Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 20:27 (GMT +7)
Những đổi thay từ thành quả xây dựng nông thôn mới
Thứ 7, 22/04/2023 | 11:26:24 [GMT +7] A A
Ở khắp các vùng quê của Quảng Ninh, hình ảnh về những con đường rộng thênh thang, hai bên được điểm trang bằng hàng rào xanh, đường hoa đầy màu sắc. Những trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, to, đẹp với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu học tập, khám chữa bệnh và sinh hoạt của nhân dân. Những khu vườn mẫu, khu trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế.
Ngay từ ngày đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cách làm của Quảng Ninh đã có sự khác biệt so với các địa phương khác trong cả nước. Không làm thí điểm mà triển khai đồng loạt Chương trình xây dựng NTM ở tất cả 125/125 xã, đặc biệt, cùng với Chương trình xây dựng NTM, Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm là một chương trình chưa có tiền lệ và Quảng Ninh là tỉnh tiên phong đi đầu trong cả nước…
Từ cách làm trên đã thể hiện quan điểm chiến lược cho sự phát triển bền vững của Quảng Ninh về xây dựng NTM và đầu tư phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Kỳ Thượng là một xã vùng cao được cho là xã khó khăn nhất so với các xã khác của thành phố Hạ Long, xã có tỷ lệ người đồng bào dân tộc chiếm gần 100%, địa hình đồi núi, dân cư sống phân tán, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo khi đó lên tới trên 90%...
Để tạo thế bứt phá từ chương trình xây dựng NTM, cấp ủy đảng chính quyền huyện Hoành Bồ trước đây (nay là thành phố Hạ Long) đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại, gia trại, vườn đồi kết hợp với trồng rừng. Tuy nhiên, với một địa hình tương đối phức tạp nên việc đầu tư là rất lớn, mặt khác, trong phát triển kinh tế lại càng khó khăn hơn bởi người dân của xã Kỳ Thượng còn nhiều hạn chế về kiến thức sản xuất canh tác.
Từ thực tiễn của địa phương, cùng với huy động mọi nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng thành phố Hạ Long đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời phân công, giao và gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ.
Cùng với hướng chăn nuôi, phát triển kinh tế mới, nhiều triển vọng cho người dân trên địa bàn xã Kỳ Thượng thì kể từ khi cơ sở hạ tầng được đầu tư, người đồng bào dân tộc nơi đây đã cùng nhau thành lập doanh nghiệp, cùng nhau góp vốn đầu tư xây dựng mô hình dịch vụ, du lịch trải nghiệm. Anh Lý Tài Ngân hiện đang là Giám đốc Công ty CP Am Váp Farm, xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) cho biết: Người thì góp đất, người thì góp tiền được hơn 7 tỷ đồng và giờ chúng tôi đã có một quần thể khu du lịch trải nghiệm gắn với bản sắc vùng đồng bào. Vào cuối tuần khách du lịch đến đây đông lắm, có hôm đến tới hơn 100 khách nên chúng tôi đang vận động các hộ dân ở đây cải tạo lại nhà cửa để đón khách đến ở qua đêm.
Cũng giống như xã Kỳ Thượng của TP Hạ Long, xã Đạp Thanh huyện Ba Chẽ thời điểm khi bắt đầu xây dựng NTM khó khăn chồng chất khó khăn cả về cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân. Nhưng nhờ chương trình xây dựng NTM bộ mặt nông thôn của xã Đạp Thanh bừng sáng với những tuyến đường liên thôn, liên bản được bê tông hóa vẫn đang nối dài, những ngôi nhà xây kiên cố, những mô hình kinh tế được người dân đầu tư bài bản mang lại thu nhập mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng.
Công ty CP kinh doanh Lâm Sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) có số doanh thu mỗi năm lên tới gần 5 tỷ đồng từ sản phẩm trà hoa vàng. Theo anh Nịnh Văn Trắng giám đốc Công ty cho biết: Trước đây cây trà hoa vàng mọc hoang trên các cánh rừng và vào những vụ hoa nở người dân lấy về làm nước uống hàng ngày hoặc thông qua một vài thương lái mang bán cho Trung Quốc với số lượng còn khá ít. Nhưng kể từ khi huyện triển khai chương trình xây dựng NTM, chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm, những cây trà hoa vàng sống đơn côi trên các cánh rừng dần được chuyển về trồng tại vườn và đến nay số diện tích trồng cây trà hoa vàng của riêng thôn tôi cũng lên đến hàng nghìn m2.
Rõ ràng từ cách làm, cách triển khai bài bản trong xây dựng NTM của Quảng Ninh thời gian qua, cơ sở hạ tầng kinh tế được đầu tư đồng bộ, kinh tế khu vực nông thôn phát triển tích cực, nhiều mô hình đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị và các sản phẩm OCOP thông qua phát triển các sản phẩm địa phương, chỉ dẫn địa lý, quảng bá thương hiệu để trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị cao. Đây chính là thành quả tạo sự thay da đổi thịt ở khắp các vùng nông thôn với nếp sống văn minh, hiện đại nhưng vẫn không làm mất đi hồn cốt vốn có, đưa nông thôn ngày càng trở thành những miền quê đáng sống, góp phần không ngừng được cải thiện, nâng cao đời sống bà con nông dân trên chặng đường mới.
Phạm Hải
Liên kết website
Ý kiến ()