Một nhóm các nhà khoa học và người mê du lịch mạo hiểm liều lĩnh bước vào những mê cung để tìm hiểu và khám phá những dòng sông băng kỳ vĩ, trong đó có Jason Gulley, một chuyên gia địa chất làm việc ở Đại học South Florida, Mỹ, đồng thời là nhiếp ảnh gia chuyên chụp chủ đề môi trường, khoa học và thám hiểm. Jason mới đây chia sẻ bộ ảnh "Vẻ đẹp bí ẩn bên trong các sông băng" trên NY Times.
Năm 2018, Jason và nhà thám hiểm Canada Will Gadd (ảnh) tìm kiếm những động, sông băng dựng đứng và khổng lồ ở dải băng Greenland. Will là một trong những người leo băng chuyên nghiệp nhất thế giới, anh từng tham gia và thắng các giải thể thao mạo hiểm như X Games, ESPN...
David Ochel (phải) đang thả mình leo xuống một khối băng ở Greenland và Annelie Bergstrom, một nhà thám hiểm người Thụy Điển đang cố gắng lách mình vào khe hở hẹp của sông băng Matanuska ở Alaska, Mỹ.
Ryan Strickland, một nghiên cứu sinh Đại học Arkansas, Mỹ, đi dọc theo một hệ thống băng bên trong sông băng Ngozumpa, Nepal. Băng trong các hang động tan chảy như bột vữa và biến dạng dần dưới sức nặng của chính chúng. Trọng lực làm trần hang võng xuống ép những khối băng thành các tác phẩm nghệ thuật tự nhiên.
Nhà nghiên cứu Matthew Covington đang tiến xuống một động băng dựng đứng khi David Ochel bên dưới điều chỉnh các thiết bị bảo hộ. Covington là thành viên của nhóm nghiên cứu sông băng tại Greenland.
Will Gadd thám hiểm một đường hầm ngắn dựng đứng gần 92 m bên dưới bề mặt dải băng Greenland.
Charlie Breihaupt, một nghiên cứu sinh khác của Đại học South Florida, dùng GPS để định vị vị trí nơi sông băng chảy và tạo ra hang động dựng đứng.
Jason kể, những chuyến thám hiểm động và sông băng của anh bắt đầu từ năm 2004 khi còn là một sinh viên ở Đại học Eastern Kentucky, Mỹ. Một người bạn rủ anh đi leo núi đá cùng Doug Benn, một nhà nghiên cứu làm việc tại Đại học St. Andrews, Scotland. Sau những chuyến leo núi và uống rượu trò chuyện, Jason và Doug thân thiết hơn, cùng quan tâm tới các động sông băng và lên kế hoạch khám phá.
Tháng 11/2005, hai người dành 7 tuần để thám hiểm, lập bản đồ các động sông băng ở độ cao gần 5.000 m so với mực nước biển tại vùng núi Everest. Từ năm 2006 trở đi, sau khi tốt nghiệp đại học, Jason bước chân tới nhiều vùng sông băng khác trên thế giới để nghiên cứu và thử thách bản thân như Alaska, Nepal, Svalbard, Na Uy...
Trên hình là khu vực sông băng Ngozumpa bao bọc bởi các khối đá và núi san sát nhau ở vùng núi Everest, Nepal.
Mahesh Magar, hướng dẫn viên người Nepal đang đứng trước cửa hang vào sông băng Khumbu, cách không xa EBC (một trạm dừng leo núi Everest). Nằm ở độ cao hơn 5.300 m, đây là một trong những sông băng ở vị trí cao nhất thế giới, tuy nhiên, giới khoa học dự đoán băng tại dãy Himalaya có thể bị tan hết vào năm 2100.
Suốt mùa hè, các động băng dựng đứng sẽ bị xả đầy nước như thác đổ. Đến mùa thu nhiệt độ mát mẻ hơn khiến bề mặt các động ngưng tan băng và tạo ra một số khe để con người có thể bước vào khám phá trước khi tất cả đông cứng vào mùa đông.
Ý kiến ()