Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:21 (GMT +7)
Những điều F0 điều trị tại nhà cần biết
Thứ 5, 06/01/2022 | 17:19:02 [GMT +7] A A
Trong giai đoạn bình thường mới, việc vô tình trở thành F0 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đã là F0 thì nên nắm rõ một số nguyên tắc điều trị bệnh cơ bản, nếu được cho cách ly điều trị tại nhà...
1. Các biện pháp hỗ trợ không dùng thuốc cho F0 điều trị tại nhà
Có rất nhiều biện pháp được các chuyên gia khuyến cáo và đã được rất nhiều F0 áp dụng và đã thành công. Bộ Y tế cũng có Quyết định số 4539/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19". Theo đó, tại hướng dẫn này có nêu 2 phương pháp xông phòng ở, nơi làm việc, nhằm hạn chế và phòng ngừa bệnh.
Phương pháp xông bằng thảo dược:
- Các loại thảo dược như: Hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió... Có thể dùng 1 loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g-400g, tùy theo diện tích phòng.
Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.
Phương pháp xông bằng tinh dầu thảo dược:
- Các loại dược liệu: Các loại tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... Các sản phẩm này phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.
Tùy theo diện tích phòng (từ 10-40 m2), lấy lượng tinh dầu phù hợp (từ 2-4ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.
Lưu ý: Cả hai phương pháp này, không được xông trực tiếp vào người. Không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.
Ngoài ra cần uống nhiều nước ấm. Nên dùng nước bù dịch gói oresol pha với nước đun sôi để nguội. Bổ sung thêm các loại vitamin như: vitamin C, vitamin nhóm B, kẽm… cho cả người lớn và trẻ em để nâng cao sức đề kháng.
Trong trường hợp có nghẹt mũi, có thể nhỏ mũi hay rửa mũi bằng nước muối sinh lý có bán sẵn các quầy thuốc tây.
Nên thường xuyên súc họng sâu bằng nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày. Nếu đau họng có thể súc miệng nhiều hơn tầm 3 đến 5 lần trong ngày. Thường xuyên giữ ấm cơ thể, tránh nhiễm lạnh vì có thể khiến tình trạng bệnh nặng lên.
2. Túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà có những thuốc gì?
Túi thuốc phát cho F0 được điều trị tại nhà bao gồm 3 gói A, B, C.
- Nhóm A: Bao gồm những thuốc thông dụng, như: Thuốc hạ sốt paracetamol, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin C, vitamin tổng hợp...).
Lưu ý, không sử dụng các thuốc nhóm B cho phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh như: Viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác.
- Nhóm B: Gồm các thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày. Thuốc chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt.
- Nhóm C: Bao gồm các thuốc kháng virus molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg; hoặc favipiravir viên 200mg.Gói thuốc C có lượng thuốc đủ dùng trong 5 ngày.
Không dùng nhóm thuốc C cho phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch có thai, phụ nữ đang cho con bú.
3. Cách sử dụng các thuốc cho F0 điều trị tại nhà an toàn
Không phải tất cả F0 đều cần phải uống thuốc, do đó bệnh nhân không nên sử dụng thuốc bừa bãi, nhất là các toa thuốc truyền miệng càng nên không dùng.
Mỗi bệnh nhân là một cơ địa khác nhau. Khi virus xâm nhập sẽ cho ra các triệu chứng, diễn biến, tiên lượng khác nhau. Do đó, việc điều trị mỗi bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào từng người cụ thể.
Việc điều trị F0 tại nhà chủ yếu là đối với các trường hợp bệnh nhẹ, khi bệnh chuyển biến nặng hơn cần được đưa đi điều trị cách ly. Do đó, ngoài các thuốc được cấp phát trong túi thuốc và hướng dẫn sử dụng tại nhà theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các thuốc khác.
- Thuốc nhóm A: Thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol dùng để hạ sốt, thường chỉ dùng khi sốt trên 38.5 độ C, theo liều 10-15mg/kg cân nặng cho mỗi lần dùng. Ngày dùng không quá 4-6 lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ. Dùng quá liều sẽ dẫn đến có hại và có thể gây ngộ độc gan.
Các loại vitamin, tăng cường sức đề kháng, uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên.
- Các thuốc nhóm B: Thuốc kháng viêm như medrol, prednisolol, dexamethazone hay aspirin hoặc kháng vitamin K dạng uống. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Đối với thuốc ở gói B, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng trong một số tình huống đặc biệt, có triệu chứng sớm của suy hô hấp như cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần mỗi phút hoặc đo SpO2 dưới 95%. Nếu chưa liên hệ được bác sĩ, người bệnh có thể tự uống thuốc kháng viêm và thuốc chống đông nhưng không quá 3 ngày. Trong thời gian này người bệnh cần tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.
- Thuốc nhóm C: Các thuốc kháng virus molnupiravir, favipiravir hiện tại theo chương trình tài trợ và được cấp phát miễn phí.
Trong chương trình cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà, gói thuốc C được sự chỉ đạo của Bộ Y tế thêm vào túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà và phải có những điều kiện khi sử dụng thuốc. Gói thuốc C chỉ dành cho F0 đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 dương tính sau khi xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR, có triệu chứng nhẹ, thể hiện qua nhịp thở dưới 20 lần/phút, nồng độ SpO2 cao hơn hoặc bằng 96%.
Tuy nhiên, nếu vì một số lý do gì đó thuốc chưa được phát thì bệnh nhân cũng không quá cần thiết săn lùng mua trên các nguồn chưa rõ ràng. Rất nhiều F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh mà chưa cần dùng thuốc kháng virus đặc trị. Nên việc săn lùng mua thuốc là việc không nên làm trong giai đoạn hiện nay.
Các thuốc khác như:
- Thuốc giảm ho: Các thuốc giảm ho như terpin, codein... chỉ dùng khi ho quá nhiều và cân nhắc sử dụng, vì ho là một phản ứng có lợi cho cơ thể, giúp tống đàm, virus, vi khuẩn bội nhiễm ra ngoài.
- Thuốc loãng đờm: Các thuốc acetylcystein, bromhexin... có tác dụng làm loãng đờm, giúp bệnh nhân khạc đờm ra dễ dàng hơn. Thuốc này chỉ dùng khi nào ho có đờm, không dùng hoặc hạn chế dùng chung với các nhóm thuốc giảm ho. Bởi khi có đờm mà lại dùng thuốc giảm ho sẽ ức chế ho và bệnh nhân không có cơn ho để khạc đờm ra ngoài.
- Kháng sinh: Đây là nhóm thuốc mà thực tế lâm sàng thấy bệnh nhân F0 rất hay sử dụng, mà hầu như theo các quan sát của các chuyên gia là không cần thiết.
Bản chất bệnh do virus nói chung và SARS-CoV-2 gây ra, nếu tình trạng bệnh không có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn thì việc sử dụng kháng sinh hoàn toàn không mang lại lợi ích, mà còn gây hại.
Tuy nhiên, nhiều F0 do quá lo lắng về bệnh nên sử dụng kháng sinh theo hướng dẫn của "bác sĩ mạng". Việc sử dụng kháng sinh trong hầu hết các toa thuốc trị COVID-19 hiện nay trên mạng thực sự là một báo động đỏ cho việc lạm dụng kháng sinh.
Cuối cùng và quan trọng nhất trong điều trị COVID-19 tại nhà đó là cần phải theo dõi các dấu hiệu chuyển độ nặng.
Các dấu hiệu cần lưu ý đó là:
- Mệt hơn, khó chịu nhiều, ho nhiều hơn, tức ngực, khó thở, tím tái đầu chi, đo tần số thở tăng trên 20 lần/phút.
- Đo độ bão hòa oxy máu chỉ số SpO2 dưới 96%.
Khi có các dấu hiệu trên, cần liên hệ cơ quan y tế gần nhất để nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện dã chiến điều trị. Vì đó là các dấu hiệu của suy hô hấp, một tình trạng cần theo dõi và điều trị sâu hơn bởi các chuyên gia trong bệnh viện.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()