Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:35 (GMT +7)
Những cộng tác viên dân số vùng cao hết lòng vì cộng đồng
Thứ 6, 03/04/2020 | 07:55:01 [GMT +7] A A
Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng để người dân thực hiện đúng chính sách dân số là hình ảnh không còn lạ lẫm của những cộng tác viên (CTV) dân số trên địa bàn tỉnh. Với CTV dân số vùng cao, vùng sâu, vùng xa, công việc ấy càng thêm gian nan vì địa bàn trải rộng, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, người dân thường xuyên không có ở nhà...
Chị Dương Thị Bình, cán bộ chuyên trách dân số xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ (bên phải) trao đổi công việc với bà Triệu Kim Thành, CTV dân số thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc. Ảnh chụp tháng 1/2020. |
"Chế độ phụ cấp không đáng là bao, CTV dân số làm việc chủ yếu bằng lòng nhiệt tình, sự say mê và trách nhiệm. Có người gắn bó với việc này đã hơn 10 năm, thậm chí hơn 20 năm. Làm lâu nên họ nắm rất chắc tình hình biến động dân số trên địa bàn thôn, bản" - Chị Dương Thị Bình, cán bộ chuyên trách dân số xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, nói về những CTV dân số ở địa phương.
Đúng như lời chia sẻ của chị Dương Thị Bình, tại xã Đồn Đạc, chúng tôi cảm nhận được rằng, những CTV dân số ở đây vô cùng nhiệt huyết. Họ luôn nắm chắc tình hình dân số trên địa bàn, những trường hợp có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên hoặc những cặp vợ chồng không dùng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Trong số những CTV dân số đó, chúng tôi ấn tượng nhất với bà Triệu Kim Thành, SN 1963, dân tộc Dao, CTV dân số thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc. Ngoài thời gian làm nông, chăm sóc gia đình, người phụ nữ này đều dành hết thời gian cho cộng đồng.
Bà Triệu Kim Thành chia sẻ: Địa bàn tôi quản lý có 117 hộ dân với 470 nhân khẩu. Tôi đã có hơn 10 năm làm CTV dân số nên đa phần phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nơi đây đã quen thuộc với tôi và không ngại khi chia sẻ những chuyện tế nhị, thầm kín của gia đình. Họ thường ở nhà vào buổi tối. Vì thế, đây là thời điểm mà tôi đi vận động. Không biết đi xe máy nên tôi toàn phải đi bộ để đến gõ cửa từng nhà.
Chị Voòng Tài Múi, CTV dân số bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà (bên trái) cùng Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Sơn tìm hiểu về nội dung tờ rơi KHHGĐ, từ đó có cách tuyên truyền phù hợp cho người dân. Ảnh chụp tháng 1/2020. |
Thôn Nà Bắp cách trung tâm xã Đồn Đạc chừng 6km. Cả thôn chỉ có duy nhất 1 người là người Kinh, còn lại là đồng bào dân tộc Dao. Trình độ dân trí chưa cao là trở ngại rất lớn của bà Triệu Kim Thành so với những “đồng nghiệp” ở địa phương vùng xuôi.
Bà Triệu Kim Thành tâm sự: “Ở đây, cánh đàn ông đa số còn tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường, gia đình đông con, nhiều cháu để có thêm lao động, anh chị thì trông em, con cái thì phụ giúp việc nhà cho bố mẹ. Vì thế, nhiều người họ không quan tâm đến KHHGĐ. Tôi chỉ mong các anh chồng thêm hiểu và cảm thông, quan tâm đến sức khỏe của người vợ. Trong những lần đi vận động, ngoài chị em phụ nữ, tôi cũng tranh thủ trò chuyện thêm với chồng của họ, thuyết phục nhiều lần để tạo niềm tin nhằm chuyển biến nhận thức của cả vợ lẫn chồng.
Một CTV dân số vùng cao nữa cũng rất có tâm với nghề, được nhiều người dân ở thôn yêu mến, tin tưởng, là chị Voòng Tài Múi, SN 1988, dân tộc Dao, bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà. Chị Múi chia sẻ: Tôi làm CTV dân số từ năm 2009. Trong 5 năm qua, bản của tôi không có trường hợp nào sinh con thứ 3 trở lên. Các chị em thực hiện KHHGĐ rất tốt, không có tình trạng tảo hôn.
Chị Dương Thị Bình, cán bộ chuyên trách dân số xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ nhập thông tin tình hình biến động dân số trên địa bàn lên phần mềm. |
Suốt quá trình công tác, chị Voòng Tài Múi đã nhiều lần được khen thưởng vì những thành tích, đóng góp của bản thân với sự nghiệp dân số. Theo chia sẻ của chị, bản Quảng Mới có 100% người dân tộc Dao. Với phương châm "Mưa dầm thấm lâu", chị Voòng Tài Múi thường xuyên đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động, tuyên truyền. Chị chẳng nhớ đã phải vượt bao nhiêu quãng đường, lội bao nhiêu con suối để đến với các hộ dân vì mong muốn đem lại niềm vui cho nhiều gia đình.
Không chỉ bà Thành, chị Múi, tại các thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn rất nhiều CTV dân số đang vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực hằng ngày, hằng giờ đến các hộ gia đình vận động sinh đẻ có kế hoạch, nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, để người dân thêm hiểu chỉ nên dừng lại ở 2 con, từ đó, ổn định cuộc sống, vững vàng kinh tế, nuôi dạy con tốt hơn.
Lan Anh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()