Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:22 (GMT +7)
Những “công dân số” ở bản làng
Thứ 4, 14/02/2024 | 10:17:57 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến nay không chỉ ở thành thị, mà người dân thôn, bản vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã nắm bắt thời cơ, bắt nhịp chuyển động số để trở thành những "công dân số" trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Anh Hoàng Văn Sằn, dân tộc Tày (thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu), là một trong những “công dân số” tiên phong của địa phương sử dụng công nghệ, internet vào làm du lịch, phát triển kinh tế gia đình. Khoảng 5 năm trước, anh Sằn nảy ra ý tưởng làm du lịch homestay. Nhiều người nghĩ anh khó thành công, bởi vị trí xa xôi, đi lại khó khăn, hạn chế về điều kiện thông tin, quảng bá. Nhưng giờ đây, Homestay Hoàng Sằn đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Bình Liêu.
Dưới tiết trời se lạnh của tháng 12, cùng nhâm nhi chén trà nóng, anh Sằn chia sẻ: Những năm gần đây, huyện được đầu tư nhiều về hạ tầng viễn thông, mạng internet. Tôi cũng như nhiều người DTTS trên địa bàn được tiếp cận với chuyển đổi số, ứng dụng vào thực tiễn phát triển kinh tế, từ đó làm thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân vùng cao, biên giới. Cuối năm 2016, nhận thấy lượng khách du lịch phượt tới Bình Liêu rất khả quan, tôi hướng tới đầu tư phòng nghỉ. Tuy nhiên do việc quảng bá hạn hẹp, nên nhiều du khách chưa biết tới. Năm 2018 tôi đầu tư Homestay và tiếp cận tới các trang mạng xã hội Facebook, Zalo,… để đăng tải thông tin hình ảnh, vẻ đẹp của Bình Liêu, nhằm quảng bá rộng rãi tới người dân, du khách. Điều này đã giúp cho Homestay của tôi ngày càng có nhiều người biết đến. Hiện Homestay của gia đình đón từ 600-700 lượt khách/năm. Tôi đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, không gian, để thu hút nhiều hơn khách du lịch những năm tới.
Nhờ việc tiếp cận, bắt nhịp vào dòng chảy chuyển đổi số trong thời đại 4.0, giờ đây Homestay Hoàng Sằn trở thành từ khóa tìm kiếm “hót” trên các diễn đàn du lịch, công cụ tìm kiếm của Google, Facebook, Zalo… của nhiều du khách khi đến Bình Liêu.
“Tôi thấy rất vui và phấn khởi khi đã đăng tải được hàng nghìn bức ảnh đẹp, video trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá. Tài khoản Facebook Homestay Hoàng Sằn đã có gần 2.000 người theo dõi, trên 50.000 lượt tiếp cận”; trên diễn đàn "Phượt S2 triệu view" có 46.000 lượt người theo dõi” - anh Sằn chia sẻ.
Xã vùng cao Quảng Sơn (huyện Hải Hà) có 95% dân số là đồng bào DTTS, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn; nhưng nhiều người dân ở đây đã biết sử dụng internet phục vụ phát triển kinh tế, giải quyết TTHC, học tập, giải trí... “Theo thống kê, hiện gần 70% người dân xã đã tiếp cận, sử dụng công nghệ số trong các hoạt động hằng ngày, như thanh toán không dùng tiền mặt, giải quyết TTHC, bán hàng, đặt hàng online…” - ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, thông tin.
Kiểm tra trang Facebook cá nhân, chụp hình sản phẩm đưa lên mạng, check đơn hàng, tương tác với khách hàng khắp nơi… giờ đây đã trở thành công việc mỗi ngày của chị Sằn Sặp Múi, dân tộc Dao Thanh Y (bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà). Thông qua mạng xã hội, chị Múi đã có thể bán những nông sản của địa phương như: Mật ong rừng, dau dáu, lá tắm đẻ, nông sản… để cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Chị Múi chia sẻ: "Trước đây khi chưa bắt nhịp với mạng xã hội, việc bán hàng rất chậm; các sản phẩm không được quảng bá rộng rãi, ít người biết tới. Giờ đây, tôi chỉ cần chụp ảnh sản phẩm, đăng lên các trang mạng xã hội, đã nhiều người biết đến, đặt mua, thanh toán cũng rất nhanh chóng, tiện lợi. Tôi cũng thực hiện nhiều giao dịch như đóng tiền điện, tiền nước, mua hàng, giải quyết TTHC… qua môi trường mạng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và hiệu quả”.
Việc tiếp cận với chuyển đổi số để phát triển kinh tế, giao thương đã từng bước làm thay đổi diện mạo các thôn, bản vùng cao. Toàn tỉnh đã hoàn thiện hạ tầng 57 trạm BTS và triển khai cáp quang sẵn sàng cung cấp dịch vụ internet băng rộng cố định cho các thôn, bản; tạo thuận lợi cho người dân vùng cao sử dụng internet phát triển kinh tế, học tập, giải trí. Qua đó góp phần thực hiện chuyển đổi số toàn diện của tỉnh, với mục tiêu cao nhất là mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()