Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:47 (GMT +7)
Những điểm mới trong phương án cải cách tiền lương
Thứ 3, 19/09/2023 | 08:27:40 [GMT +7] A A
Đến cuối 2021, ngân sách dư gần 263.000 tỉ đồng cho cải cách tiền lương nhưng chưa thực hiện, theo Bộ Tài chính. Tới đây, nhiều điểm mới được nêu rõ trong đề án cải cách tiền lương.
Chưa phản ánh đúng thu nhập của người lao động
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng đã ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết 74/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đáng chú ý, Chính phủ cho hay đến cuối năm 2021, nguồn cải cách tiền lương từ ngân sách Trung ương chưa sử dụng khoảng hơn 54.500 tỉ đồng, trong đó, các bộ ngành chưa dùng gần 82 tỉ đồng. Các địa phương cũng dư tiền dành cho cải cách tiền lương gần 208.500 tỉ đồng. Như vậy, đến cuối 2021, ngân sách dư gần 263.000 tỉ đồng cho cải cách tiền lương nhưng chưa thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định bộ này sẽ rà soát, thống kê và báo cáo Quốc hội đầy đủ nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương tại ngày 31.1.2022.
Bộ này cũng sẽ đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đánh giá, hiện nay tiền lương của khu vực tư đang chạy nhanh hơn khu vực công.
Theo các dữ liệu thống kê thì bình quân tiền lương của khu vực công với 1 lao động có trình độ đại học vào khoảng 6 triệu đồng/tháng; còn tiền lương của lao động có trình độ tương đương ở khu vực tư đang là 8-9 triệu đồng/tháng.
Tuy tiền lương của khu vực công thấp hơn, nhưng các khoản phụ cấp lại nhiều hơn. Điều này chưa phản ánh đúng tiền lương, thu nhập của người lao động. Bởi vậy, cải cách tiền lương cũng đặt mục tiêu sắp xếp lại cơ cấu tiền lương cùng với các chế độ phụ cấp.
Cụ thể, trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động;
Thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng theo năng suất lao động, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Xoá bỏ tiền lương cơ sở
Trước đó, năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Việc cải cách được thực hiện đồng bộ từ tiền lương khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tới tiền lương của khu vực doanh nghiệp, người lao động. Mục tiêu là xây dựng một chính sách tiền lương có sự đồng bộ, hài hòa giữa khu vực công và khu vực tư.
Một trong những điểm chính khi cải cách tiền lương là xóa bỏ tiền lương cơ sở. Theo đó, lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ được thiết kế gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm: Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.
Xác định vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương. Theo đó, người đứng đầu được sử dụng kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.
Về tiền lương khu vực tư, tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng, đảm bảo tiền lương đáp ứng được mức sống tối thiểu. Đảm bảo nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, và tính tương quan với tiền lương khu vực công.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()