Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 16:33 (GMT +7)
Những di tích liên quan đến ngành Than
Chủ nhật, 12/11/2023 | 17:45:17 [GMT +7] A A
Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành Than và những người thợ mỏ đã để lại cho Quảng Ninh nhiều di tích lịch sử in đậm dấu ấn vùng than.
Đầu tiên phải kể đến di tích địa điểm khai thác than đầu tiên, hay còn gọi là di tích Miếu Mỏ và Đền Bà Chúa Kẽm thuộc địa phận thôn Trại Hà, xã Yên Thọ (TX Đông Triều). Đây là nơi khởi nguồn ngành công nghiệp khai thác than của Việt Nam. Năm 2008, địa điểm khai thác than đầu tiên được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Tại Đông Triều còn có cụm di tích mỏ Mạo Khê gồm di tích thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, chùa Non Đông và Nhà máy cơ khí đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Những di tích liên quan đến ngành Than có nhiều nhất ở TP Cẩm Phả và TP Hạ Long. Di tích Khu lưu niệm Vùng than Cẩm Phả được Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện dự án bảo tồn từ năm 2019, lưu giữ hàng trăm tranh, ảnh, hiện vật về lịch sử phát triển của vùng than. Khu vực bảo tồn có diện tích khoảng 4.800m², bao gồm: Nhà Thị ủy cũ, nhà Bệnh viện Cẩm Phả cũ, hầm số 1, hầm số 2, sân tập trung, lầu vọng cảnh và hệ thống sân vườn, cây cổ thụ.
Cẩm Phả còn là nơi mở đầu Cuộc tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ tháng 11/1936, là một sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa rất to lớn. Đây là cuộc bãi công lớn nhất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936-1939. Năm 1996, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã có quyết định công nhận xếp hạng Nơi mở đầu Cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Khu vực Cọc Sáu - Cửa Ông (TP Cẩm Phả), còn có cụm di tích gắn liền với phong trào thợ mỏ từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó là Cụm di tích lịch sử Cầu trục Poóc-tích số 1, Trận địa pháo cao xạ 37mm, Hầm chỉ huy số 1 của Công ty Tuyển than Cửa Ông. Cụm di tích đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1997.
Ở Cẩm Phả còn có Khu di tích và danh thắng Vũng Đục, nơi chứng kiến tội ác đẫm máu của thực dân Pháp đối với các chiến sĩ cách mạng, những công nhân mỏ yêu nước trong những năm 1946-1948. Để tưởng nhớ và ghi nhận sự dũng cảm của những công nhân mỏ ưu tú, ngày 3/2/1993, Đảng bộ và nhân dân thị xã (nay là TP Cẩm Phả), đã xây dựng đài tưởng niệm ngay dưới chân núi Bàn Cờ, bên cạnh nơi mà thực dân Pháp đã dìm các chiến sĩ xuống biển. Khu di tích này được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 1999.
Di tích địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai ghi dấu sự kiện ngày 30/3/1959, Bác đã về thăm mỏ Đèo Nai và nói chuyện với công nhân, cán bộ công trường khai thác than Đèo Nai và dặn dò tinh thần, trách nhiệm trong sản xuất than với công nhân. Đây là mỏ than duy nhất được đón Bác về thăm. Di tích địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai đã được phục dựng nhằm tạo ra một địa chỉ để giáo dục truyền thống công nhân Vùng mỏ cho thế hệ trẻ. Năm 2016, Khu di tích này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích quốc gia.
Tại TP Hạ Long, đầu tiên phải kể đến Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (viết tắt là SFCT) là nơi gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của ngành công nghiệp khai thác và hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh than tại Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung. Trụ sở SFCT nay là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tọa lạc tại số 95A, đường Lê Thánh Tông, phường Hồng Gai, TP Hạ Long. Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh ngày 7/6/2021.
Di tích trận địa pháo 37mm của Xí nghiệp Bến Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai) nằm trên đồi cao 102m so với mặt nước biển, nơi các chiến sĩ tự vệ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (1964-1972). Năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng di tích Trận địa pháo 37mm của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia (Quyết định số 3457/VH-QĐ).
Cũng nằm trên địa bàn phường Hồng Gai, địa điểm được công nhận là di tích lưu niệm Binh đoàn Than xuất quân được kéo dài từ Trung tâm Văn hoá Điện ảnh Quảng Ninh đến hết Bến phà Bãi Cháy cũ. Đây không chỉ là sự ghi nhận những đóng góp của các chiến sĩ Binh đoàn Than, mà còn tạo thêm cho TP Hạ Long một di tích, một điểm đến có ý nghĩa lịch sử và nhân văn sâu sắc. Năm 2017, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận di tích lịch sử lưu niệm sự kiện thành lập Binh đoàn Than là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Bằng nhiều nguồn lực, thời gian qua, các di tích trên địa bàn tỉnh đều được quan tâm tôn tạo, gìn giữ và phát huy. Nhiều di tích khác như: Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy Khu mỏ Quảng Ninh, di tích lịch sử và danh thắng núi Bài Thơ gắn với sự kiện công nhân Đào Văn Tuất, lái xe lửa Nhà sàng Ba Đèo, cắm cờ trên núi vào rạng sáng ngày 1/5/1930 cũng được quan tâm tôn tạo.
Đến nay, phần lớn các di tích gắn với công nhân mỏ đã được xếp hạng, qua đó góp phần nâng cao công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy. Những di tích về ngành Than trên địa bàn tỉnh không chỉ là chứng tích ghi dấu một giai đoạn hào hùng của lịch sử khu mỏ mà còn là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần phát triển ngành du lịch.
Phạm Học
- Lịch sử Ngày Truyền thống công nhân mỏ
- Quá trình hình thành đội ngũ công nhân mỏ Quảng Ninh
- Ấm lòng công nhân mỏ
- Văn hóa công nhân mỏ - Nền tảng xây dựng văn hóa con người Quảng Ninh
- Tổng kết trại sáng tác văn học công nhân mỏ
- Tọa đàm văn học công nhân mỏ
- Văn hóa công nhân mỏ - Đặc trưng của văn hóa Quảng Ninh
- Xây dựng làng công nhân mỏ: Gìn giữ và phát huy truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm"
- Phát huy bản sắc văn hóa công nhân mỏ trong thời kỳ mới
Liên kết website
Ý kiến ()