Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:32 (GMT +7)
Những địa điểm thích hợp để quan sát mưa sao băng đẹp nhất năm
Thứ 3, 25/07/2023 | 14:08:33 [GMT +7] A A
Perseids là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm, trong thời điểm cực đại có thể thấy 60 sao băng/giờ, thậm chí 100 sao băng/giờ.
Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam, mưa sao băng Delta Aquarids là hiện tượng diễn ra trong khoảng từ 12 tháng 7 đến 23 tháng 8 hàng năm với cực điểm rơi vào khoảng từ 27 đến 29 tháng 7.
Mưa sao băng Delta Aquarids được cho là kết quả để lại của sao chổi 96P Machholz - một sao chổi chu kì ngắn đã tới cận nhật lần gần đây nhất là vào năm 2017. Năm nay, cực điểm của mưa sao băng này sẽ rơi vào rạng sáng ngày 28 và 29 tháng 7. Thời điểm này đang là giai đoạn trước điểm Trăng tròn, do đó về cơ bản thì Mặt Trăng sẽ không gây ra cản trở nào cho việc quan sát của bạn.
Ngay sau trận mưa sao băng này sẽ là sự kiện mưa sao băng lớn nhất năm Perseids. Mưa sao băng Perseid được tạo ra bởi các mảnh vụn từ đuôi của sao chổi Swift-Tuttle. Sao chổi này bay vòng quanh Mặt trời sau mỗi 130 năm. Vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm, Trái đất lại hội ngộ loạt mảnh vụn do vị khách hành tinh bỏ lại. Khi các mảnh băng, đá và bụi va vào bầu khí quyển, chúng di chuyển với tốc độ 59 km/s sau đó sẽ bốc cháy tạo thành các vệt sáng và màu sắc - đó chính là các sao băng Perseids. Đôi khi chúng cũng tạo ra những quả cầu lửa dài hơn và sáng hơn do các mảnh vụn lớn ma sát với bầu khí quyển.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), mưa sao băng Perseids sẽ diễn ra từ 12-13/8. Perseids là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm, trong thời điểm cực đại có thể thấy 60 sao băng/giờ, thậm chí 100 sao băng/giờ.
Sau đây là gợi ý những điểm ngắm sao băng đẹp nhất năm từ HAS:
Đồi Pu Nhi (Sơn La): Cách Hà Nội khoảng 170km. Vẻ đẹp của Pu Nhi được ví như "Đà Lạt thu nhỏ". Ngọn đồi nhỏ giữa lòng Tây Bắc nằm giữa bạt ngàn sương mù. Tháng 8 này sẽ xuất hiện những biển mây trắng xóa bồng bềnh thơ mộng trên đồi Pu Nhi. Người yêu thiên văn có thể đắm chìm vào đường cong của dải ngân hà, thức dậy vào sáng sớm ta được chiêm ngưỡng cảnh sắc lung linh của mặt trời ló rạng từ phía đồi xa. Hơn nữa, Pu Nhi rất gần Tà Xùa, rất thích hợp để lên kế hoạch tụ tập nhóm bạn và cùng đồng hành trên chặng đường này.
Núi Bù Xèo (Thường Xuân - Thanh Hóa): Cách Hà Nội khoảng 200km. Bù Xèo là ngọn núi trung tâm phía ngay sau thị trấn Thường Xuân. Ngọn núi này còn có tên gọi khác là Pù Me hay Pù Mé. Pù trong tiếng Thái có nghĩa là núi, về sau, người Kinh đọc chệch đi thành Bù. Trên đỉnh ngọn núi có một bãi cỏ tương đối rộng, có thể sử dụng để cắm trại. Tuy vậy, để lên tới đỉnh núi các bạn không có cách nào khác ngoài đi bộ.
Cô Tô (Quảng Ninh): Cách Hà Nội khoảng 200km. Cô Tô là một hòn đảo tuyệt đẹp nằm ở tỉnh Quảng Ninh, còn hoang sơ với cát trắng, biển xanh, bờ cát thoai thoải, rừng núi xanh thẳm. Đây là địa điểm lý tưởng cho những tối thả người nằm dài trên cát, ngắm trăng, đếm sao, nghe gió và biển vỗ về.
Cao nguyên Đồng Cao (Bắc Giang): Cách Hà Nội khoảng 150km. Ấn tượng đầu tiên của bạn khi đặt chân đến đây là khung cảnh rất hoang sơ và gần như chưa có sự đụng chạm của các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp. Cao nguyên Đồng Cao được ví như " Mẫu sơn thu nhỏ" của Bắc Giang bởi cảnh núi non hùng vĩ, có đồi nhấp nhô, có thảo nguyên xanh mát, có rừng nguyên sinh rậm rạp, với địa hình thung lũng, cùng nhiều bãi đất phẳng cùng không khí trong lành. Đến với Đồng Cao khiến bạn có cảm giác như trời đất hòa làm một tạo bức tranh sống động đầy mê hoặc.
Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), thiên thạch (meteoroid) là các vật thể nhỏ có thể di chuyển trên bất kỳ quỹ đạo nào trong không gian. Kích thước của thiên thạch có thể chỉ vài centimet cho tới vài mét hay thậm chí lớn hơn.
Trên thực tế, có hàng triệu thiên thạch lao vào trái đất hằng ngày, hầu hết chúng rất nhỏ và bị nghiền nát ngay khi va chạm với tầng cao khí quyển. Những thiên thạch có kích thước lớn hơn (khoảng 10 cm trở lên) bị đốt nóng do áp suất nén của khí quyển và phát sáng thành vệt dài trên đường chuyển động.
Thông thường, vệt sáng này được quan sát thấy khi thiên thạch ở độ cao khoảng 75 - 120 km so với mặt đất (nếu khi tới đó nó chưa cháy hết). Hiện tượng đó được gọi là sao băng (meteor, hay shooting star, falling star).
Mưa sao băng thường kéo dài nhiều ngày, nhưng chỉ có một khoảng cực điểm ngắn. Tại cực điểm, một mưa sao băng có thể cho phép người quan sát nhìn thấy từ 10 đến hơn 100 sao băng (hoặc hơn) mỗi giờ (tuỳ thuộc vào mưa sao băng lớn hay nhỏ)Việc quan sát sao băng đòi hỏi yếu tố khí quyển rất quan trọng. Các đám mây mang nước ở thấp hơn nhiều so với độ cao mà thiên thạch cháy sáng, do đó những đêm mây mù hay có mưa hoàn toàn không có khả năng quan sát hiện tượng này.
Tại các khu vực ô nhiễm khí quyển như các đô thị lớn, các công trường xây dựng khả năng quan sát cũng hạn chế. Trăng sáng hoặc ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt cũng làm giảm mạnh khả năng quan sát sao băng.
Để quan sát mưa sao băng Perseid, không cần đến bất cứ dụng cụ thiên văn nào. Hãy tìm một địa điểm tối, cách xa ánh đèn thành phố và ngước nhìn lên bầu trời đêm. Đừng sử dụng kính viễn vọng và ống nhòm, chúng chỉ làm hạn chế tầm nhìn của bạn. Điều cần thiết duy nhất là tìm một chỗ ngồi thoải mái kèm theo đồ ăn nhẹ và đồ uống. Hãy để cho mắt bạn tự điều chỉnh trong vòng 20 phút, khi đó mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn. Khi mắt đã quen với bóng tối, bạn thậm chí có thể quan sát được các sao băng mờ nhạt hơn trên bầu trời.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()