Là địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng hình thức hợp tác công - tư (PPP) trong nhiều dự án giao thông “khủng”, Quảng Ninh nổi lên như một “hiện tượng” về thu hút đầu tư hạ tầng giao thông. Bởi chưa có một địa phương nào trong một thời gian ngắn có thể huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách lớn và đồng bộ như vậy (chỉ trong khoảng 6 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã huy động được khoảng 200 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội). Cách làm của Quảng Ninh trong huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng theo mô hình PPP đã được Trung ương đánh giá là tiên phong, táo bạo, tạo nền tảng vững chắc cho sự bứt phá lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Ngày 1/9/2018 là một ngày đặc biệt đối với người dân Quảng Ninh. Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng chính thức thông xe, nối thủ phủ của tỉnh với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau 20 phút chạy xe. Giờ đây, từ Hà Nội đi Hạ Long chỉ còn 1,5 tiếng thay vì 3-4 tiếng trên QL18, quãng đường từ Hạ Long tới Hải Phòng giảm 2/3, xuống còn 25km. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên Chính phủ giao cho địa phương tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư, với sự chủ động đề xuất từ Quảng Ninh. Công trình có tổng nguồn vốn cả đường và cầu gần 14.000 tỷ đồng.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo TP Hải Phòng cắt băng khánh thành, thông xe cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (ngày 1/9/2018).
Việc đầu tư thành công cao tốc Hạ Long – Hải Phòng không chỉ để Thủ đô đến Quảng Ninh nhanh hơn, liên thông hoàn toàn giữa 3 địa bàn trọng điểm kinh tế khu vực phía Bắc, mà công trình còn mang ý nghĩa khẳng định quyết tâm, mạnh dạn đổi mới của tỉnh, công trình biểu trưng khẳng định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Sau thành công của dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, hàng loạt các dự án giao thông PPP khác của Quảng Ninh cũng lần lượt được khởi động, trong đó nổi bật là cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đường dẫn cầu Bắc Luân II, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái...
Cầu Bạch Đằng, đầu nối của cao tốc Hạ Long – Hải Phòng.
Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn đã giúp thông suốt hành trình lưu thông hàng hóa từ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái; lưu thông hoàn toàn con đường du lịch quốc tế, trong nước từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn đến Vịnh Hạ Long.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được khởi công từ năm 2016, hoàn thành vào tháng 12/2018. Đây không chỉ là sân bay tư nhân đầu tiên trong cả nước, đánh dấu sự đổi mới, sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh, mà còn là dự án sân bay có thời gian thi công nhanh nhất, đột phá, thí điểm mô hình tư nhân đầu tư sân bay, mở đầu cho giai đoạn phát triển sân bay mới trong cả nước.
Những vị khách trong chuyến bay đầu tiên từ TP Hồ Chí Minh đến Vân Đồn (ngày 30/12/2018).
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là “hiện tượng” của Việt Nam, mở đầu cho xu hướng kêu gọi thu hút đầu tư từ địa phương với những dự án quy mô lớn, thay vì trông chờ vào vốn ngân sách Trung ương.
Ngày 30/12/2018, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức vận hành với quy mô của sân bay cấp 4E, có đường cất hạ cánh dài 3,6km, công suất 2,5 triệu lượt khách/năm, có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới như Boeing 787, 777 và Airbus A350, A320. Năm đầu tiên đi vào hoạt động (2019), Cảng đón hơn 1.790 chuyến bay cất, hạ cánh, trong đó có 117 chuyến bay quốc tế. Tổng lượng khách qua sân bay đạt hơn 235.000 lượt.
Và cũng ngay trong năm đầu tiên này Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn được tổ chức Giải thưởng du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh “Sân bay mới hàng đầu Châu Á 2019”. Lễ trao giải có sự hiện diện của hàng trăm chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, đại diện các đơn vị lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch từ các quốc gia châu Á - châu Đại Dương. Đây cũng là lần đầu tiên một sân bay tại Việt Nam được World Travel Awards vinh danh.
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Cảng thực hiện trọng trách quốc gia, phục vụ đón an toàn hàng trăm chuyến bay đặc biệt với hơn 40.000 hành khách là chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam về nước do đại dịch Covid-19.
Ngày 6/6/2019, chuyến bay quốc tế đầu tiên từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn cùng 180 hành khách.
Và hơn cả, sau 3 năm đưa vào khai thác, vận hành, “lãi” mà Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đem lại theo đánh giá của các chuyên gia đó chính là góp phần rất quan trọng cho Quảng Ninh quyền được lựa chọn các dự án, các nhà đầu tư chiến lược. Danh tiếng trên bản đồ giao thông thế giới khi Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được ghi tên là điểm đến, điểm khởi hành trên hành trình của các nhà tỷ phú, các du khách quốc tế, đã mang lại những giá trị hình ảnh to lớn cho Quảng Ninh.
Đây cũng là lý do vì sao ngay sau khi đưa vào khai thác, 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo Airways đã lập tức tổ chức các chuyến bay tại cảng, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 70% mỗi chuyến. Và đặc biệt sau 5 tháng vận hành (tháng 5/2019) đã tiến hành khai thác các tuyến bay quốc tế. Đây cũng là kỷ lục, bởi thường các sân bay quốc tế khác trên thế giới phải mất từ 2-3 năm khai thác nội địa mới có thể đưa các đường bay quốc tế vào khai thác.
Ngày 12/9/2021, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã đón thành công hai chuyến bay đưa 345 công dân từ Mỹ về Việt Nam. Hành khách trên chuyến bay đều đủ điều kiện nhập cảnh và cách ly theo chương trình thí điểm cách ly y tế 7 ngày của Bộ Y tế.
Tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 5 vừa qua, một lần nữa, người đứng đầu Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Quyết định 236/QĐ-TTg được Thủ tướng phê duyệt ngày 23/2/2018, đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác tổng cộng 28 sân bay gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế. Hiện Việt Nam có 22 sân bay, ngoại trừ Sân bay Vân Đồn là do tư nhân đầu tư, 21/22 cảng còn lại đều do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác. Như vậy, trong vòng 10 năm tới cần có thêm ít nhất 6 sân bay mới. Kinh nghiệm của Quảng Ninh sẽ là tư liệu quý để Bộ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua nghị quyết để tạo cơ sở, mở hướng phát triển hạ tầng giao thông mới nói chung và đầu tư sân bay nói riêng.
Cùng với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và Hạ Long – Vân Đồn, hiện nay, Quảng Ninh đang dồn toàn lực để phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành trên 80km cao tốc nối Vân Đồn với thành phố biên giới Móng Cái. Khi đó, Quảng Ninh sẽ có tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài gần 200km và là tỉnh có tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam (bằng 1/10 tổng số km đường cao tốc toàn Việt Nam).
Để phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại và trong tương lai, dự án được điều chỉnh vào tháng 7/2020, nâng vận tốc thiết kế từ 100km/h lên 120km/h. Điều này dẫn đến diện tích mặt bằng cần bổ sung là 187,12ha, liên quan đến 1.168 hộ dân và 18 tổ chức thuộc các địa phương Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Việc GPMB số lượng lớn, thời gian ngắn để đáp ứng yêu cầu thi công dự án đã trở thành bài toán tương đối phức tạp đối với các địa phương khi thị trường bất động sản tại Quảng Ninh liên tục thay đổi. Trong bối cảnh này, Quảng Ninh đã phát động "Chiến dịch cao điểm 30 ngày đêm” với quyết tâm hoàn thành công tác GPMB dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh.
Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả cùng cách làm phù hợp, dù chiến dịch phát động trong 30 ngày đêm, nhưng chỉ sau đúng 15 ngày kể từ thời điểm phát động, cả 5 địa phương có tuyến cao tốc đi qua đều tổ chức bàn giao mặt bằng với tổng số 187,12ha, liên quan đến 1.186 hộ dân và tổ chức cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Chiến dịch GPMB “thần tốc” của tỉnh thành công chỉ trong 1/2 thời gian dự kiến, trên tinh thần đồng thuận, phấn khởi. Đây là kỳ tích mới trong GPMB của Quảng Ninh từ trước đến nay.
Để tăng tốc thi công, nhanh chóng đưa dự án vào khai thác, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ngay sau thành công của chiến dịch 30 ngày đêm hoàn thành GPMB, đầu tháng 8/2020, tỉnh Quảng Ninh phát động chiến dịch 500 ngày đêm thi đua thông xe kỹ thuật toàn tuyến cao tốc. Đặc biệt, để tăng thêm khí thế, nhiệt huyết cho các công trường, quyết tâm hoàn thành dự án vào cuối năm 2021, đúng dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, tỉnh tiếp tục phát động đợt thi đua cao điểm “100 ngày đêm hoàn thành cao tốc".
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Vân Đồn đến Móng Cái từ hơn 2 giờ xuống còn gần 1 giờ. Vì thế, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được ví là "mảnh ghép cuối cùng" của tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Quảng Ninh trở thành điểm sáng khi tiên phong gỡ trúng nút thắt mấu chốt cản trở sự phát triển du lịch bằng đường biển. Hai cảng đẳng cấp quốc tế là Tuần Châu và Cảng khách quốc tế Hạ Long khi đưa vào vận hành đã xóa đi điểm nghẽn trong du lịch tàu biển của Việt Nam nói chung và trở thành một trụ kiềng quan trọng trong hệ thống giao thông không - thủy - bộ của Quảng Ninh, đón dòng khách chất lượng cao, đặc biệt là khách quốc tế bằng đường thủy...
Tròn 6 năm trước, vào tháng 10/2015, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu được khánh thành mở ra một trang mới cho du lịch Quảng Ninh, hiện đại, chuyên nghiệp, trở thành điểm đến nổi tiếng tấp nập vào - ra của các tàu, thuyền trong và ngoài nước đến với Vịnh Hạ Long. Tháng 12/2018, ngành du lịch tàu biển Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung đã bước sang trang mới chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, sánh vai với những quốc gia hàng đầu về du lịch khi chính thức đưa vào vận hành cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam – Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Cảng tàu này có khả năng đón tàu nước sâu tải trọng trên 200.000 GRT, phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc.
Tại sao Quảng Ninh có thể giải được điểm nghẽn về hạ tầng du lịch cảng biển, trong khi rất nhiều tỉnh, thành khách trong cả nước cũng có chung tiềm năng, thế mạnh vẫn loay hoay tìm lời giải? Lý giải cho câu hỏi này, các chuyên gia kinh tế cho rằng chính là việc Quảng Ninh đã thành công trong việc huy động khối kinh tế tư nhân vào cuộc. Cả hai cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Hạ Long đều do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Đây là hình thức đối tác công - tư hết sức hiệu quả mà tỉnh Quảng Ninh đang phát huy trên một loạt công trình trọng điểm giao thông.
Nếu như năm 2010, doanh thu từ lĩnh vực du lịch Quảng Ninh chỉ đạt khoảng 2.300 tỷ đồng với trên 5,3 triệu lượt khách và thời gian lưu trú của mỗi khách tại tỉnh từ 1,6-1,7 ngày/khách thì các con số này đã có những bước nhảy vọt đáng kể khi hệ thống hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là khi 2 cảng tàu đẳng cấp quốc tế đi vào hoạt động. Tính đến cuối năm 2019 (trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát), Quảng Ninh đón trên 14 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt gần 6 triệu lượt người. Doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% vào tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh. Đặc biệt, thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch đã nâng lên 2,7 ngày/khách.
Tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, dù mới đi vào vận hành, nhưng nơi đây đã trở thành điểm đến lý tưởng của các hãng du thuyền lớn trên thế giới. Với ưu thế về quy mô phục vụ, sức chứa lớn, có thể đón tiếp những tàu khách trọng tải lớn lên đến 225.000 GRT, Cảng đã là nơi cập bến của những siêu tàu du lịch quốc tế như Celebrity Millennium, World Dream, Mein Chiff, Westerdam, Voyager of the Sea… Đặc biệt, giới “siêu” giàu, tỷ phú quốc tế đều lựa chọn địa điểm này là bến đỗ trong hải trình khám phá vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long, của Việt Nam.
Cùng với Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu cũng đã trở thành điểm neo đậu lý tưởng cho các tàu du lịch, nhất là những du thuyền hạng sang. Sức chứa lớn với quy mô một lúc có thể đón 2.000 con tàu cập bến, lại thuận lợi hải trình thăm vịnh, kín gió, hệ thống bến đỗ hiện đại, đồng bộ, nơi đây cũng là điểm hội tụ của những du thuyền 5 sao, đẳng cấp quốc tế như President Cruises Halong Bay, The Au Co Cruise, Starlight Cruise - Halong Bay, Margaret Cruises, Paradise Luxury Sails Cruise…
Từ khi đưa vào hoạt động, mỗi ngày, cảng tàu đón tiếp đến hàng chục nghìn lượt khách du lịch qua cảng. Đặc biệt là vào dịp lễ, Tết, mùa du du lịch cao điểm thì lượng khách tới bến cảng đông hơn rất nhiều. Không chỉ đơn thuần phục vụ khách du lịch, Cảng Tàu khách quốc tế Tuần Châu còn góp phần tạo nên một hình ảnh đẹp tô điểm cho Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long thêm lung linh, kỳ vỹ.
Thực hiện: Minh Thu - Đỗ Phương - Thu Chung
Kỹ thuật đồ họa: Hải Anh