Sóng Covid-19 thứ hai đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người Ấn Độ mỗi ngày. Nước này đến nay ghi nhận hơn 26 triệu ca nhiễm và hơn 295.000 người chết, là vùng dịch lớn thứ hai thế giới.
Hôm 19/5, Ấn Độ báo cáo 4.592 ca tử vong vì Covid-19, con số cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát. Tháng 4 là tháng tồi tệ nhất về số ca nhiễm với gần 7 triệu ca. Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng con số tử vong và lây nhiễm thực tế còn có thể cao hơn từ 5 đến 10 lần.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm sụp đổ hệ thống y tế vốn tương đối lạc hậu, tồi tàn của Ấn Độ. Hàng loạt bang rơi vào tình cảnh thiếu oxy, giường bệnh, thuốc điều trị, vaccine và cả nhân viên y tế, bên cạnh những vật phẩm thiết yếu khác.
Virus đã tràn lan không thể kiểm soát tại những vũng nông thôn nơi các trường hợp nhiễm bệnh có thể không được báo cáo do thiếu xét nghiệm. Dù vậy, Ấn Độ vẫn tồn tại những "điểm sáng" le loi, là những bang hay thành phố đang đối phó với cuộc khủng hoảng y tế khả quan hơn so với phần còn lại của đất nước.
Thành phố Mumbai thuộc bang miền tây Maharashtra, thủ phủ tài chính của Ấn Độ, đã đi cả chặng đường dài để chuyển mình từ một điểm nóng bùng phát dịch bệnh tại khu vực giờ đây trở thành điển hình chống dịch thành công.
Các ca nhiễm Covid-19 của thành phố bắt đầu tăng cao từ tháng hai. Hôm 4/4, Mumbai ghi nhận mức tăng cao nhất trong một ngày với 11.206 ca nhiễm mới. Tuy nhiên những ngày gần đây, thành phố với dân số hơn 12 triệu người này đang chứng kiến số ca nhiễm giảm nhanh. Hôm 19/5, Mumbai chỉ báo cáo 1.425 ca mới.
Ngoài khả năng kiểm soát virus, chính quyền thành phố cũng được ca ngợi nhờ đảm bảo đủ giường bệnh, thuốc điều trị, nguồn cung oxy cùng những nhu yếu phẩm khác.
"Chúng tôi đang tự động phản ứng và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào. Không có trường hợp nào mà người bệnh cần giường trang bị oxy mà không nhận được", Iqbal Singh Chahal, ủy viên hội đồng thành phố, nói.
Theo ông, Mumbai đã áp dụng cách tiếp cận phi tập trung để quản lý cuộc khủng hoảng, thiết lập các trạm chỉ huy ở tất cả 24 quận của thành phố. Mỗi trạm đều có đủ xe cứu thương, bác sĩ, điện thoại viên cùng những cơ sở hạ tầng y tế cơ bản khác.
Chính quyền thành phố cũng tập trung quản lý hiệu quả oxy y tế, đảm bảo luôn có đủ nguồn cung cho những bệnh nhân Covid-19 nặng.
Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ca ngợi thành công của Ấn Độ trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh, đồng thời thúc giục các bang, thành phố khác, bao gồm cả thủ đô New Delhi, áp dụng mô hình này để chống dịch.
"Tôi có một đội ngũ tuyệt vời. Chúng tôi chưa phút nào lơ là cảnh giác và sẽ vượt qua mọi trở ngại, kể cả việc tiêm vaccine cho người dân", Chahal cho biết thêm.
Bang miền nam Kerala cũng đang duy trì được đường biểu đồ gia tăng số ca nhiễm ở trạng thái phẳng và tỷ lệ tử vong ở mức thấp kể từ khi bắt đầu đại dịch. Bang này hiện báo cáo hơn 2,2 triệu ca nhiễm và hơn 6.600 người chết vì Covid-19, tương đương tỷ lệ tử vong là 0,32%, thấp nhất Ấn Độ.
Hệ thống y tế công cộng được đầu tư cùng chiến lược xét nghiệm hiệu quả là hai yếu tố chính giúp Kerala thu về những kết quả khả quan hơn so với nhiều nơi khác.
Dẫn dắt nỗ lực chống dịch ở tuyến đầu là K. K. Shailaja, người đứng đầu cơ quan y tế bang suốt 5 năm qua.
"Chúng tôi làm mọi thứ một cách khoa học nhằm kiềm chế sự lây lan, trì hoãn thời gian số ca nhiễm đạt đỉnh và tận dụng thời gian đó để tăng cường cơ sở hạ tầng", Shailaja cho hay. "Vào giai đoạn cao điểm của đại dịch tại bang, chỉ 50% số giường chăm sóc đặc biệt được dùng và công suất sử dụng máy thở dưới 40%".
Theo giới quan sát, việc xác định sớm những bệnh nhân có nguy cơ cao và theo dõi sát các yếu tố cho thấy tình trạng bệnh xấu đi ở bệnh nhân nhập viện đã phần nào kiểm soát tình hình.
Mặt khác, việc quản lý y tế dựa trên bằng chứng và chăm sóc điều dưỡng hiệu quả nhằm ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng thứ cấp đã giúp giữ cho số ca tử vong ở mức thấp.
Các bang miền nam khác như Karnataka và Andhra Pradesh cũng đang hoạt động tương đối tốt bằng cách tích hợp những tư vấn kỹ thuật do chuyên gia đưa ra vào chính sách chống dịch.
Việc ra quyết định ở những bang này được thực hiện dựa trên dữ liệu từ các ủy ban dịch tễ học.
"Ủy ban Andhra luôn theo dõi sát mọi diễn biến thực tế. Họ sẽ đánh giá xem nơi nào xét nghiệm đang yếu, chất lượng các bộ xét nghiệm, nơi nào bị đình trệ, tỷ lệ sử dụng phòng chăm sóc đặc biệt và giường bệnh là bao nhiêu", Gautam Menon, chuyên gia y tế công cộng, giáo sư vật lý và sinh học tại Đại học Ashoka ở thành phố Sonipat, nhận xét.
Ý kiến ()