Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:24 (GMT +7)
Những đối tượng tiêm vắc xin bắt buộc
Thứ 5, 04/05/2023 | 11:18:57 [GMT +7] A A
Liên quan đến một số bệnh của trẻ do khoảng trống về tiêm chủng mở rộng trong thời gian 3 năm chống dịch COVID-19, tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh mới đây, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân nhấn mạnh các địa phương cần đẩy nhanh rà soát, lập danh sách trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc xin.
Cùng với đó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản hướng dẫn xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng.
Cụ thể, đối tượng, lịch tiêm chủng vắc xin bắt buộc trong Tiêm chủng mở rộng được quy định như sau:
Trẻ sơ sinh: tiêm vắc xin viêm gan B.
Trẻ dưới 1 tuổi: Tiêm vắc xin BCG (lao), bOPV (bại liệt), DPT-VGB-Hib (vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, IPV (vắc xin bất hoạt phòng bệnh bại liệt), sởi.
Trẻ 1 - 5 tuổi: tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B.
Trẻ 18 - 24 tháng: tiêm vắc xin sởi-rubella, DPT (bạch hầu, ho gà, uống ván).
Phụ nữ có thai: tiêm vắc xin uốn ván.
Lịch tiêm chủng các vắc xin khác đưa vào Tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới bao gồm:
Trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi: vắc xin IPV mũi 2. Hiện vắc xin này tiếp tục được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc theo dự án do GAVI hỗ trợ.
Trẻ 7 tuổi: tiêm vắc xin phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 7 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố.
Trẻ dưới 1 tuổi: vắc xin Rota.
Các vắc xin được đưa vào trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin Bộ Y tế, tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho thấy 67 triệu trẻ em trên toàn cầu, trong đó có gần 250.000 trẻ em Việt Nam, bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vắc xin trong hơn ba năm dịch COVID-19.
Lí do là các dịch vụ tiêm chủng bị gián đoạn vì hệ thống y tế quá tải, nguồn lực khan hiếm và bị phân tán, tình trạng xung đột và dễ bị tổn thương, sự sụt giảm niềm tin của người dân vào tiêm chủng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF kêu gọi các nỗ lực bắt kịp tiêm chủng ở quy mô lớn cho tất cả trẻ em đã bỏ lỡ lịch tiêm chủng định kì trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch, khôi phục độ bao phủ thiết yếu ít nhất là bằng với mức của năm 2019 để tránh bùng phát các căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin trong thời gian sắp tới. Về lâu dài, hệ thống y tế cơ sở cũng cần được tăng cường để hỗ trợ việc tiêm chủng định kì.
Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2023 cho thấy 48 triệu trẻ em trên toàn cầu đã không được tiêm liều vắc xin nào, hay còn gọi là “0 liều vắc xin”. Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vắc xin” nhiều nhất thế giới, với số lượng 187.315 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vắc xin nào trong năm 2021.
Tại Việt Nam, số liệu cho thấy tỉ lệ trẻ em không được tiêm chủng ở thành thị cao hơn khoảng 1,5 lần so với trẻ em sống ở nông thôn (6,3% - 4,2%). Trong khi tỉ lệ này ở nhóm các hộ gia đình nghèo nhất cao gần gấp đôi so với nhóm các hộ gia giàu nhất (13,5% - 6,6%).
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()