Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:28 (GMT +7)
Đề xuất giải pháp chiến lược cho vùng đồng bằng Sông Hồng
Chủ nhật, 12/02/2023 | 11:16:00 [GMT +7] A A
Việc phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng là trách nhiệm của các địa phương trong Vùng và toàn hệ thống chính trị. Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 30) và Xúc tiến đầu tư vùng, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi nhận các ý kiến, đề xuất giải pháp hết sức tâm huyết, trách nhiệm và mang tinh thần đổi mới của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Bộ Trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thắng: “Phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Hồng hiện đại, liên kết vùng và quốc tế”.
Mục tiêu của Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW với mục tiêu đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Hồng “có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao”, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng. Trong đó, quyết tâm đầu tư hoàn thành các tuyến vành đai vùng (vành đai 4, vành đai 5), cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, Nội Bài – Hạ Long, Cổ Tiết – Chợ Bến, các tuyến liên kết vùng để phát triển các hành lang, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế - đô thị, tạo đột phá phát triển vùng; mở rộng một số đoạn, tuyến quốc lộ trong vùng theo quy hoạch và các đoạn, tuyến đường bộ ven biển để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế biển. Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng; đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân... Cải tạo, đưa vào cấp kỹ thuật các tuyến đường thủy nội địa, kết nối thuận lợi từ Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống; xây dựng mới cảng container, các cảng khách đầu mối tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Nâng cấp, mở rộng các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ; khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Đến năm 2045, phát triển mạng lưới giao thông vận tải của vùng đồng bằng sông Hồng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho Vùng, Bộ GTVT đề xuất một số giải pháp gồm: Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Tập trung đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh/thành phố. Đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, các địa phương cần sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics.
Bộ Trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung: “Tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Trong giai đoạn 2021-2030, vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là thị trường có nguồn nhân lực dồi dào và quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của vùng cần theo chiều sâu, trong đó tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao. Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững KTXH vùng đồng bằng sông Hồng theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc phát triển thị trường lao động gắn kết nhu cầu lao động của vùng được xác định là nhiệm vụ căn cơ để phát triển việc làm thỏa đáng cho người lao động, góp phần tăng năng suất lao động và tạo lợi thế cạnh tranh trong hội nhập và phát triển của vùng.
Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương của vùng cần tập trung vào một số giải pháp. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhất là phát triển nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế tri thức và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng. Bên cạnh đó, hiện đại hóa, phát triển dịch vụ việc làm của vùng đồng bằng sông Hồng, tăng cường kết nối, liên thông với thị trường lao động các vùng trên cả nước. Mặt khác, đẩy mạnh liên kết vùng thông qua việc chủ động phối hợp trong xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin của bộ, ngành, địa phương và thông tin vùng nhằm hướng tới tăng cường chia sẻ thông tin và tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho nâng cao tần suất, hiệu quả phối hợp giữa các địa phương trong phát triển thị trường lao động. Chính quyền các địa phương của vùng cần tiếp tục tạo hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm phát triển doanh nghiệp địa phương, thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến và hàm lượng chất xám cao; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, chuyển hướng sang những công đoạn có hàm lượng tri thức cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng hiện đại và bền vững.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: “Bảo đảm chi cho KHCN và quan tâm đến việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo”.
Hiện nay, nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình nhiều quốc gia lựa chọn.. Nếu KHCN và đổi mới sáng tạo không phát triển thì Việt Nam sẽ rất khó để bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của thế giới. Do đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo để tạo động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng rất có ý nghĩa vì nó không chỉ quan trọng với cả vùng mà còn cho cả nước. Tuy nhiên, tiềm lực KHCN của một số tổ chức, địa phương còn yếu, việc đầu tư cho KHCN còn hạn chế. Để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm KHCN, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, Bộ KH&CN đề xuất một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau: Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp; các địa phương trong vùng phải đưa các chỉ tiêu phát triển KHCN&ĐMST, trong đó chỉ tiêu tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo vào nội dung chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển của ngành, địa phương; kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thống nhân nhu cầu về nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp… Đặc biệt là phải bảo đảm chi cho KHCN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu của sự phát triển. Đồng thời, cần phải phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu. Các trung tâm đổi mới sáng tạo và phải có sự kết nối giữa các địa phuong trong vùng.
Ông Trần Sĩ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước”.
Để kịp thời chuyển hóa các quan điểm, tư tưởng, định hướng và nhiệm vụ giải pháp trong Chương trình hành động nói riêng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các định hướng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng nói chung, UBND TP Hà Nội đang tiến hành rà soát, nghiên cứu, tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình nghiên cứu, Hà Nội xác định phương hướng tổ chức không gian lãnh thổ, các định hướng lớn, trọng yếu phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn… gắn với liên kết, phát triển vùng. Trong đó nội dung “Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước” được tập trung quan tâm ưu tiên. Đạt mục tiêu này, TP Hà Nội sẽ tập trung những nhiệm vụ chính sau: Tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của thủ đô; phát triển văn hoá thủ đô ngang tầm với kinh tế, xã hội, xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực mới cho thủ đô; phát triển đô thị, hạ tầng đồng bộ thủ đô Hà Nội theo hướng đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng, thủ đô Hà Nội đóng vai trò hạt nhân, lan tỏa.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng: “Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh để trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực và thế giới”.
Năm 2022, tăng trưởng GRDP thành phố đạt 12,32% (gấp 1,5 lần bình quân chung của cả nước), là năm thứ 7 liên tiếp Hải Phòng đặt mức tăng trưởng 2 con số. Trong đó, các ngành kinh tế biển tiếp tục phát triển và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn. Thành phố cũng đã thu hút 7 triệu lượt khách du lịch (tăng trên 88% so với năm 2021), vượt trên 54% so với kế hoạch năm là 4,53 triệu lượt khách, bước đầu lấy lại được đà tăng trưởng. Hiện thành phố đang tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, từng bước xây dựng Cát Bà, Đồ Sơn trở thành các trọng điểm du lịch, trung tâm du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.
Trong Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị đã định hướng Hải Phòng phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh để trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực và thế giới. Để thực hiện thành công định hướng trên, thành phố cũng đang đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm những nội dung sau: Phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, có quy hoạch nhà máy điện rác, điện gió tại TP Hải Phòng làm cơ sở triển khai các dự án sử dụng năng lượng tái tạo của thành phố; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường biển, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế biển; phê duyệt và công bố phương án phân định ranh giới quản lý hành chính biển cấp tỉnh để các địa phương thực hiện quản lý, tránh tranh chấp, chồng lấn khu vực biển; phê duyệt quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng làm cơ sở triển khai phát triển hạ tầng giao thông hàng hải thành phố; cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Hoàng Nga-Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()