Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:37 (GMT +7)
Những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021
Thứ 4, 23/06/2021 | 10:14:00 [GMT +7] A A
Ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma tuý (Luật số 73/2021/QH14); có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
Luật Phòng, chống ma túy gồm 08 chương 55 điều, quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy. So với Luật hiện hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có một số điểm mới chủ yếu như sau:
1. Các quy định đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất (tại chương III) và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên (tại chương IV).
2. Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy. Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này (tại chương II).
3. Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy:
– Người sử dụng trái phép chất ma túy bị lập danh sách và được quản lý, theo dõi, hỗ trợ… trong thời hạn 01 năm bởi Ủy ban nhân dân cấp xã. Quy định rõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính (Điều 23).
– Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (Điều 32);
– Người hoàn thành cai nghiện ma túy (tự nguyện, bắt buộc), người hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.
– Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
4. Bổ sung quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp.
5. Đối với cai nghiện ma túy:
– Bổ sung quy định cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp (hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế) (Điều 27).
– Bổ sung quy định nhằm linh hoạt hơn khi lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy có thể thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (Điều 31, 35).
– Bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy thông qua việc quy định rõ các giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (Điều 29); quyền và trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (Điều 35, 36) và chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện (khoản 3 Điều 30).
– Quy định cho phép cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Luật này được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhằm góp phần hỗ trợ, khắc phục hạn chế của công tác này thời gian qua (khoản 7 Điều 30).
Hà Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()