Việc Israel mở quá ít cửa khẩu vào Gaza cũng như không đảm bảo an toàn cho các đoàn xe viện trợ đang đẩy khoảng hai triệu dân tới bờ vực nạn đói.
Mỹ cuối tuần trước thả dù 38.000 bữa ăn xuống Dải Gaza, vùng lãnh thổ được kiểm soát không phải bởi một thế lực thù địch nước ngoài, mà bởi Israel, một trong những đồng minh thân cận nhất của họ.
Cảnh tượng trên là minh chứng rõ nhất cho rạn nứt ngày càng tăng giữa Mỹ và Israel vì xung đột tại Gaza cũng như cuộc khủng hoảng nhân đạo ở dải đất. Nhiều tháng qua, Israel đã liên tục né tránh áp lực từ Mỹ yêu cầu họ cho phép tăng viện trợ nhân đạo vào Gaza, ngay cả khi Tel Aviv phải dựa vào hỗ trợ ngoại giao và vũ khí từ Washington để thực hiện chiến dịch đáp trả Hamas tại đây.
Vụ lính Israel nổ súng vào đoàn người vây quanh xe viện trợ hôm 29/2 khiến hơn 100 nạn nhân thiệt mạng và 700 người bị thương càng làm bật lên tình cảnh tuyệt vọng cùng cực của dân thường Gaza, nơi đang phải đối mặt với nạn đói mà các quan chức nhân đạo cho rằng phần lớn bắt nguồn từ những chính sách kìm kẹp của Israel.
Sự kìm kẹp này được thể hiện ở việc Israel hạn chế các cửa khẩu cho xe viện trợ vào Gaza, hay việc quân đội nước này gần đây tấn công cả lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ các đoàn xe viện trợ vào dải đất.
Israel nói rằng họ không ngăn chặn nỗ lực cung cấp viện trợ và đổ lỗi cho Liên Hợp Quốc vì đã không phân phối viện trợ đến tay những người cần, hay tệ hơn là chuyển chúng cho Hamas.
Nhưng Washington đang ngày càng mất kiên nhẫn với lập luận đó.
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng Israel cần tạo điều kiện thuận lợi cho xe tải chở hàng viện trợ và mở nhiều tuyến đường hơn vào Gaza để ngày càng có nhiều người được giúp đỡ", Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/3 tuyên bố, sau khi ông thông báo về chiến dịch thả hàng cứu trợ xuống Gaza. "Không có lời bào chữa nào cả, bởi sự thật là viện trợ đến Gaza chưa bao giờ đủ".
Khoảng 500 xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza mỗi ngày trước chiến sự. Theo Liên Hợp Quốc, hồi tháng 2, trung bình chỉ có 98 xe tải mỗi ngày được phép vào Gaza, so với mức trung bình 170 xe trong tháng một.
Các cáo buộc rằng Tel Aviv đang cố tình cản trở việc đưa hàng viện trợ vào Gaza là trọng tâm của vụ kiện diệt chủng mà Nam Phi đang đệ trình chống lại Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế. Tòa án ở The Hague chưa ra phán quyết về vấn đề này, nhưng vào cuối tháng một, tòa đã ra lệnh cho Israel "ngay lập tức thực hiện các biện pháp hiệu quả để khẩn cấp cung cấp các dịch vụ cơ bản cần thiết và hỗ trợ nhân đạo" cho Dải Gaza.
Dù vậy, hầu như không có chuyến hàng viện trợ nào đến được khu vực phía bắc dải đất, nơi một số gia đình đang sống qua ngày nhờ cây cỏ và thực phẩm chăn nuôi. Theo cơ quan y tế địa phương, ít nhất 15 trẻ em đã chết vì suy dinh dưỡng.
"Điều thực sự đáng kinh ngạc là tốc độ mọi việc diễn ra ở một nơi mà trước đây chưa bao giờ thực sự gặp phải nạn đói", Philippe Lazzarini, tổng ủy viên Cơ quan Cứu trợ và Việc làm Liên Hợp Quốc (UNRWA), tuần trước nói với phóng viên ở Jerusalem. "Đây là tình huống do con người tạo ra mà chúng ta có thể dễ dàng đảo ngược nếu muốn. Chúng ta biết cần phải làm gì".
Sau cuộc đột kích của Hamas hồi tháng 10 năm ngoái, quân đội Israel đã tuyên bố "phong tỏa toàn diện" Gaza. "Không điện, không thức ăn, không nước, không nhiên liệu. Mọi thứ đều đã bị cắt", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant lúc bấy giờ nói.
Chính quyền Biden sau đó phải mất hai tuần vận động hành lang căng thẳng để thuyết phục Israel cho phép một số xe tải viện trợ đang xếp hàng ở cửa khẩu biên giới Rafah phía Ai Cập vào Gaza. Đây là cửa khẩu vào Gaza duy nhất không nằm trong lãnh thổ Israel
Dù Ai Cập và Hamas trên danh nghĩa kiểm soát Rafah, Israel đã ngăn chặn viện trợ đi qua cửa khẩu này bằng hành động quân sự, nhiều lần ném bom khu vực biên giới vào giai đoạn đầu cuộc xung đột.
Ngay từ đầu, các đơn vị cung cấp hàng viện trợ cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức hậu cần. Cửa khẩu Rafah được xây dựng làm điểm ra vào cho người dân, không phải hàng hóa. Theo một quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc giấu tên, cửa khẩu nằm ở phía bắc Sinai, khu vực quân sự tương đối nhạy cảm, nơi Ai Cập vẫn hạn chế nhân viên Liên Hợp Quốc tiếp cận.
Tuy nhiên, quan chức này cho biết thêm hoạt động của phía Ai Cập đã được cải thiện đáng kể theo thời gian. Số lượng xe tải vào Gaza mỗi ngày đã tăng từ 20 chiếc lúc đầu lên mức khoảng 200 chiếc mỗi ngày trong thời gian 6 ngày ngừng bắn hồi tháng 11/2023.
Đến tháng 12, Israel mở cửa khẩu biên giới thứ hai tại Kerem Shalom. Tuy nhiên, các tổ chức nhân đạo cho biết số lượng cửa khẩu hiện nay không thể đủ để xử lý khối lượng hàng viện trợ khổng lồ.
Theo Janti Soeripto, giám đốc điều hành tổ chức Save the Children, quy trình kiểm tra của Israel tại cửa khẩu vẫn còn cồng kềnh và thiếu rõ ràng, với một số mặt hàng bị từ chối dường như ngẫu nhiên.
Máy phát điện, cột lều và đường ống để khôi phục cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh nằm trong số những mặt hàng bị Israel cấm vì có tính chất "lưỡng dụng". Họ lo ngại Hamas có thể sử dụng chúng làm vũ khí hoặc củng cố địa đạo dưới lòng đất.
Nhưng những chiếc kẹp sản khoa và hộp gỗ đựng đồ chơi cũng bị từ chối, Soeripto cho hay. Đôi khi các tổ chức viện trợ được các quan chức Israel thông báo rằng hàng hóa của họ đã được bật đèn xanh, nhưng sau đó vẫn bị đưa lại điểm kiểm tra.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, cơ quan Israel chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hóa vào Gaza đang sử dụng một danh sách đã lỗi thời từ năm 2008 và được áp dụng không đồng nhất.
Các đại diện Mỹ làm việc cho Đại sứ David Satterfield, người được Tổng thống Biden bổ nhiệm để điều phối các nỗ lực nhân đạo trong khu vực, thường xuyên có "những cuộc đối thoại căng thẳng" với giới chức Israel để hối thúc họ cho phép đưa thêm hàng hóa vào Gaza, nhưng đó là "một thách thức", quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Các tổ chức viện trợ và chính quyền Biden đã thuyết phục Israel cho phép hàng hóa thương mại trở lại Gaza vào mùa thu, với lý do chỉ hàng viện trợ nhân đạo không thể đủ để nuôi sống người dân.
Mặc dù những chiếc xe tải chở hàng hóa thương mại đầu tiên đã được phép vào Gaza hồi tháng 12 năm ngoái, các tổ chức viện trợ cho rằng con số này phải tăng lên gấp nhiều lần nữa.
Khối lượng viện trợ đến Gaza đã giảm trong tháng qua, khi đám đông biểu tình người Israel, những người tin rằng viện trợ nhân đạo mang lại lợi ích choHamas, thường xuyên chặn cửa khẩu Kerem Shalom.
Cảnh sát Israel cuối tháng trước triển khai lực lượng ngăn chặn người biểu tình, song đám đông phản đối vẫn tiếp tục cản trở các chuyến xe viện trợ, gần đây nhất là vào ngày 29/2.
Cơ quan Điều phối Hoạt động Chính phủ tại các Vùng lãnh thổ (COGAT), tổ chức của Israel chịu trách nhiệm giám sát Gaza, thường xuyên nói rằng "không áp giới hạn về số lượng hàng viện trợ nhân đạo có thể vào khu vực".
COGAT đổ lỗi cho Liên Hợp Quốc về tình trạng đình trệ và những thất bại trong khâu hậu cần.
"Cáo buộc rằng Israel 'không cho hàng viện trợ thông quan' là một lời nói dối", phát ngôn viên chính phủ Israel Eylon Levy hôm 2/3 viết trên mạng xã hội X.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc gọi bình luận trên là "không thành thật". "Bạn sẽ không thể gặp một nhân viên Liên Hợp Quốc nào nói rằng Israel đang tạo điều kiện để hoạt động viện trợ nhân đạo diễn ra một cách hiệu quả", người này nói.
Một quan chức Israel giấu tên cho biết Tel Aviv dự định mở thêm một cửa khẩu ở phía bắc Gaza sớm nhất trong tuần này để cho phép chuyển thêm viện trợ tới khu vực.
Động thái được đưa ra sau khi lãnh đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power tới Israel tuần trước để thúc giục Tel Aviv hành động quyết liệt hơn.
Israel cũng đồng ý nới lỏng các hạn chế hải quan để hàng viện trợ có thể thông quan dễ dàng hơn qua Jordan, cho phép Mỹ thả hàng viện trợ xuống Gaza và chấp nhận mở "một hành lang hàng hải trong thời gian tới", phát ngôn viên USAID Jessica Jennings cho hay.
Việc đưa viện trợ vào Gaza đã khó khăn nhưng việc phân phối chúng còn là thách thức lớn hơn bao giờ hết.
Các con đường ở miền nam Gaza rất khó đi lại, chật cứng người di tản và những đống đổ nát. Giao tranh vẫn ác liệt ở nhiều nơi tại miền trung và miền bắc khu vực. Các tổ chức viện trợ cho biết Israel không còn đảm bảo an toàn cho những đoàn xe viện trợ sau vụ nổ súng ngày 29/2.
Giới chức Israel đã từ chối phần lớn yêu cầu từ các cơ quan viện trợ nhằm hỗ trợ miền bắc Gaza. Lazzarini cho biết không có đoàn xe nào của UNRWA đến khu vực này kể từ ngày 23/1.
Hôm 5/2, lần cuối cùng UNRWA cố gắng gửi một đoàn xe viện trợ về phía bắc, tổ chức này cho biết họ đã bị hải quân Israel tấn công từ ngoài khơi. Khi được hỏi về sự việc, quân đội Israel giải thích rằng trong quá trình đoàn xe di chuyển, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang thực hiện một nhiệm vụ tập kích và họ không trực tiếp nhằm vào đoàn xe.
Đặc phái viên Mỹ Satterfield cho hay lực lượng "cảnh sát Gaza" do Hamas điều hành cũng không còn hộ tống các đoàn viện trợ nữa, sau khi họ hứng chịu hàng loạt cuộc không kích củaIsraelgần đây.
Chương trình Lương thực Thế giới cũng đình chỉ việc chuyển hàng tới miền bắc Gaza vào tháng trước với lý do an ninh.
Một quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc cho biết mối quan hệ giữa tổ chức này với Israel cũng ngày càng trở nên "đối địch". Bên trong Liên Hợp Quốc, "không ít người có quan điểm rằng Israel muốn thấy họ thất bại".
Giới lãnh đạo Israel vẫn quyết tâm tiếp tục chiến dịch quân sự chống lại Hamas, bất chấp vô số lời kêu gọi ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế. Các tổ chức viện trợ cho hay chấm dứt chiến sự là cách hiệu quả duy nhất để giảm bớt nỗi đau khổ cho dân thườngGaza.
Nhưng Mỹ đã nhiều lần phủ quyết các nghị quyết ngừng bắn tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Và ngay cả khi chính quyền Biden tăng cường áp lực lên Israel nhằm cho phép thêm viện trợ vào Gaza, họ vẫn không đưa ra cảnh báo về việc ngừng hỗ trợ quân sự cho Tel Aviv.
Các nhóm viện trợ cho biết các đợt thả hàng cứu trợ của Mỹ không thể mang lại nhiều tác động tích cực. "Sẽ có nhiều hỗn loạn hơn sau đó", Soeripto nói. "Bạn không thể đảm bảo ai nhận được viện trợ, ai không".
Ý kiến ()