Tất cả chuyên mục

Trên hành trình đổi mới, văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Ninh như một dòng chảy lớn, hòa vào dòng chảy mạnh mẽ của VHNT Việt Nam, với những tác phẩm mang cảm hứng thời đại, là tiếng nói tâm hồn bật lên từ hiện thực cuộc sống của Vùng mỏ, làm nên những dấu son đáng tự hào.
Quảng Ninh vốn là mảnh đất màu mỡ của VHNT, cái nôi của văn học công nhân, nơi hội tụ truyền thống văn hóa cùng nhịp sống sôi động của một vùng công nghiệp than. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, thực tiễn sinh động trong phong trào sáng tác VHNT tại Quảng Ninh khi ấy đã đòi hỏi cần phải có một giải thưởng dành cho các văn nghệ sĩ Vùng mỏ, tôn vinh những sáng tác của họ và thúc đẩy hơn nữa phong trào VHNT của tỉnh nhà. Vậy là giải thưởng Văn nghệ Hạ Long ra đời.
Năm 1981 là kỳ xét giải Văn nghệ Hạ Long đầu tiên cho các tác phẩm thuộc giai đoạn 1975-1980. Tới nay, Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long đã trải qua 9 kỳ trao giải, định kỳ 5 năm một lần, nhằm thúc đẩy phong trào sáng tác VHNT của tỉnh, tôn vinh những tác phẩm, những thành tựu cống hiến của văn nghệ sĩ đối với tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với giải Văn nghệ Hạ Long tôn vinh các tác giả, tác phẩm xuất sắc, từ năm 1985, UBND tỉnh đã ra quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ cho những người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực VHNT và xét trao tặng lần I vào năm 1986 với 10 nghệ sĩ được tôn vinh. Với 2 giải thưởng cao quý này, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước có giải thưởng tôn vinh VHNT, tôn vinh văn nghệ sĩ.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, cho biết: Hội VHNT Quảng Ninh là hội đầu tiên trên cả nước đề xuất với Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức giải thưởng Văn nghệ Hạ Long. Cho đến nay, trên 40 tỉnh thành trong cả nước đã có giải thưởng tương tự, đều học theo kinh nghiệm của Quảng Ninh. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm từ rất sớm của lãnh đạo tỉnh đối với đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Từ năm 1988, Quảng Ninh có thêm Ngày thơ Quảng Ninh, giải thưởng thơ Lê Thánh Tông tổ chức thường niên và được duy trì đến ngày nay. Ý tưởng Ngày thơ Quảng Ninh cũng là gợi ý để Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ Việt Nam sau này. Hiện nay, bên cạnh giải VHNT của tỉnh, các địa phương cũng lần lượt có thêm giải VHNT Trần Nhân Tông (TP Uông Bí) và giải VHNT Võ Huy Tâm (TP Cẩm Phả).
Đáng tự hào là trong các đợt trao tặng Giải thưởng nhà nước về VHNT, qua 5 lần trao giải, Quảng Ninh đã có 6 đại diện tiêu biểu được vinh danh, gồm: Cố nhà văn Võ Huy Tâm, cố nhà văn Lý Biên Cương, nhà thơ Trần Nhuận Minh, nhà văn Dương Hướng, nhạc sĩ Lê Đăng Vệ và nhạc sĩ Đỗ Hòa An.
Quảng Ninh cũng có 4 văn nghệ sĩ đã đạt kỷ lục Việt Nam. Cố nghệ sĩ điêu khắc than đá Nguyễn Tâm Nhâm đạt kỷ lục Người tạc nhiều tượng bằng than đá về danh hoạ Picasso nhất Việt Nam với 56 tác phẩm. Nhà thơ Trần Nhuận Minh với tác phẩm Nhà thơ và hoa cỏ đạt kỷ lục tập thơ thời kỳ đổi mới được tái bản nhiều lần nhất trên cả nước. Và hai cha con NSNA Đỗ Kha - người chụp nhiều ảnh đen trắng nhất về Vịnh Hạ Long, NSNA Đỗ Giang - người chụp ảnh Vịnh Hạ Long từ trên cao nhiều nhất.
Những thành tựu, dấu son trên chặng đường đã qua, cho thấy nỗ lực sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác VHNT trước hiện thực sống động của cuộc sống, phản ánh quá trình đổi thay mạnh mẽ của Vùng mỏ, là chất liệu dồi dào để tạo nên những tác phẩm VHNT mang cảm hứng đổi mới và sáng tạo, bản sắc và hội nhập, bắt nhịp cùng thời đại mới, sẵn sàng tâm thế bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ý kiến ()