Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:26 (GMT +7)
Những cuốn sách nổi bật phát hành tháng 12/2021
Thứ 5, 30/12/2021 | 08:18:57 [GMT +7] A A
Thông tin từ Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, trong tháng 12/2021, có ba cuốn sách nổi bật được độc giả hứng khởi đón nhận và nhắc tên nhiều nhất, đó là: Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của nhà thơ, nhà văn người Mỹ gốc Việt Ocean Vuong; Chia rẽ của Tim Marshall; Xứ Cát của Frank Herbert (tái bản).
Tiểu thuyết về quá trình một người nghệ sỹ trở thành nghệ sỹ
Nhà thơ, nhà văn người Mỹ gốc Việt Ocean Vuong đã trở thành một hiện tượng gây chú ý khi tập thơ đầu tay của anh - Trời đêm những vết thương xuyên thấu (Night sky with exit wounds) được độc giả trên khắp thế giới đón nhận, liên tục được xướng tên tại những lễ trao giải danh giá nhất. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Ocean Vuong "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" (tên gốc là On Earth we're briefly gorgeous), khi vừa xuất bản đã ngay lập tức lọt vào danh sách bestseller của New York Times và trở thành cuốn sách đáng mong đợi nhất năm 2019 từ giới phê bình, càn quét hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ.Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian được viết dưới dạng những bức thư của một người con trai gửi cho người mẹ không biết chữ. Nhân vật chính - Chó Con - khi đang ở độ tuổi ngoài hai mươi, kể lại cho mẹ những mẩu chuyện nhỏ, xen kẽ với những đoạn trữ tình ngoại đề, triết lý và những bài thơ.
Cuốn sách kể câu chuyện đời không chỉ của Chó Con từ thuở ấu thơ đến lúc chớm trưởng thành, mà là cả ba thế hệ: từ bà, đến mẹ, đến cậu, một cuộc di cư kéo dài từ làng quê Việt Nam sang đất Mỹ. Chính ảnh hưởng từ họ – những người phụ nữ can trường, chai sạn, bị vắt kiệt bởi chiến tranh – đã hình thành nên xương sống của cuốn tiểu thuyết và đặt ra câu hỏi cốt lõi: Chúng ta yêu thế nào sau bao đau thương?Những bức thư khai quật lịch sử của một gia đình, đồng thời là chứng nhân cho tình yêu mãnh liệt không thể phủ nhận mà người mẹ đơn thân dành cho đứa con trai của mình. Cuốn sách là những trải nghiệm chấn thương sau chiến tranh được truyền qua nhiều thế hệ, những đau đớn khi trở thành một người tị nạn da vàng ở một quốc gia da trắng, nỗi tuyệt vọng do nghèo đói mang lại và nỗi khao khát được khẳng định giới tính kỳ lạ trong một nền văn hóa có nhiều hình phạt.Có thể nói, khi vật lộn với niềm trăn trở về cuộc sống và với những giới hạn của ngôn ngữ, Ocean Vuong "cố gắng thoát ra" bằng cách viết. Ngôn ngữ của Vương bay bổng khi anh viết về cái đẹp, sự sống và tự do. Anh khẳng định rằng anh và mẹ sinh ra không phải từ chiến tranh như anh vẫn nghĩ, mà là từ cái đẹp.Trong thư viết cho Nhã Nam nhân bản dịch ra mắt, Ocean Vuong giãi bày: "Tôi thật tự hào và phấn khích khi cuốn sách sẽ được sống bằng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ gần gũi nhất trong tôi với ý niệm về "nhà", thứ ngôn ngữ luôn làm sống dậy trong tôi mạnh mẽ nhất tình cảm gắn bó máu thịt, nỗi xúc động và niềm vui".
Cuốn sách địa chính trị đầy cảm hứng
Cuốn sách Chia rẽ của Tim Marshall (tác giả cuốn bestseller về địa chính trị "Những tù nhân của địa lý") tập trung vào những lằn ranh chia cắt sẽ định hình thế giới trong những năm sắp tới. Cuốn sách mang lại cho người đọc cái nhìn cận cảnh về những vấn đề địa chính trị toàn cầu và nhắc nhở ta về tầm quan trọng của địa lý trong các vấn đề quốc tế. Nếu tầm nhìn của Tim Marshall ở Những tù nhân của địa lý bao quát toàn bộ vùng lãnh thổ của các quốc gia, đến Chia rẽ, góc nhìn ấy được thu lại gần hơn, mang tính thời sự hơn: Trong nhà tù địa lý đó, loài người đang không ngừng tách biệt nhau ra bởi những đường đứt gãy đáng sợ và những chia rẽ sâu sắc hơn. Trong cuốn sách này, bạn đọc sẽ thấy rất nhiều hình ảnh về những bức tường bê tông, tường sắt lạnh lẽo đầy căng thẳng khắp xuất hiện khắp nơi trên thế giới.
Theo Marshall, mỗi bức tường đều tồn tại ở hai dạng, hữu hình và vô hình. Bức tường hữu hình được dựng lên để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, để ngăn chặn khủng bố, kiểm soát nhân khẩu học. Nhưng những bức tường hữu hình này được bắt nguồn từ chính tâm trí của con người, chúng ở đó để phản chiếu những bất đồng trong tâm thức và tư duy. Con người vẫn đang tự chia rẽ nhau bằng xung đột sắc tộc, tôn giáo, tư tưởng chính trị... Những bức tường hữu hình có thể phá bỏ đi nhanh như khi chúng được xây nên, nhưng để dỡ bỏ bức tường ý niệm “ta và chúng nó” thì lại không hề dễ dàng. Vì thế, khi nghiên cứu về những bức tường, Marshall đã sáng suốt chỉ ra rằng ta không chỉ đánh giá chúng như “cái gì” mà còn phải nhận diện được phần cốt lõi “tại sao”sâu bên trong.Marshall đã viết một cách thẳng thắn về những vấn đề nan giải của mỗi quốc gia, sự chia rẽ trên toàn thế giới. Mặc dù những bức tường đại diện cho những bất đồng mà rõ ràng là con người rất khó vượt qua, ông vẫn giữ lại niềm hy vọng tích cực trước tình hình này. Bởi, con người bình đẳng với nhau và lịch sử chứa đựng vô số khả năng. Trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, vẫn có triển vọng lịch sử sẽ lại xoay hướng về phía đoàn kết, thống nhất.
Tiểu thuyết khoa học giả tưởng bán chạy nhất mọi thời đại đã trở lại với bạn đọc Việt Nam sau 11 năm vắng bóng
Xứ Cát của Frank Herbert được coi trọng đến mức khi nhắc đến kiệt tác này, người ta lại nhắc đến tên Chúa tể của những chiếc nhẫn và Chiến tranh giữa các vì sao. Được vinh danh là tác phẩm khoa học giả tưởng bán chạy nhất mọi thời đại, “Xứ Cát” đã quay trở lại sau 11 năm vắng bóng ở Việt Nam với một diện mạo hoàn toàn mới: tái bản, thay bìa.Đã 56 năm trôi qua kể từ ngày kiệt tác khoa học viễn tưởng Xứ Cát ra đời, tầm vóc của tác phẩm không những không hề suy chuyển, còn ngày một vĩ đại. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản lần đầu tiên năm 1965, đã giành được giải thưởng văn học danh giá Nebula (1965) và Hugo (1966), có mặt trong danh sách Big Read do độc giả BBC bầu chọn lẫn danh sách The Modern Library 100 Best Novels của độc giả Mỹ bầu chọn.
Cũng như những bộ tiểu thuyết giả tưởng vĩ đại nhất, Xứ Cát mang trong mình một vũ trụ rất phức tạp, trong đó từng khái niệm đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đây là một thiên sử thi vĩ đại, hùng tráng về những mưu mô chính trị hòng tranh giành quyền lực vũ trụ, về mối quan hệ giữa con người và sinh thái, sự ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo tới tín ngưỡng của nhân loại.
Lấy bối cảnh tương lai nhân loại sau hai mươi nghìn năm nữa, nơi loài người đã rải ra sinh sống trên nhiều hành tinh khác nhau, chia làm nhiều gia tộc và có nhà nước cũng như thể chế của riêng mình, cuốn sách tập trung vào cuộc chiến giành quyền lực của Gia tộc Arrakis, giữa những mưu mô hiểm ác của gia tộc Harkonnen và Hoàng đế Padishah. Chi phối cuộc chiến quyền lực này chính là “Hương dược” - một loại chất gây nghiện có khả năng kéo dài tuổi thọ và mang đến cho người dùng những khả năng vượt xa giới hạn của một người bình thường (như khả năng thấu thị, viễn kiến,…). Thế lực nào nắm được quyền kiểm soát và khai thác thứ biệt dược này chính là thế lực mà kể cả Hoàng đế cũng phải dè chừng...Đọc Xứ Cát độc giả có thể dễ dàng mường tượng ra khung cảnh hùng vĩ của Arrakis khô cằn, nơi con người phải chế tạo ra những bộ sa phục, tái chế hơi ẩm từ chính cơ thể mình để một ngày không mất quá một ngụm nước nhỏ. Nước cũng là thứ quý giá hơn vàng ở Xứ Cát, mở ra một viễn cảnh khắc nghiệt nơi con người chịu đựng và sống chung với cảnh thiếu thốn thứ vốn chiếm tới 60% trọng lượng cơ thể của mình.Xứ Cát giới thiệu cho độc giả một thế giới khép kín, hoàn chỉnh với các chủng tộc, tôn giáo và chính trị, địa lý riêng. Thêm đó, tác giả còn bổ sung cho câu chuyện những nhân vật, tình tiết hấp dẫn, phức tạp, sống động cùng thông điệp về sinh thái tiềm ẩn. Xứ Cát có thể được coi là một câu chuyện ngụ ngôn về thế giới hiện đại, không những mang tính ẩn dụ mà còn có giá trị dự báo.
Theo thethaovanhoa.vn
Liên kết website
Ý kiến ()