Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:51 (GMT +7)
Những điểm mới trong kỳ thi đánh giá năng lực của các trường top đầu
Thứ 2, 16/12/2024 | 14:16:17 [GMT +7] A A
Năm 2025, các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của các trường top đầu có thay đổi.
Đại học Quốc gia Hà Nội
Cấu trúc đề thi tham khảo đánh giá năng lực (HAS) năm 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 50 câu hỏi Toán học và Xử lý số liệu, 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực Văn học - Ngôn ngữ. Đây là hai phần thi bắt buộc của bài thi HSA.
Câu hỏi trong đề thi HSA có khoảng 75% là câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và 25% câu hỏi điền đáp án.
Nếu năm ngoái, câu hỏi chùm chỉ xuất hiện ở phần thi Ngôn ngữ thì từ năm 2025, đề thi HSA bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao.
Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực. Đây là những thay đổi về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực.
Đặc biệt, năm 2025, câu hỏi trong đề thi sẽ không sắp xếp từ dễ đến khó mà được xáo trộn một cách ngẫu nhiên theo ma trận cố định.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh từ năm 2025 vẫn gồm 3 phần, nhưng có điều chỉnh so với bài thi hiện tại, tập trung chủ yếu vào phần giải quyết vấn đề.
Theo đó, từ năm 2025, bài thi đánh giá năng lực sẽ giữ cấu trúc phần sử dụng Ngôn ngữ và Toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.
Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề - được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kinh tế và Xã hội.
Các câu hỏi trong phần tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
Đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi.
Điểm thi được quy đổi theo từng phần. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa từng thành phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm: Tiếng Việt là 300 điểm, Tiếng Anh là 300 điểm; Toán học là 300 điểm và Tư duy khoa học là 300 điểm.
Đại học Bách khoa Hà Nội
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có từ 3-4 kíp thi tại 30 điểm. Như vậy, so với năm ngoái, năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội giảm 3 đợt thi.
Ngoài các điểm thi trước đây, năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội mở thêm điểm thi mới để hỗ trợ các em học sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc (điểm thi tại tỉnh Lào Cai).
Kỳ thi có thể đáp ứng cho khoảng 75.000 lượt thi. Thông tin cụ thể các đợt thi như sau:
Đợt 1: Ngày thi 18-19/1/2025, ngày mở đăng ký 1-6/12/2024
Đợt 2: Ngày thi 8-9/3/2025, ngày mở đăng ký 1-6/2/2025
Đợt 3: Ngày thi 26-27/4/2025, ngày mở đăng ký 1-6/4/2025
Bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội gồm 3 phần: Tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy khoa học/giải quyết vấn đề. Đây là 3 phần thi độc lập.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tại kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thí sinh được đăng ký thi các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.
Mỗi trường đại học quy định số lượng và tổ hợp môn thi khác nhau để lấy kết quả thi, xét tuyển vào các ngành đào tạo. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để đăng kí đúng và đủ số môn thi, phù hợp với nguyện vọng xét tuyển.
Nhà trường cũng lưu ý, từ năm 2026, dự kiến kỳ thi sẽ bổ sung các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Nội dung các bài thi tương ứng với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT; phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và định hướng dạy học, kiểm tra đánh giá của Bộ GD&ĐT.
Đề thi kết hợp các dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp theo cấu trúc từng bài thi; đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh gồm 6 bài thi độc lập: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh.
Đề thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học gồm 40 câu, chia thành 3 phần, thay vì 50 câu với 2 phần như trước đây.
Với môn Ngữ văn, đề gồm 22 câu ở 3 phần: Đọc hiểu (trắc nghiệm); viết đoạn văn ngắn; bài luận. Phần viết đoạn văn ngắn là nội dung mới so với đề các năm trước.
Với môn Tiếng Anh, cấu trúc đề thi giữ nguyên, gồm 4 phần nghe, nói, đọc, viết. Ngữ liệu được lấy trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nội dung đề có khoảng 70-80% kiến thức lớp 12, còn lại lớp 10, 11. Thí sinh có thể đăng ký một hoặc nhiều bài thi, tùy vào nhu cầu và tổ hợp xét tuyển.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()