nhờ đó, chỉ 2 năm sau Ngọc Anh đã thâu tóm các giải cao ở Giải Vô địch trẻ quốc gia, rồi giành luôn HCV Giải Vô địch quốc gia các năm 2019, 2020; phá kỷ lục quốc gia ở nội dung toàn năng cung 3 dây nữ (chưa được phá từ năm 2016) tại Giải Vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc năm 2019 - sân chơi cho các cung thủ giàu kinh nghiệm, các tuyển thủ ĐTQG… khi mới 16 tuổi.
Đặc biệt, ở giải đấu tiền SEA Games, Giải Vô địch cung thủ xuất sắc toàn quốc (tháng 3/2022 tại Huế), Ngọc Anh giành 1 HCV cá nhân và 3 HCV đồng đội; điểm bắn cao thứ 3 trong 4 VĐV top đầu (Ngọc Anh không được cộng điểm như các tuyển thủ ĐTQG lọt vào top 4). Vì thế, cuối tháng 3, Ngọc Anh được gọi bổ sung vào ĐTQG, nhiều khả năng tham gia nội dung cung 3 dây đồng đội, nơi ĐTQG có nhiều tài năng đồng đều.
"Nhiều người lo lắng về kinh nghiệm thi đấu của cung thủ trẻ ở đấu trường lớn. Có lẽ đây cũng là lý do mà Ban huấn luyện ĐTQG vẫn chờ "độ chín" trong những lần gọi Ngọc Anh lên tuyển. Thế nhưng điểm mạnh của Ngọc Anh lại chính là tâm lý thi đấu, càng bước vào thi đấu Ngọc Anh càng tập trung, bản lĩnh...” - HLV Đặng Thị Nhàn chia sẻ về học trò cưng của mình.
"Bà mẹ điền kinh" giàu nghị lực
Sau khi giành HCV cự ly 10.000m (SEA Games 30, Philipines), Phạm Thị Huệ tạm nghỉ, lập gia đình và sinh con. Gần đây, “Nữ hoàng chân đất” gây bất ngờ với người hâm mộ khi thầm lặng tập luyện trở lại, giành suất dự SEA Games 31 ở nội dung được cho là gian khổ nhất của marathon nữ, cự ly 42km.
Phạm Thị Huệ (SN 1996, ở xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) trưởng thành từ thể thao phong trào, được HLV Nguyễn Thị Hoa phát hiện và bồi dưỡng trở thành tài năng ở cự ly 5.000 và 10.000m. Sau khi lập gia đình và sinh con, người hâm mộ thể thao Vùng mỏ mừng cho Huệ, nhưng cũng tiếc nuối sợ rằng Huệ không kịp trở lại ở SEA Games trên sân nhà.
Và thật bất ngờ khi Phạm Thị Huệ chính thức trở lại đường đua, giành suất dự SEA Games 31 ở cự ly 42km marathon nữ. Để làm được điều kỳ diệu này, Huệ đã phải cố gắng vượt mình, nỗ lực giảm cân, bởi thời điểm nghỉ tập, mang bầu, Huệ đã tăng khoảng 20kg. Đặc biệt sau sinh, thể lực sa sút rất nhiều, các bó cơ lỏng, sức bền, sức mạnh và tốc độ cũng không còn.
Có thể thấy "cô gái vàng" của thể thao Vùng mỏ đã phải nỗ lực hết sức để chinh phục thử thách mới và thành quả chính là thành tích 2h55'52", đứng sau Nguyễn Hồng Lệ trong cuộc sát hạch tuyển VĐV tham dự SEA Games 31 đầu tháng 3 tại Mỹ Đình. Không chỉ vượt chuẩn (3h02'52") theo quy định, thành tích này cũng tốt hơn thành tích đoạt HCV SEA Games 30 của VĐV chủ nhà Philippines Mary Joy Tabal (2h56'56").
Mới đây, Phạm Thị Huệ lại chạy đà, tạo hưng phấn cho bản thân khi giành giải Nhất tại Giải Marathon Imperial Huế 2022 ở cự ly 42km. Thay đổi sở trường, chuyển sang cự ly khó nhất là một câu chuyện không hề đơn giản đối với một VĐV, thế nhưng người hâm mộ hoàn toàn có quyền hy vọng, bằng nỗ lực của mình Phạm Thị Huệ sẽ làm nên kỳ tích ở kỳ SEA Games lần này ngay trên sân nhà.
Cùng với Ngô Đình Chuyền, Lê Phạm Ngọc Anh, Phạm Thị Huệ, thể thao Quảng Ninh còn nhiều gương mặt sáng giá khác như: Cặp VĐV đua thuyền tài năng Đinh Thị Trang - Lường Thị Dung, VĐV Wushu Vũ Văn Tuấn, các HLV, VĐV môn bóng chuyền, bóng đá nữ... có cơ hội góp mặt tại kỳ SEA Games 31 này. Đây cũng là những "gương mặt vàng" hội tụ tài năng, cùng quyết tâm, nghị lực, kỳ vọng sẽ đem vinh quang về cho thể thao nước nhà, thể thao Vùng mỏ.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()