Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:03 (GMT +7)
Những “cột mốc sống” nơi biên cương
Thứ 2, 02/05/2022 | 08:06:24 [GMT +7] A A
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, những năm qua, BĐBP Quảng Ninh luôn quan tâm vận động sự chung tay, góp sức của quần chúng nhân dân, nhất là vai trò quan trọng của đội ngũ già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tại các bản, làng biên giới của tỉnh. Họ được ví như những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền nơi biên giới, có nhiều đóng góp giữ gìn sự bình yên nơi biên cương.
“Tai mắt” của BĐBP
Trong hành trình tìm gặp những “cột mốc sống” ở tuyến biên giới Đông Bắc của Tổ quốc, chúng tôi được lãnh đạo Đồn Biên phòng Quảng Đức giới thiệu gặp ông Phùn Hợp Sềnh (bản Nà Lý, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà). Ông Sềnh từng có hơn 25 năm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Đức, ĐBQH khóa VIII. Bằng uy tín của mình, ông Sềnh đã luôn đồng hành cùng lực lượng biên phòng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sềnh chia sẻ, Quảng Đức là xã biên giới của Hải Hà, có 10,439km đường biên tiếp giáp với Trung Quốc, trên 90% dân số là người dân tộc Dao, cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, nên dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lợi dụng tham gia tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Xác định rõ đặc thù của địa phương, từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi còn công tác ở xã Quảng Đức, ông Sềnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đồng thời nhiều lần trực tiếp tham gia cùng CBCS biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới.
“Hồi đó, mỗi khi tham gia cùng BĐBP tuần tra đường biên, cột mốc biên giới, chúng tôi phải băng rừng, vượt núi, từ bản đến cột mốc có khi phải đi bộ mất cả ngày. Bây giờ, cột mốc được chỉnh trang, tôn tạo to đẹp hơn, đường lên được xây dựng đi lại dễ dàng hơn. Người dân ngày càng ý thức hơn trong bảo vệ đường biên, cột mốc” - Ông Sềnh cho hay.
Nay tuổi đã ngoài 70, nhưng tinh thần, nhiệt huyết, trách nhiệm với quê hương, ông Sềnh vẫn thường xuyên phối hợp với BĐBP vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn ANTT thôn, bản. Nhờ đó, những năm qua, tình hình ANTT trên tuyến biên giới Đồn Biên phòng Quảng Đức phụ trách, quản lý luôn được đảm bảo ổn định. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, Đồn Biên phòng Quảng Đức đã kịp thời ngăn chặn, bắt giữ 1 vụ/2 đối tượng XNC trái phép.
Thiếu tá Trần Đại Dương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quảng Đức, đánh giá: Ông Phùn Hợp Sềnh là một trong những người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy ông tuổi đã cao, nhưng luôn gương mẫu trong sinh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng, nên được bà con tin yêu, quý trọng, trở thành tấm gương sáng, chỗ dựa tinh thần vững chắc để đồng bào vững bước trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chung tay bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Cũng giống như ông Phùn Hợp Sềnh, nhiều năm qua ông Vũ Đình Phúc, Trưởng Ban Hành giáo, Giáo xứ Trà Cổ (TP Móng Cái) luôn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động giáo dân trên địa bàn sống tốt đời, đẹp đạo; tự nguyện đăng ký tham gia các tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Mỗi khi có tình huống xảy ra trên địa bàn biên phòng do Đồn Biên phòng Trà Cổ quản lý, xứ đạo Trà Cổ đều huy động lực lượng tại chỗ với khoảng 200 người, 50 bè, mảng cơ động tới thực địa để phối hợp xử lý, góp phần cùng BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc, ngư trường bến bãi của Tổ quốc.
Ông Phúc chia sẻ: Người dân Giáo xứ Trà Cổ chủ yếu làm nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản. CBCS Đồn Biên phòng Trà Cổ luôn là điểm tựa giúp chúng tôi yên tâm bám biển, bám ngư trường. Nhờ sự giúp đỡ của BĐBP nên đời sống của người dân ở địa phương nói chung, giáo dân xứ đạo Trà Cổ nói riêng ngày càng được nâng lên. Vì thế, mỗi giáo dân luôn thấy rõ trách nhiệm của mình, cùng với BĐBP tích cực tham gia công tác tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, ngư trường, ANTT trên địa bàn.
Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ông Phúc đã cùng CBCS Đồn Biên phòng Trà Cổ đến từng hộ giáo dân trong xứ đạo để tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con không XNC trái phép. Qua đó, bà con giáo dân trên địa bàn đã nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Khi phát hiện người lạ từ biên giới vào địa bàn, hoặc có dấu hiệu nghi vấn, ông Phúc và các giáo dân đều thông tin cho CBCS Đồn Biên phòng Trà Cổ để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, từ nguồn tin của bà con giáo dân, Đồn Biên phòng Trà Cổ đã kịp thời bắt giữ, xử lý 5 vụ/12 đối tượng/3 phương tiện buôn lậu, khai thác thủy sản trái phép…
Mỗi người dân là một chiến sĩ
BĐBP Quảng Ninh được giao quản lý 118,825km đường biên giới trên bộ, 191km đường biên giới trên biển; quản lý địa bàn biên phòng gồm 16 xã, phường trên đất liền, 66 xã, phường, thị trấn tuyến biên giới biển, thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Điều kiện xã hội, tự nhiên đó tạo thuận lợi cơ bản để tỉnh hội nhập, phát triển toàn diện, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác biên phòng.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, những năm qua, BĐBP tỉnh đã quan tâm phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tại các bản làng biên giới trong tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chủ động và tự giác tham gia giữ gìn, bảo vệ ANTT địa bàn. CBCS biên phòng cũng thực hiện có hiệu quả phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, cùng bảo vệ đường biên, cột mốc” và “bám chính quyền, bám đường lối chính sách, bám dân, bám địa bàn” trong thực hiện nhiệm vụ.
Nhờ tích cực bám dân, bám địa bàn, nhất là phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín tại các bản làng biên giới, hải đảo trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng BĐBP đã phát huy được sức mạnh của nhân dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Đến nay, mỗi người dân khu vực biên giới đã thực sự trở thành những “cột mốc sống” nơi biên cương, đoàn kết thành “phên giậu” bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc.
Nổi bật, trong năm 2021, từ các nguồn tin do nhân dân cung cấp, lực lượng BĐBP tỉnh đã phát hiện, bắt giữ tổng số 537 vụ/1.046 đối tượng/227 phương tiện vi phạm pháp luật trên biên giới, biển đảo; đấu tranh thành công 7 chuyên án lớn, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,3 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng BĐBP đã kịp thời phát hiện, bắt giữ 60 vụ/114 đối tượng/32 phương tiện vi phạm pháp luật, quy chế quản lý biên giới…
Đánh giá về vai trò của người có uy tín trong tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy BĐBP tỉnh khẳng định sự nỗ lực, chung tay của người có uy tín, việc tham gia phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn ANTT ở khu vực biên giới” đã lan tỏa được những việc làm hiệu quả và trở thành hoạt động tự giác của mỗi gia đình, mỗi người dân. Nhờ đó, tình hình vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới đã giảm mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhân dân trên địa bàn biên giới yên tâm lao động sản xuất, góp phần xây dựng và phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh.
“Những việc làm của người có uy tín đang tiếp tục phát triển hơn nữa tình nghĩa quân - dân gắn bó; góp phần giúp lực lượng BĐBP xây dựng vững chắc thế trận lòng dân nơi biên cương của Tổ quốc” - Đại tá Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Nguyễn Chiến
Liên kết website
Ý kiến ()