Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:35 (GMT +7)
Những điều cần biết về hội chứng khô mắt
Thứ 6, 21/10/2022 | 14:10:20 [GMT +7] A A
Khô mắt có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt với các triệu chứng như đau mắt hoặc khó chịu, mờ mắt và tăng nhạy cảm với ánh sáng.
Theo Medical News Today (MNT), khô mắt xảy ra khi mắt tiết ra quá ít nước mắt hoặc nước mắt bay hơi quá nhanh. Khô mắt có thể từ nhẹ đến nặng. Các trường hợp nhẹ có thể sử dụng phương pháp điều trị không kê đơn (OTC), nhưng trường hợp nặng hơn cần dùng thuốc theo toa.
Triệu chứng của khô mắt
Hội chứng khô mắt có thể gây ra một loạt các triệu chứng bao gồm: đỏ mắt hoặc đau nhức chảy nước mắt nhiều, cảm giác châm chích hoặc bỏng rát ở mắt, cảm giác sạn trong mắt, chất nhầy trong hoặc xung quanh mắt, mắt nhạy cảm với khói, gió hay ánh sáng, mờ mắt và tầm nhìn đôi.
Ngoài ra, mỏi mắt sau khi đọc sách ngay cả trong thời gian ngắn, khó giữ mắt mở, khó chịu khi đeo kính áp tròng hay mí mắt dính vào nhau khi thức dậy cũng là triệu chứng thường gặp khi bị khô mắt.
Một số người có thể trải qua cảm giác đau mắt dữ dội. Điều này dẫn đến lo lắng và khó hoạt động hàng ngày.
Nguy cơ gây khô mắt
Theo MNT, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh khô mắt bao gồm:
Các vấn đề về mí mắt
Mỗi khi chớp mắt, mí mắt sẽ trải một lớp màng nước mắt mỏng trên bề mặt của mắt. Các vấn đề về mí mắt có thể ảnh hưởng đến chuyển động chớp mắt bao gồm:
- Ectropion: Tình trạng mí mắt hướng ra ngoài
- Entropion: Tình trạng mí mắt hướng vào trong
- Viêm bờ mi hay tình trạng viêm mí mắt
Việc đeo kính áp tròng cũng có thể ảnh hưởng đến chuyển động chớp mắt, gây khô mắt.
Các tình trạng y tế khác
Một số tình trạng y tế có thể làm giảm sản xuất nước mắt bao gồm thiếu vitamin A, bệnh tiểu đường, xạ trị hay mắc bệnh tự miễn như hội chứng Sjogren, lupus ban đỏ, xơ cứng bì và viêm khớp dạng thấp.
Yếu tố môi trường
Các yếu tố môi trường nhất định có thể ảnh hưởng đến tốc độ bay hơi nước mắt như thời tiết khô, nóng hoặc gió, điều hòa không khí, độ cao, tiếp xúc với khói và sử dụng kính áp tròng.
Những yếu tố môi trường khác có thể làm tăng khả năng tập trung thị giác và làm chậm tốc độ chớp mắt, khiến mắt bị khô như sử dụng màn hình máy tính, đọc sách hay lái xe.
Phương pháp điều trị khô mắt
Điều trị khô mắt nhằm mục đích:
- Khôi phục hoặc duy trì mức nước mắt thích hợp
- Giảm khô và khó chịu
- Duy trì sức khỏe tổng thể của mắt
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây khô mắt, việc điều trị có thể bao gồm một hoặc nhiều phương pháp sau:
Thêm nước mắt
Người bị khô mắt có thể điều trị các trường hợp nhẹ bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo không kê đơn. Dược sĩ có thể giới thiệu sản phẩm phù hợp nhất để sử dụng.
Nói chung, mọi người nên tránh sản phẩm có chứa chất bảo quản và chất phụ gia khác vì chúng có thể gây kích ứng thêm cho mắt khô.
Nhỏ mắt trước khi thực hiện các hoạt động có khả năng làm trầm trọng thêm triệu chứng khô mắt sẽ hữu ích. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng thuốc mỡ vào ban đêm vì nó có thể tạm thời làm mờ tầm nhìn.
Bảo tồn nước mắt
Mục đích của phương pháp này là giữ nước mắt trong mắt lâu hơn để ngăn ngừa khô mắt. Điều này có thể liên quan đến việc chặn các ống dẫn nước mắt thoát nước ra khỏi mắt.
Giải pháp tạm thời bao gồm việc chặn các ống dẫn nước mắt bằng nút nhỏ dạng gel hoặc silicone. Giải pháp lâu dài hơn là phẫu thuật để đóng các ống dẫn nước mắt.
Tăng sản xuất nước mắt
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ mắt để tăng tiết nước mắt. Người bị khô mắt nghiêm trọng hoặc dai dẳng có thể cần dùng cyclosporine đường uống (Restasis, Cequa) hoặc thuốc nhỏ mắt chứa lifitegrast (Xiidra).
Điều trị các tình trạng cơ bản
Cách bác sĩ tiếp cận các tình trạng tiềm ẩn có thể gây khô mắt sẽ tùy thuộc vào bệnh tình. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng viêm bờ mi do vi khuẩn hoặc thay đổi kế hoạch điều trị bệnh tự miễn của một người để kiểm soát bệnh tốt hơn.
Biện pháp cải thiện tại nhà
Chăm sóc mắt tại nhà có thể giúp làm giảm một số triệu chứng của bệnh khô mắt. Bác sĩ có thể đề nghị:
- Làm sạch mí mắt bằng chất tẩy rửa mí mắt theo toa để loại bỏ dầu và vi khuẩn
- Chườm ấm lên mí mắt để giảm đau hoặc nhức
- Xoa bóp mí mắt nhẹ nhàng
Thay đổi chế độ ăn uống
Theo Viện Mắt Quốc gia (NEI), sự thiếu hụt vitamin A hoặc axit béo omega-3 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh khô mắt. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin A hoặc Omega 3 có thể giúp điều trị các trường hợp khô mắt hiện có.
Nghiên cứu nhỏ năm 2019 với 30 nam giới bị khô mắt cho thấy việc bổ sung vitamin A trong thời gian ngắn giúp cải thiện chất lượng nước mắt, nhưng không cải thiện số lượng nước mắt.
Các nguồn cung cấp vitamin A bao gồm gan, cá béo, trứng, phô mai, sữa và sữa chua, rau đỏ và các loại rau lá xanh.
Phân tích tổng hợp năm 2019 gồm 17 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cho thấy việc bổ sung axit béo omega-3 cải thiện đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh khô mắt khi so sánh với giả dược.
Các nguồn cung cấp omega 3 bao gồm cá béo, hải sản, hạt lanh, đậu nành và dầu canola.
Phòng tránh khô mắt
Theo Hiệp hội Đo thị lực Mỹ, một số cách giúp ngăn ngừa khô mắt gồm:
- Nháy mắt thường xuyên khi đọc hoặc nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính trong thời gian dài.
- Đeo kính râm có gọng bao quanh khi ra ngoài để bảo vệ khỏi các yếu tố khí hậu gây khô mắt.
- Tránh môi trường khô ngoài trời.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm trong nhà tại nơi làm việc và tại nhà.
- Uống nhiều nước để tránh mất nước.
- Xin lời khuyên của bác sĩ về thực phẩm bổ sung nên uống cho bệnh khô mắt.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()