Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:35 (GMT +7)
"Những gì tôi viết như một lời tri ân gửi về cho những người thợ mỏ"
Chủ nhật, 27/10/2024 | 15:04:44 [GMT +7] A A
Ở tuổi 84, tác giả Đặng Huỳnh Thái vẫn nhớ như ngày hôm qua những ký ức khi ông còn ở Cẩm Phả. Thời ấy, tuổi còn trẻ, là kỹ sư khai thác mỏ nhưng tác giả Đặng Huỳnh Thái năng nổ tham gia viết, ông tích lũy cho mình từng vốn sống, từng câu chuyện mắt thấy tai nghe, cóp nhặt từng câu chuyện đau đớn, từng niềm vui ở Vùng mỏ. Ông đã dành nhiều năm nghiên cứu, thu thập tài liệu, cộng với vốn sống 37 năm ở Cẩm Phả, Quảng Ninh để viết nên “Bể than Đông Bắc”. Nhân dịp nhà văn Đặng Huỳnh Thái ra mắt tiểu thuyết "Bể than Đông Bắc", phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông.
- Thưa ông, ông có thể chia sẻ để có cuốn tiểu thuyết này ông đã tập hợp tư liệu như thế nào?
+ Tôi bắt đầu ra Quảng Ninh công tác từ năm 1960 cho đến năm 1997 mới về Hà Nội sinh sống. Gần 40 năm tôi sống ở Cẩm Phả rồi Hòn Gai. Những năm tháng ấy có bao nhiêu người tôi đã gặp, bao nhiêu chuyện mà tôi đã nghe giúp. Có biết bao kỷ niệm khi chúng tôi ăn ở gắn bó với công nhân trong xóm thợ. Mọi sự kiện, những con người tôi gặp, mỗi gương mặt đều in đậm trong tâm trí tôi. Tôi viết văn để kể cho bạn đọc hôm nay rằng những người thợ mỏ họ vất vả gian lao, họ cần mẫn say sưa sáng tạo đóng góp mồ hôi nước mắt, thậm chí là xương máu của mình cho Vùng mỏ như thế nào nhưng họ lúc nào cũng sống hết mình và yêu hết mình. Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này, bên cạnh phần ký ức, tôi còn tham khảo hàng loạt tư liệu quý của Quảng Ninh cũng như ngành Than. Tôi cũng đã dựa vào lời kể của hàng chục nhân chứng sống trước đó và cả trí nhớ của mình...
- Trong những chuyện cóp nhặt ở Vùng mỏ, có chi tiết nào làm ông nhớ mãi?
+ Chuyện về thợ mỏ thì nhiều lắm. Tôi viết nhiều khi vừa cầm bút, vừa khóc. Tôi nhớ mãi câu chuyện về những linh hồn lạc lối. Họ luôn ám ảnh tôi suốt những năm tháng qua. Đó là năm 1944, lò ngập khiến 100 người chết ở mỏ than Mông Dương. Khi ấy, kỹ thuật chưa cao, nước mưa tràn xuống lò khai thác dưới độ sâu hàng trăm mét, khiến thợ lò chết thảm. Chủ mỏ ngay sau đó đã đóng cửa lò này. Những linh hồn của 100 thợ mỏ như bị mắc kẹt lại... Tôi nghĩ đó là những linh hồn lạc lối. 100 người thợ chết ấy, để lại 100 gia đình mất chồng, mất cha. Có giai thoại ở Vùng mỏ, những linh hồn ấy cứ tìm về trong đêm, ai oán. Vậy đó, hòn than đâu chỉ là vinh quang mà còn là mồ hôi nước mắt thậm chí là dính máu, thấm máu người thợ.
Hay như là câu chuyện người thợ mỏ bị cai ký hiếp ở bụi sim đến mang thai. Bà lấy hòn than đập chết tên cai ký rồi bà bụng mang dạ chửa sống chui lủi chờ ngày sinh. Sinh con xong bà mang hòn than mài vào tay đứa bé để đánh dấu rồi thì mang đem bỏ dưới gốc sim để người nào đó gặp thì nhặt về. Thế rồi người đàn bà đó sống trong dằn vặt đau đớn không biết được ai nhặt con mình và nuôi nó. Một hôm bà cấp cứu ở Bệnh viện Uông Bí tình cờ thấy vết than trên tay cô bác sĩ. Bà muốn nhận con nên đem câu chuyện này ra kể nhưng con bà không nhận vì oán trách mẹ đã vứt con ở bụi sim. Đứa con không cứu nổi bà. Bà chết mà con không nhận mình. Nỗi đau đã theo bà về bên kia thế giới.
Còn nhiều nữa những chuyện đau lòng như cảnh đứa trẻ mới lớn cõng em đi mót than, em chết trên lưng mà không biết. Cuối ngày mới biết bèn đi bới đất để chôn em. Cũng có những chuyện vui nhưng là cười ra nước mắt. Sau hòa bình, thợ mỏ ở trong những gian nhà diện tích 18m2, chật chội. Gia đình đông thành viên, đi làm 3 ca về nhà, muốn ngủ với vợ cũng không được. Đã có thời thợ mỏ sống như vậy đấy.
- Thông điệp ngắn gọn nhất mà ông muốn gửi gắm cho độc giả trong "Bể than Đông Bắc" là gì, thưa nhà văn?
+ Tôi luôn nhớ ơn những người thợ mỏ. Tôi viết tiểu thuyết như một lời tri ân gửi về cho những người thợ mỏ, những người đi trước, những người cùng thời đã gắn bó và giúp đỡ tôi trưởng thành. Không chỉ nói về lịch sử mà còn nhắc nhớ thế hệ tương lai về truyền thống, sự hy sinh, tinh thần ý chí bất khuất của những người thợ mỏ, để cùng nỗ lực, phấn đấu tiếp tục dựng xây quê hương, đất nước đẹp giàu. Đó là than đốt cháy tất cả, nấu thép thành nước, nhưng không nấu được trái tim người thợ mỏ. Tất nhiên những thông điệp đó được kể qua con chữ và độc giả sẽ phải hình dung cùng người viết. Nó rất khác với bộ phim tài liệu mà tôi đã làm.
- Phải chăng, ông đang nhắc đến bộ phim "Vùng mỏ, con người và lịch sử"?
+ Vâng. Đúng thế. Xem phim thì hình ảnh nó trực quan hơn. Bộ phim “Vùng mỏ, con người và lịch sử” được chúng tôi hoàn thiện năm 1985, do tôi viết kịch bản văn học, NSƯT Vũ Phạm Từ đạo diễn, quay phim là NSND Nguyễn Đăng Bảy và nghệ sĩ Phạm Phúc Đạt, âm nhạc của nhạc sĩ Cao Việt Bách. Bộ phim có thể coi như một bộ sử vắn tắt về Quảng Ninh bằng hình ảnh trong suốt một thế kỷ. Mặc dù là phim tài liệu lịch sử nhưng bộ phim được sản xuất bởi Hãng phim truyện Việt Nam. Điều này là do chúng tôi mong muốn phim làm ở đây sẽ có tính nghệ thuật nhiều hơn.
- Ông có thể cho biết đôi nét về nội dung bộ phim này?
+ Nội dung chủ yếu có 3 phần kéo dài lịch sử một thế kỷ từ khi Pháp chiếm Vùng mỏ khai thác bóc lột công nhân; phần hai là công nhân đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng; phần ba là từ giải phóng Khu mỏ năm 1955 đến năm 1985. Bộ phim đã giới thiệu nhiều hình ảnh xúc động, gương chiến đấu, lao động, sản xuất dựng xây Vùng mỏ và sự hiện diện của nhiều nhân vật lịch sử. Có những nhân vật như: Đồng chí Đặng Châu Tuệ, Bí thư Chi bộ đầu tiên của Khu mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông, đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)... và những nhân vật công nhân đã tham gia cuộc đình công năm 1936 đều xuất hiện trong phim. Chúng ta gặp lại những địa danh lịch sử, những phong cảnh cũ mà có thể hôm nay không còn nguyên hiện trạng như xưa nữa. Rồi thì những sự kiện, như: Binh đoàn Than ra trận, con tàu “há mồm” chở tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hòn Gai, khí thế hào hùng của ngày giải phóng Khu mỏ 25/4/1955... Lại có những cảnh mít tinh diễu binh diễu hành có đầy đủ cả xe tăng, tên lửa; cảnh tái hiện cuộc đình công năm 1936 với sự huy động những 3.000 người.
- Được biết, bộ phim ra đời công phu như vậy, nhưng nó lại có một đời sống khá chìm nổi...
+ Khổ nỗi, thời gian đó vì công nghệ hạn chế mà phim làm ra buộc phải chiếu rạp mới xem được. Ngành Than cũng để thất lạc bộ phim này. Ngay ở hãng phim truyện bộ phim này cũng đã hỏng. Trong khi đó, gia đình và cơ quan tôi đều không thể làm cách nào để chiếu được đành giữ gìn bảo quản như gia bảo của mình. Mấy lần chuyển nhà nhưng người đi đâu phim đi đấy.
Sau hơn 3 thập kỷ, tôi nghĩ mình không thể giữ phim cho riêng mình được. Nếu thế thì chỉ một mình mình biết, một mình mình hay. Tôi đã mang đến Viện Phim quốc gia Việt Nam để nhờ phục hồi và chuyển sang dạng kỹ thuật số HD nâng cấp bộ phim ở chế độ cao, tiện lợi hơn. Sau khoảng 2 tháng thì hoàn thành công việc này. Chúng tôi tặng cả bản gốc lẫn bản đã được biên tập lại cho tỉnh Quảng Ninh và cho ngành Than toàn quyền sử dụng.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Nhà văn Đặng Huỳnh Thái sinh năm 1939 tại Thái Bình, sau chuyển ra Vùng mỏ làm cán bộ kỹ thuật rồi làm chương trình phát thanh công nhân mỏ, viết báo, tuyên truyền văn hoá văn nghệ. Ông từng là hội viên Hội VHNT Quảng Ninh. Sau gần 40 năm ở Quảng Ninh, ông chuyển về Hà Nội định cư. Năm 1985, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày tiếp quản Khu mỏ, Nghệ sĩ Vùng mỏ Đặng Huỳnh Thái viết kịch bản cho bộ phim tài liệu “Vùng mỏ, con người và lịch sử”. Sau đó, ông khởi thảo tiểu thuyết “Bể than Đông Bắc” về công nhân mỏ dày 452 trang, tạo nên bức tranh chân thực của những người thợ, ngồn ngộn tư liệu sống, thuyết phục bạn đọc với lối viết hiện đại, tiết tấu nhanh, nhiều thoại với ngôn ngữ văn phong mạnh mẽ và đầy quyết liệt. Tiểu thuyết “Bể than Đông Bắc” đã đoạt giải ba cuộc thi “Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn” do Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo, Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong 3 năm 2021-2023. Đầu năm 2024, bản thảo cuốn "Bể than Đông Bắc" được NXB Lao Động ấn hành.
|
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()